Người của làng nghề

Truyện ngắn - Ngày đăng : 20:03, 08/01/2012


Minh họa: Văn Hà


Tôi nhớ, dạo ấy vào trung tuần tháng chạp,  tiết trời đã qua đông chí nên cái rét không còn căm căm nữa, chỉ se se giao thời chuẩn bị đón xuân. Năm ấy, lập xuân trong Tết nên thỉnh thoảng ông mặt trời lại ló ra phủ ánh nắng lên mọi vật một màu sáng ấm. Vừa một chút nắng, vừa một chút sương mờ ảo và vừa có một chút gió lạnh hanh hao khiến con người như nhỏ lại, mặt đường như rộng ra. Các ngôi nhà ẩn mình sau những vòm cây trở nên cổ kính. Chính trong mọi cái sắp tàn của mùa đông, tôi bất chợt nghĩ đến một vùng đất giáp thành phố làm nghề nấu rượu: Làng Phú Lương. Nghe nói nhiều năm trước dân ở đây bị đói vì không phát triển được nghề truyền thống. Mãi gần đây làng mới dễ thở đôi chút. Vì mạnh dạn đầu tư công nghệ mới? Vì phát triển mạnh VAC? Có lẽ vì tất cả.

Tôi gửi chiếc xe cà tàng của mình ở quán nước đầu làng,  rồi lang thang suốt buổi chiều, thăm nhiều nhà, gặp nhiều người, ngắm nhìn quy trình nấu rượu của nhiều gia đình. Phải công nhận có hiện đại, có đồ sộ, có tiên tiến. Nhưng hình như còn thiếu một cái gì đó chưa thật đúng với tên gọi: Làng nghề truyền thống. Đi mỏi chân, hỏi đủ chuyện mà chỉ toàn nghe đến giá cả, đến lỗ lãi. Nghĩa là toàn nói đến tiền, đến quy luật thương trường. Tôi chưa hề được nghe ai nói về cái thần bí,  cái tuyệt hảo, cái chỉn chu,  cái tất bật của nghề. Đứng đâu, ngồi đâu cũng chỉ nghe nói đến tiền và tiền. Nghe nhiều đến nỗi chính tôi cũng luôn phải nghĩ đến tiền. Thật chán quá. Khi tôi bước chéo qua một góc sân khá rộng để đi tắt ra đường cái, chợt nghe tiếng lục cục ở căn nhà ngang,  bèn dừng chân nhìn vào. Cũng là vô tình thôi, không có chủ ý gì trước. Có tiếng người hỏi vọng ra: “Ông tìm nhà ai?”. Tôi bước lại gần. Một người đàn ông khoảng 60 tuổi, quắc thước, không để râu như bao người đàn ông khác trong làng. Ông ta mặc chiếc áo may ô ba lỗ. Sau lớp vải mỏng là khuôn ngực vồng lên rắn chắc, nhìn đến mê say. Ông đang dùng tay tản cơm nếp còn nóng hôi hổi ra một chiếc nong rất to. Ông ngẩng lên nhìn tôi bằng đôi mắt lanh lợi, nhắc lại câu hỏi. “Tôi chỉ đi qua để ra đường cái về ủy ban thôi”. Tôi trả lời qua quýt. Ông ta lại hỏi: “Ông ở trên huyện về công tác à?”. Tôi đáp bừa: “Vâng”. “Ông làm ở phòng nào trên huyện?”. Ồ, cái ông này thật rỗi hơi,  nếu không muốn nói là tò mò quá mức cần thiết. Tôi cố gắng giải thích cho ông ta hiểu rằng tôi không phải là cán bộ nào trên tỉnh, trên huyện mà chỉ là anh viết văn nghiệp dư đi thăm một làng nghề nấu rượu rất nổi tiếng, có từ lâu đời. Nghe xong, ông ta lại hỏi: “Ông tên là gì nhỉ?”. Quái lạ, chả lẽ anh chàng nấu rượu này lại quen thuộc nhiều người làm nghề viết lách sao. Nhưng thật bất ngờ, khi biết tên tôi, ông ta liền bước ra mời tôi vào nhà, hỉ hả: “Tôi từng đọc vài truyện ngắn viết về người lính hải quân của ông. Khá sâu sắc. Hẳn trước đây ông cũng từng là người lính? Còn tôi là con của biển cả. Lính của đại đội 20,  đoàn 126 đặc công nước”. Rồi ông ta nói tên mình là Thảo,  đi bộ đội từ năm 1968 đến năm 1986 thì phục viên, cấp bậc đại úy. Tôi nói với Thảo: “Tôi ở đại đội 24, đoàn 172, có hai năm phối thuộc với đoàn 126 tại mặt trận Cửa Việt”. Thảo rót nước chè xanh ra bát mời tôi. Nước nguội ngắt, lạnh buốt