Chưa thể bỏ trần lãi suất huy động
Thị trường - Ngày đăng : 15:38, 12/01/2012
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tại cuộc gặp gỡ với báo chí chiều ngày 11-1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, dựa trên con số lạm phát của quý I sẽ quyết định có hạ lãi suất xuống hay không. Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương cũng khẳng định đến hết tháng 6-2012, việc gỡ trần lãi suất là điều không tưởng.
Dồn cho thanh khoản
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, trong quý I/2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trunggiải quyết vấn đề thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
"Tất cả các kịch bản diễn ra hôm nay về vấn đề thanh khoản của các tổ chức tín dụng, thực chất chúng tôi đã lường trước từ tháng 6-2011. Thời điểm này đúng là nhiều ngân hàng đang khó khăn về thanh khoản do 'tập quán' trong kinh doanh ngân hàng ở nước ta từ trước đến nay," Thống đốc cho hay.
Thống đốc lý giải, vấn đề chính của hệ thống ngân hàng là do cơ cấu giữa nguồn và sử dụng nguồn. Trong một thời gian dài hệ thống huy động chủ yếu là ngắn hạn, người gửi tiền hiếm khi gửi 3 – 5 năm. Dẫn đến, cơ cấu nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trong rất nhiều năm là vốn ngắn hạn.
"Trước đây, Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, nhưng từ năm 2010 đã rút tỷ lệ này xuống còn 30%. Thế nhưng, thực tế là trong thời gian qua việc tuân thủ quy định này còn yếu, cá biệt có trường hợp lên tới gần 100%. Ngân hàng Nhà nước cũng xử lý chưa mạnh," Thống đốc thừa nhận.
Ông cũng cho rằng, các tổ chức tín dụng đã hoàn toàn bị lệ thuộc vào thị trường, huy động được bao nhiêu thì cho vay bấy nhiêu. Chính vì vậy, chỉ cần nguồn cung khó khăn là lập tức tổ chức đó rơi vào tình trạng mất thanh khoản ngay...
"Trước đây, khi thị trường còn 'hồng hào' thì ngân hàng còn có thể huy động từ các kênh khác để bù đắp thiếu hụt thanh khoản. Nhưng trong điều kiện thắt chặt tiền tệ như hiện nay thì sự bù đắp thiếu hụt đó cũng trở nên khó khăn, dẫn đến nhiều ngân hàng lâm vào tình trạng khó về thanh khoản," Thống đốc cho biết.
Cũng có ý kiến cho rằng, để "cứu" thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ bằng cách "bơm" tiền ra. Tuy nhiên, Thống đốc cho biết, cần phải hiểu rõ bản chất của vấn đề thì mới giải quyết được triệt để câu chuyện thanh khoản.
"Nếu bơm vốn ra mà không thay đổi được tập quán chúng ta đang làm thì bơm bao nhiêu cho đủ? Rồi đến một thời điểm sẽ lại tích tụ... và quá trình cứ lặp lại như vậy. Chính vì thế, trước khi bơm ra thì phải thay đổi tập quán để tiền ra thì phải tập trung cho sản xuất, tỷ lệ nào tập trung vào dài hạn, tỷ lệ nào tập trung vào vốn lưu động để đảm bảo thanh khoản của thị trường," Thống đốc nói.
Thống đốc cho biết, đây cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng của đề án tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng mà cơ quan này đã trình lên Chính phủ. Lộ trình cho 5-10 năm tới đã có và mục tiêu "khiêm tốn" của năm nay là tập trung tái cấu trúc ngay những tổ chức tín dụng yếu kém. Cụ thể, trong quý I, sẽ có khoảng từ 5-8 ngân hàng là trong diện phải sát nhập, hoặc mua lại.
"Nếu để các tổ chức tín dụng hoạt động mà yếu kém sẽ gây đổ vỡ hệ thống. Chúng ta phải thay đổi hoặc chặn đứng được thực tiễn đó thì khi đó Ngân hàng Nhà nước mới bơm tiền ra, dòng vốn đó mới có hiệu quả hơn, giúp tăng trưởng kinh tế ở mức đột hích hợp, không làm tăng áp lực lạm phát về sau này," Thống đốc Bình khẳng định.
Bỏ trần lãi suất là không tưởng
Thống đốc chia sẻ, cái khó nhất trong điều hành năm 2012 là làm sao hạ được lãi suất. Nói là hạ lãi suất nhưng không phải nói là làm được ngay. Bình thường bơm tiền nhiều, nhu cầu về tiền bớt đi thì mới giảm được lãi suất. Nhưng giờ ai cũng thiếu thanh khoản, ai cũng cần vốn thì giá vốn làm sao giảm được?
"Lạm phát đang có chuyển biến, nhưng lạm phát không phải là yếu tố quyết định duy nhất, mà phải đảm bảo thanh khoản. Vì vậy, từ nay cho đến tháng 6-2012, việc bỏ trần lãi suất là không tưởng, còn điều chỉnh lãi suất hay không còn tùy tình hình thị trường," Thống đốc cho hay.
Cũng theo Thống đốc, hiện tại nếu thả tự do, mặt bằng lãi suất huy động cao, lãi suất cho vay ra cao, nền kinh tế và doanh nghiệp còn gặp khó khăn hơn, không đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012. Nhưng trước mắt, trần lãi suất vẫn phải duy trì ở một mức nhất định để lãi suất cho vay ra ở mức chấp nhận được.
“Mục tiêu vẫn là kiềm chế CPI nên cung tiền cũng ở mức độ phù hợp. Khi đó mới giải quyết một bước thanh khoản hệ thống, chặn bớt sự hút vốn ở những mảng hạn chế, rồi sẽ tính đến giảm lãi suất”, Thống đốc nói.
Và khi lạm phát được kiềm chế tốt, thanh khoản hệ thống tốt hơn, các tỷ lệ đảm bảo an toàn của các ngân hàng tốt hơn, cũng như có hiệu quả trong việc định hướng lại vai trò của thị trường tiền tệ như nêu trên, thì mới tính đến việc bỏ trần.
Thống đốc nhấn mạnh, “Cái khó bó cái khôn, chúng tôi cũng không mong muốn áp trần. Nhưng có những thời điểm là cần thiết để đảm bảo ổn định, vì lợi ích chung của nền kinh tế."
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 là 13%, chỉ bằng gần 1/3 tăng trưởng tín dụng các năm trước, nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế gần 6% đã chứng tỏ dòng vốn tín dụng đưa vào nền kinh tế có hiệu quả cũng như chất lượng giữa vốn và tăng trưởng được nâng lên.
Việc thắt chặt tăng trưởng tín dụng cũng khiến giảm tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng máy móc thiết bị, từ đó giảm tỷ lệ nhập siêu. Vì vậy, chính sách điều hành tiền tệ trong thời gian tới của Ngân hàng Nhà nước là vẫn tiếp tục hỗ trợ đồng Việt Nam, ổn định đồng ngoại tệ, tỷ giá sẽ phấn đấu biến động ở mức từ 2-3%, dự báo cán cân thanh toán của Việt Nam trong năm 2012 sẽ thặng dư khoảng 3 tỷ USD.
Minh Thúy (Vietnam+)