Cách đây 70 năm Bác Hồ đã có thơ mừng xuân mới

Tin tức - Ngày đăng : 07:00, 15/01/2012

Đọc lại bài thơ chúc Tết, mừng xuân đầu tiên của Bác Hồ càng thấy tài dự báo thời cuộc của lãnh tụ vĩ đại, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh.


Bác Hồ thăm đơn vị bảo đảm kỹ thuật đường băng thuộc Quân chủng
phòng không không quân Tết Đinh Mùi 1967

Mừng xuân 1942

Tháng ngày thấm thoát chóng
              như thoi,
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tiến tới!
Chúc toàn quốc ta trong năm nay,
Cờ đỏ sao vàng bay phất phới!
Năm nay là năm rất vẻ vang,
Cách mệnh thành công
                  khắp thế giới.

Ngày 1 tháng 1 năm 1942
              Hồ Chí Minh


Mọi người đều biết, sau Tết Tân Tỵ năm 1941, Bác Hồ từ Quảng Tây (Trung Quốc) trở về nước sau ba mươi năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước. Trung tuần tháng 5-1941, tại Pắc Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Bác Hồ chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, quyết định biện pháp và bước đi cụ thể của cách mạng Việt Nam. Đây là hội nghị lịch sử của Đảng ta, có ý nghĩa quyết định thắng lợi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Chính trong bối cảnh lịch sử ấy, bài thơ “Mừng xuân 1942” ra đời, lần đầu được đăng trên báo Việt Nam độc lập (cơ quan của Tổng bộ Việt Minh) số 114 ra ngày 1-1-1942.

 Đây là bài thơ mừng xuân, chúc Tết đầu tiên của Bác Hồ, mở ra một tập quán văn hoá mới với mọi người dân Việt Nam ta: cứ xuân về, Tết đến lại náo nức nghe thơ Bác, đọc thơ Bác. Chỉ tiếc năm sau (1943), trong chuyến công tác ra nước ngoài, Bác Hồ bị chính quyền Quốc dân đảng ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) bắt giam đến mãi tháng 9 - 1944. Tháng 2 - 1945, Bác Hồ lại đi ra nước ngoài công tác, nên những năm này Người không có thơ chúc Tết, mừng xuân gửi đến đồng bào cả nước. Nhưng dù có ngắt quãng mấy năm, từ bài thơ xuân đầu tiên “Mừng xuân năm 1942” đến bài thơ mừng xuân cuối cùng của Bác Hồ “Mừng xuân 1969”, vẫn có mạch liên tục, ấy là tình thương yêu vô hạn của Bác Hồ đối với đồng bào ta, và tình cảm ấy càng lắng sâu da diết mỗi độ xuân về, Tết đến với mọi nhà, mọi người. Lời thơ thật thân thiết, gần gũi và giản dị, dễ hiểu:
Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:

Rồi Bác Hồ chúc cả hai phe trên thế giới, theo cách gọi hồi ấy: dân chủ và đế quốc. Nhưng với lời lẽ dứt khoát, rạch ròi, đối chọi nhau như nước với lửa, thể hiện ở ba từ cuối mỗi câu: “sẽ diệt vong” đối với “sẽ thắng lợi”. Và điều tiên đoán ấy của Bác Hồ như mọi người đều biết, chỉ ba năm sau, tháng 5 - 1945, Hồng quân Liên Xô hoàn toàn tiêu diệt phát xít Đức, rồi  tháng 8, phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai; sau đó, là một loạt nước thuộc địa của thực dân, đế quốc đứng lên giành độc lập dân tộc, trong đó có nước Việt Nam ta. Đọc bài thơ “Mừng Xuân năm 1942” của lãnh tụ vĩ đại, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh, ta càng thấy tầm nhìn xa trông rộng và tư duy chiến lược của Người.
Sau lời chúc thế giới là lời chúc Bác Hồ gửi tới đồng bào trong nước:

Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tiến tới!
Nếu nhìn lại thời gian, hiểu rõ hoàn cảnh hồi bấy giờ, sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5-1941), Mặt trận Việt Minh ra đời tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào Việt Minh tiếp tục phát triển sâu rộng ở nhiều nơi từ miền xuôi đến miền núi, thì  mới thấy hết ý nghĩa lời chúc đầu xuân của Bác Hồ: “Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!”. Chỉ có thể đoàn kết mau mới có thể cùng với Mặt trận Việt Minh xiết chặt đội ngũ vai chung vai gánh vác sơn hà.

Tiếp theo việc hô hào đoàn kết xây dựng khối đoàn kết xung quanh Mặt trận Việt Minh phát triển nhanh chóng và rộng khắp, Bác Hồ như truyền đến mọi người niềm tin vào sự thành công của cách mạng nước nhà:

Chúc toàn quốc ta trong năm nay,
Cờ đỏ sao vàng bay phất phới.
Và Bác cũng khẳng định: “Năm nay là năm rất vẻ vang”.
Đúng là “rất vẻ vang”, sau hai mươi lăm năm đổi mới, công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, những gì mà Việt Nam đạt được hôm nay, thật xứng đáng với điều Bác Hồ căn dặn trong đoạn kết bài thơ dài “Lịch sử nước ta”, Người cũng viết vào dịp đầu xuân năm 1942, cách đây 70 năm chẵn:

Mai sau sự nghiệp hoàn thành,
Rõ tên nước Việt, rạng danh Lạc Hồng.

Đọc lại bài thơ chúc Tết, mừng xuân đầu tiên của Bác Hồ, giữa sáng xuân hồng tươi sắc nắng sớm mai nay, càng thấy tài dự báo thời cuộc của lãnh tụ vĩ đại, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh.

CAO NĂM