chân răng. Thảo bỗng đổi cách xưng hô: “Tối nay anh phải ở đây ăn với em bữa cơm. Cơm rau dưa thôi, nhưng thắm tình đồng đội”. Lại văn chương nữa chứ. Có khi hồi ấy chúng tôi từng đi bên nhau, từng bảo vệ nhau khi lâm trận. Chỉ tiếc lính của hai đơn vị chả ai biết ai. Toàn đi đêm, lại hóa trang nữa,  kỷ luật chiến trường nghiêm lắm, không được hỏi tên, hỏi nơi đóng quân. Tôi không nghi ngờ điều Thảo vừa kể. Tiếp xúc với anh chàng này cũng hay đấy. Tôi vui vẻ nhận lời Thảo. Trong lúc chờ Thảo chuẩn bị bữa tối, tôi nói với anh rằng, tôi đi khắp làng cả nửa ngày trời mà chưa nghe thấy một ai nói về cách nấu rượu truyền thống. Toàn thấy hiện đại quá,  hối hả quá,  ào ạt quá,  làm lấy được. Cứ như làm cho xong việc. Nhà nào cũng có vẻ không được phong lưu cho lắm. “Liệu gia cảnh nhà ông đại úy có khá hơn không?”. Nghe tôi hỏi, Thảo há mồm ra cười. Tiếng cười giòn như tiếng AK nổ cả băng. Hai hàm răng đều đặn, trắng muốt khiến gương mặt trẻ trung hẳn, nghịch ngợm hẳn. Tôi nghĩ chắc hồi còn làm anh lính chiến Thảo phải lắm mồm lắm mép đáo để. Đến bữa cơm, Thảo lôi ra một chai rượu,  bật nút lá chuối khô rồi rót ra hai chén. Mùi rượu thơm lừng,  mang theo vị ngọt, tỏa lan nhanh trong phòng khách. Anh trao một chén cho tôi. Chén còn lại anh nâng lên: “Nào, ta chạm cốc chúc mừng cuộc hội ngộ bất ngờ của hai người lính hải quân”. Tôi tợp nhẹ một hớp, lè lưỡi khà một tiếng, kêu lên: “Trời ơi! Rượu này uống một chén có lẽ say đến ba ngày, chỉ còn biết lấy trời làm màn lấy đất làm chiếu”. Thảo lại cười: “Anh đáng tôn làm sư phụ về khoản rượu này lắm. Ấy ấy, khéo đổ rượu ra ngoài. Anh biết không, rượu này chỉ cần một giọt nhểu xuống đất, con giun ngửi được cũng say lử đử. Con gà ăn phải con giun say thì cơn say túy lúy mê mết truyền sang cả người ăn thịt con gà”. Gớm!Nghe cựu đại úy quảng cáo cho rượu mà phát hoảng, chả dám uống. Thảo cúi xuống rót thêm rượu vào chén của tôi, im lặng. Tôi vội đưa ra câu hỏi mà suốt buổi chiều lang thang trong làng luôn nung nấu trong tâm trí:“Cùng trong một làng, tại sao có nhà nấu rượu rất ngon,  như nhà anh chẳng hạn, có nhà lại nấu rất dở,  nhạt phèo. Mua rượu rồi mà cứ ngỡ mua phải đồ giả. Tức anh ách như bò đá”. Thảo hỏi đột ngột: “Ông định học nấu rượu à?Vậy mời ông về đây. Nhưng phải bỏ cái nghiệp văn chương đi. Nghề nấu rượu bận lắm,  chả kịp cả ăn nữa. Ông đồng ý không?”. À... à... cái khoản này hơi bị khó đấy còn phải suy nghĩ tính toán đã. “Nói vui vậy thôi chứ em biết, có nói cụ thể rõ ràng trên giấy trắng mực đen thì anh cũng chả nấu nổi nồi rượu cho ra hồn. Nấu được chai rượu ngon cũng khó như anh viết văn, rất cần năng khiếu bẩm sinh. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nào hạt gạo phải ra sao,  nếp hay tẻ. Nào người nấu hiểu biết về kỹ thuật nấu thế nào, có chuyên tâm yêu nghề không. Thời tiết hôm nấu ra sao. Và điều quan trong bậc nhất là nước. Nước phải thật tinh khiết. Nếu gạo là biểu tượng của sự hấp thụ khí trời thanh cao, thì nước là nguồn từ trong lòng mẹ đất ấp ủ khí âm thanh khiết được khơi lên. Ở cái làng này không phải nhà nào cũng có giếng nước đạt tiêu chuẩn ấy.  Nước phải trong suốt lóng lánh như hạt bạc. Nước ở dưới sâu nước không có ích. Phải đưa lên khỏi mặt đất. Cũng như con người, muốn có ích phải làm việc”.

