Ninh Giang không còn cấy trước lịch thời vụ

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 19:22, 21/01/2012

Đến thời điểm này, Ninh Giang đã thành công trong việc ngăn chặn cấy sớm trước lịch thời vụ. Đây thực sự là một bước đột phá trong thâm canh lúa chiêm xuân của huyện.



Nông dân thôn 3, xã Vạn Phúc làm đất bằng cơ giới để chuẩn bị gieo cấy lúa xuân


Có những năm thời tiết rét đậm, rét hại lúc giáp Tết nhưng nhiều nông dân ở Ninh Giang vẫn ra đồng cấy để “yên lòng” ăn Tết. Gieo cấy trước lịch thời vụ rất nguy hiểm. Cấy sớm nếu gặp rét đậm, rét hại kéo dài làm lúa dễ bị chết. Nếu gặp vụ đông xuân ấm, lúa thường trỗ bông sớm, năng suất giảm.

Việc cấy sớm trước lịch ở Ninh Giang đã trở thành "tập quán" của một bộ phận nông dân. Ninh Giang có khoảng 3.000 ha diện tích đất trũng, chiếm khoảng 43% tổng diện tích gieo cấy, trong đó 2.000 ha dễ bị ngập, úng. Nông dân chọn phương thức cấy mạ dược để phù hợp với diện tích này. Khi đưa nước đổ ải sớm, nông dân làm đất, gieo cấy sớm. Trong nhiều năm, huyện Ninh Giang đã tích cực chỉ đạo nông dân không cấy sớm trước lịch nhưng vẫn chưa ngăn chặn được.

Năm nay thì tình hình khác hẳn. “Huyện Ninh Giang không còn gieo cấy trước lịch thời vụ vào vụ chiêm xuân này”, ông Trần Trọng Bát, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định. Bà Hà Thị Buồm ở thôn 1, xã Tân Hương cho biết: Từ ngày 1-2 (mồng 10 tháng giêng), tôi mới bắt đầu gieo cấy lúa xuân theo đúng lịch của địa phương.



Nông dân thôn Do Nghĩa, xã Nghĩa An chăm sóc mạ chiêm xuân


Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu trà lúa là biện pháp quan trọng đầu tiên để Ninh Giang ngăn chặn cấy sớm trước lịch. Vụ xuân 2011, Ninh Giang gieo cấy 7.100 ha, trong đó 40% diện tích trà sớm, 60% trà muộn (không có trà xuân trung). Vụ xuân năm nay, Ninh Giang đặt mục tiêu trà sớm chỉ chiếm 10-15% diện tích, trà trung chiếm 20-25% diện tích, còn lại là trà muộn. Việc giảm mạnh diện tích trà sớm bởi các giống lúa có thời gian sinh trưởng dài, buộc phải làm mạ dược nên tốn chi phí sản xuất và dễ bị chết rét, năng suất không cao như trà lúa khác. Để khuyến khích nông dân tích cực gieo cấy trà xuân muộn, Ninh Giang có chính sách hỗ trợ giá giống khi đáp ứng đủ các điều kiện. Theo kế hoạch, từ ngày 1 đến 5-2 sẽ cấy trà sớm; từ ngày 5 đến 15-2 cấy trà trung và từ ngày 5 đến 20-2 cấy trà muộn.

Chỉ vài năm trước, trà xuân sớm ở xã Hiệp Lực còn chiếm tới 50% diện tích. Từ vụ xuân này, Hiệp Lực bỏ hẳn trà xuân sớm để thay bằng trà xuân muộn, xuân trung. Vụ này, toàn xã có kế hoạch gieo cấy 252 ha, trong đó 30% diện tích trà xuân trung, 70% trà muộn. “Căn cứ vào kết quả gieo mạ dược và tình hình thực tế, chúng tôi khẳng định vụ này đã bỏ hẳn trà xuân sớm. Nông dân đồng tình hưởng ứng bởi canh tác vất vả, hiệu quả thấp hơn trà lúa khác”,  ông Lê Lương Dân, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hiệp Lực cho biết. Bắt đầu từ ngày 1-2, nông dân sẽ đồng loạt gieo cấy lúa xuân. Để nông dân cấy đúng lịch thời vụ, HTX không lấy nước thủy triều sớm để đổ ải như mọi năm mà lấy nước muộn hơn.

Những năm trước đây, nhiều nông dân xã Hồng Đức thường cấy trà sớm trước lịch 5-7 ngày, nhiều khi trời rét đậm, rét hại nhưng bà con vẫn cố cấy xong trước Tết. Vụ xuân năm 2011, toàn xã vẫn còn 40% trà sớm. Trong các giống trà xuân sớm, diện tích giống 13/2 còn khá lớn. Giống này có thời gian sinh trưởng dài nhất trong bộ giống lúa hiện nay, chịu rét kém nên dễ gặp rủi ro. Từ vụ xuân này, Hồng Đức không đưa giống 13/2 vào cơ cấu để giảm diện tích trà sớm. Xã có kế hoạch gieo cấy 318 ha, trong đó trà sớm chiếm khoảng 15%, trà trung 15%, còn lại là trà xuân muộn.

Từ vụ xuân này, huyện Ninh Giang không đưa 13/2 vào cơ cấu giống. Do vậy, trà xuân sớm chỉ còn giống X21 và Xi23. Đây là biện pháp thứ hai để chống cấy sớm. Biện pháp này đã được các địa phương hưởng ứng tích cực.

Trước đây, nhiều địa phương lấy nước triều cường từ sớm nên nông dân cũng làm đất và gieo cấy sớm. Năm nay, huyện Ninh Giang chỉ đạo các địa phương chỉ lấy con nước triều cường vào ngày 5-1-2012 để phục vụ đổ ải, không lấy con nước vào ngày 20-12-2011. Việc điều tiết nước muộn hơn sẽ bảo đảm cho việc gieo cấy đúng lịch.

Đến thời điểm này, Ninh Giang đã thành công trong việc ngăn chặn cấy sớm trước lịch thời vụ. Đây thực sự là một bước đột phá trong thâm canh lúa chiêm xuân của huyện.

NINH TUÂN