Sắc màu trong thơ
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 10:33, 22/01/2012
Tĩnh vật. Tranh sơn dầu của Đặng Việt Cường. Ảnh minh họa
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh.
Mở đầu bài thơ "Chợ Tết", nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã tỏ ra mình là nhà thơ tả chân, là người pha màu thật độc đáo. Mấy chữ mây trắng đỏ dần hoặc sương hồng lam rất giàu chất hội họa. Lại có cảm giác hội họa không nói hoặc không pha chế được cái sắc màu lạ lẫm như Đoàn Văn Cừ. Làm sao vẽ được, pha được cái gam màu sương hồng lam? Và càng không thể vẽ được mây trắng đỏ dần. Có cảm giác như một sớm mai thuở nào, thi sĩ Đoàn Văn Cừ nhìn mây rất lâu. Nhìn lâu đến nỗi tác giả thấy dải mây trắng trên đỉnh núi đỏ dần do có sự giao thoa của mây gió, ánh sáng. Tôi đọc mãi, đọc đến thuộc lòng, đôi lúc còn nhẩm lại nhiều lần câu thơ trên của Đoàn Văn Cừ. Câu thơ nặng về sự tả chân, bút pháp không lấy gì làm mới, ngôn ngữ cũng bình dị mộc mạc nhưng vì sao cứ ngân rung, tha thiết trong lòng người đọc? Chợt nhớ đến câu thơ lục bát của Thế Lữ:
Trời cao xanh ngắt. Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về bồng lai
Thế Lữ nói về trời xanh, hạc trắng. Một không gian có màu sắc được trải ra trước mắt người đọc. Tuy nhiên, so với câu thơ mở đầu bài Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ, không gian thơ của Thế Lữ ảo hơn, mộng mơ và xa vời hơn. Màu trời xanh như có từ xa xưa, hai con hạc trắng cũng như có từ xa xưa, màu sắc ấy như nhìn thấy được dẫu nó có sẵn từ bao đời. Và chốn bồng lai là chốn nào, người đọc mường tượng ra một không gian huyền ảo, một vùng tiên cảnh khác hẳn ở nơi trần thế.
Tôi dẫn dụ câu thơ Thế Lữ đặt cạnh câu thơ Đoàn Văn Cừ để tự mình đưa ra so sánh, cảm nhận. Hai câu thơ trên thể loại khác nhau. Đoàn Văn Cừ viết thơ tự do, Thế Lữ uyển chuyển nhịp nhàng trong thơ lục bát. Hai cách nhìn khác nhau. Đoàn Văn Cừ tắm mình trong đời sống thôn quê. Thế Lữ như cánh chim bay về miền mơ ảo. Hai bức tranh khác nhau mang đến cho người đọc những cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp không gian màu sắc. Mỗi nhà thơ tìm đến bạn đọc bằng con đường riêng. Thế Lữ hay vì bay bổng, lãng mạn, vì trí tưởng tượng phong phú. Còn Đoàn Văn Cừ? Ông suốt đời trung thành với bút pháp tả chân. Có nhiều người nói rằng, thơ tả chân khó có đất sống, không còn đất sống. Ấy thế mà thơ của Đoàn Văn Cừ vẫn có chỗ đứng rất riêng không thể thay thế được trong lòng bạn đọc. Ông là thi sĩ vẽ tranh bằng thơ. Nào có ai tính được thơ ông có bao nhiêu màu sắc. Ngoài bảy sắc: xanh, đỏ, trắng, vàng, lục, lam, chàm, tím ra, thơ Đoàn Văn Cừ còn có những màu rất lạ lùng mà nếu không đọc ông, người đọc thật khó hình dung nổi.
NGUYỄN ĐỨC MẬU