Ông bà nội của Thảo ngày xưa nấu rượu giỏi nhất làng. Những bí quyết của nghề nấu rượu cứ dầy lên theo tuổi của cụ. Ngược lại, về đường con cái của hai cụ lại cứ hao hụt mất mát dần. Sinh hạ được sáu người con, chốt lại chỉ còn một mình ông bố của Thảo. Khi mẹ Thảo mang thai được vài tháng thì bố anh mất vì bệnh thương hàn. Sau này, năm Thảo lên ba tuổi lại mất nốt mẹ do đạp phải mìn của Tây. Ông bà nội nuôi cháu đích tôn tới năm học xong bậc phổ thông thì Thảo viết đơn tình nguyện đi bộ đội,  đơn bằng máu,  cho dù anh nằm trong diện tạm hoãn. Ngày Thảo lên đường nhập ngũ,  ông nội dậy từ nửa đêm. Ông đi quanh quẩn trong nhà và hút thuốc lào liên tục chờ sáng. Thảo hỏi: “Ông có ra đình tiễn con không?”. Người ông mở to cặp mắt đã bạc phếch nhìn cháu, hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống: “Ông không dám nhìn con đi vào nơi hòn tên mũi đạn. Thôi con đi mạnh giỏi,  nhớ viết thư về cho ông bà khỏi nóng ruột.  Này ông dặn, con đi chết thì thôi. Nếu còn sống trở về phải tạc vào trong dạ hai điều. Một là,  phải cố giữ lấy nghề. Giỗ chạp mà không có rượu ngon dâng lên thì chả ai gọi là giỗ. Đời nào, thời thế nào cũng vậy. Hai là, phải lấy cái Liên con bà Liễn làm vợ. Ông đã xin cho con từ năm ngoái rồi”. Thảo ôm choàng lấy vai ông nội. Anh dụi mặt vào cổ, rồi hôn lên đôi má vừa chua vừa mặn vì mồ hôi, vì nước mắt của người ông thân yêu. Thảo rời nhà đi hôm nào thì ông nội anh nằm ốm từ hôm đó. Chút máu thịt cuối cùng còn sót lại để ông bấu víu vào đó mà sống,  mà vui, mà yêu nghề nay đã tuột khỏi tay ông trôi đi xa, đi rất xa, không biết đến bao giờ mới trở về. Xưa nay bom đạn tránh người chứ con người làm sao tránh nổi. Vài tháng sau ông nội anh mất. “Xã tôi năm ấy có ba mươi lăm người cùng nhập ngũ một ngày. Khi hòa bình số sống sót trở về đếm không hết hai bàn tay. Rồi vì cuộc sống mưu sinh, họ tứ tán hết, chả còn ai”. Thảo dừng lại đột ngột. Tôi im lặng chờ đợi như chia sẻ. Quả nhiên, sau ngụm nước chè nguội, Thảo tiếp tục kể: “Làng tôi có nghề nấu rượu cách đây vài trăm năm. Ngày thuộc Pháp, chúng cho xây hẳn một nhà máy rượu trên tỉnh. Rượu của chúng cũng ngon. Nhưng Tây quá, chả giống ta chút nào nên không mấy người ta dùng. Đến thời ta, cái thời bao cấp ấy, rượu bị cấm đoán rất nghiêm ngặt, vì coi là vi phạm chính sách lương thực. Ai mang vài ba lít đi biếu xén hay bán vụng bán trộm lập tức bị công an, thuế vụ hỏi thăm ngay. Nhẹ thì bị tịch thu, bị phạt, nặng hơn thì bị bắt giam vài ba ngày. Anh bảo thế có lạ không?”. Thảo rít một điếu thuốc lào khá dài,  khói bay mù mịt khắp căn phòng. Tôi cũng châm một điếu thuốc lá. Cả hai như cùng nghĩ về một thời chưa xa.  “Đến thời kinh tế thị trường thì, ôi thôi, cửa vừa hé mở, cả thiên thần lẫn quỷ dữ đều nhảy vào. Rượu đủ các loại tràn ngập thị trường. Thật giả lẫn lộn. Người tiêu dùng hoa mắt luôn. Có loại rượu chỉ cần đổ nước lã vào can, bỏ theo vài gói men “Tàu”, lắc lắc mấy nhát, thế là chẳng phải đun nấu cho nhọc xác,  được ngay hai chục lít rượu có nồng độ cao. Loại này uống vào thường gây ra hoa mắt,  nhức đầu,  buồn nôn,  mệt mỏi.  Người dùng có biết đâu,  khi biết thì đã quá muộn”. Lại còn thế nữa ư? Thật tàn nhẫn,  vô lương tâm, chả còn coi “Thượng đế” là cái đinh gì. Tôi hỏi: “Rượu ông ngon thế sao không đầu tư, mở rộng?”. Thảo tư lự như đắn đo cân nhắc, giọng anh buồn hẳn: “Nhà còn ai nữa mà mong làm giàu. Ba con đều yên bề gia thất,  nghề nghiệp ổn định, nhà cửa vững chãi,  chúng đều là người của công ty mếc miếc nào đó. Tên Tây, tên Tàu,  chịu,  khó nhớ lắm. Có người để chia sẻ, để dựa dẫm, để bấu víu, để hờn dỗi khi ốm khi đau thì mất lâu rồi. Cái cô Liên con gái bà Liễn ấy. Năm đó nhà tôi ốm nặng lắm,  các con còn quá nhỏ, tôi phải xin phục viên về chăm sóc vợ. Cứ nghĩ từ nay sẽ được bên nhau,  nào ngờ mới hơn năm cô ấy bỏ tôi về với tổ tiên. Bị ung thư mong gì sống nổi. Chuyện của tôi buồn quá phải không?”. Trong bóng đêm tôi lần sờ nắm lấy bàn tay Thảo siết chặt. 

