Chuẩn bị thu hoạch dưa hấu đón Tết
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:56, 10/01/2012
Vì vậy, chúng ta cần chú ý kỹ thuật chăm sóc dưa giai đoạn này để có trái to, bóng đẹp, bán được giá phục vụ người tiêu dùng chưng Tết.
Bón phân đợt nuôi trái (40 ngày sau khi trồng): Nếu sử dụng phân NPK(13-13-13 +TE) thì bón 25 – 30 gr/gốc (200 – 300 kg/ha). Còn nếu sử dụng phân NP(20-0-20 +TE) thì bón 20 - 25 gr/gốc (có thể sử dụng phân này hòa ra để tưới gốc hoặc sử dụng phân HK-7-5-44, Polyhumate + Ca(N03)2 để tưới). Hoặc nếu dùng phân NPK(14-7-21 +TE) thì liều lượng bón là 20 - 25 gr/gốc.
Ở những lần bón thúc cần bón phân vào vị trí khoảng giữa 2 gốc dưa, sau đó xới nhẹ và tưới. Ngoài ra cần kết hợp phun phân bón lá giai đoạn này giúp quả to, bóng đẹp, vị ngọt, tồn trữ, bảo quản tốt, vận chuyển xa dễ dàng. Có thể dùng phân NPK(12-0-40+3Ca); phân NPK(20-20-20+TE); Phân Roots Dry hoặc phân Đầu Trâu 009. Kết hợp làm cỏ quanh gốc và trên luống để cỏ không cạnh tranh dinh dưỡng với dưa.
Lưu ý tưới nước đầy đủ cho cây. Tùy theo cách trồng có thể dùng phương pháp tưới phun hay tưới thấm tùy điều kiện tưới tiêu từng vùng. Tỉa bớt nhánh khi dưa bò để tránh hao phí chất dinh dưỡng, dây dưa mập mạnh, dễ chăm sóc, lấy trái sau này. Biện pháp thụ phấn nhân tạo cũng là một kỹ thuật cần thiết để làm tăng đậu trái, trái to đều. Thụ phấn vào buổi sáng từ 7 - 9 giờ lúc dây dưa dài khoảng 1,5 m và ra hoa rộ (25 - 30 ngày sau khi trồng). Ngắt hoa đực bất kỳ, hoa vừa nở, to và có nhiều phấn; chấm phấn đều lên hoa cái vừa nở.
Ngoài ra cũng cần tỉa và cố định quả: Chỉ để quả ở vị trí lá thứ 15 - 20 trên dây chính, tức là hoa cái thứ 3 – 4. Trái có cuống to, dài, bầu noãn to, tròn đầy. Mỗi cây chỉ lấy bình quân 1 quả. Cần xoay trở quả và kê cao quả bằng xốp hoặc các vật liệu khác không giữ nước để quả phát triển đều và không bị thối. Thu hoạch khi dưa có độ chín 70 - 80% (khoảng 25 - 30 ngày sau khi thụ phấn hay 65 - 70 ngày sau trồng), năng suất trung bình đạt từ 18 - 45 tấn/ha.
Các loại sâu bệnh chính trên dưa hấu giai đoạn nuôi trái cần chú ý là: Sâu vẽ bùa (phòng trừ bằng thuốc Ofunack, Fenvalerate, Polirin, Oncol… liều lượng 10 - 15 ml/bình 12 - 16 lít nước); bọ trĩ, rầy mềm và một số loại chích hút (dùng thuốc Đầu Trâu FEAT 25 EC, Regen, Admire, Danitol… với liều lượng như trên). Các bệnh héo rũ do vi khuẩn, chảy nhựa thân, thán thư, sương mai, nứt thân chảy mủ, héo xanh và bệnh khảm nên sử dụng OLICIDE 0 DD; Norshield; Physan; Antracol để phòng trừ.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa ( DV)