Nhưng rồi Thảo cũng cho tôi biết được những bí quyết của nghề nấu rượu. Rượu là phải nấu bằng gạo nếp ngon, chớ có tham lam mà pha phách loại gạo khác. Điều này dễ xảy ra lắm vì phải cạnh tranh. Gạo nếp mới chuội vỏ,  không xát trắng, nấu thành cơm bằng nồi đồng ủ tro rạ nóng. Dứt khoát phải bằng nồi đồng. Cơm chín,  tãi ra nong,  cứ một lớp cơm mỏng vừa phải lại rắc một lớp men. Men rượu do mình “úp” lấy.  “Điều này xin giữ bí mật”. Thảo cười. Mỗi người tự mầy mò và có bí quyết riêng. Sau năm đến bảy ngày tùy từng mùa, rồi cho vào nồi đồng. Lại phải bằng nồi đồng. Đổ nước sạch vào và bắt đầu chưng cất. Cũng tùy theo thời tiết, số rượu lấy ra sẽ tương ứng. Cứ mười cân gạo được từ năm đến bảy lít. Rượu “cất”xong cứ gọi là trong văn vắt,  nổi tăm tròn từ dưới đáy chai lên. Dân sành rượu gọi là “sủi tăm mắt nhãn”. Nồng độ khỏi chê,  uống vào thơm ngọt mềm đầu lưỡi, say thỉu luôn. “Bây giờ nhiều nơi cũng nấu được rượu. Nhưng rượu làng tôi vẫn là vô địch”. Tôi lại hỏi: “Mỗi ngày anh bán được nhiều không?”. “Tôi không bán đại trà, khi nào có người đặt hoặc định biếu xén mới nấu. “Bỗng” rượu để nuôi lợn. Ấy, lợn được nuôi bằng cái anh “bỗng” này thì chỉ có nhất trở lên thôi. Mỗi năm bán ba lứa, mỗi lứa cả tấn thịt. Chỉ riêng tiền bán lợn tôi cũng thừa sống, sống vô tư đấy, không phải thắt lưng buộc bụng đâu. Khoản ruộng ngoài đồng nữa, ngày mùa thóc đầy ú ụ. Còn thừa thì cho con cháu khi chúng cần những khoản tiền lớn”.

Đêm ấy chúng tôi chả ai ngủ được, lại ngồi dậy hút thuốc. Thảo hút thuốc lào. Tôi hút thuốc lá,  rì rầm nói chuyện. Căn nhà mái bằng không rộng lắm nhưng sao tôi thấy trống trải đến thế. Thảo thủ thỉ: “Con nhà em chẳng đứa nào chịu theo nghề của bố. Chúng nó cũng như thanh niên trong làng chỉ thích làm cho các công ty liên doanh thôi.  Tiền ngay thóc thật. Chả trách được chúng. Nấu rượu vừa vất vả vừa nghèo. Có lẽ nghề nấu rượu ở quê em thất truyền mất thôi. Nghe nói mấy trăm năm trước, rượu ở đây chỉ một mình vua được uống. Mỗi năm vài ba lần nhà vua xuống thăm úy lạo ban thưởng. Kết bạn với vua kể cũng vui. Người bảo chuyện bịa. Người nói có thật. Nhưng em tin là có thật. Biết đến khi nào rượu mang thương hiệu Phú Lương được các nguyên thủ quốc gia trên toàn thế giới chạm môi một lần. Được làm quen với họ chắc vui hơn ngày xưa”.

Chao ôi - Một anh nông dân vô danh tiểu tốt sao có cao vọng nhường ấy? Ờ, mà biết đâu đấy, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Rượu luôn là cầu nối mọi người với nhau,  nhất là ngày Tết,  ngày lễ. Người xưa thường gọi là bạn rượu cơ mà.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN