Nhớ lời Bác dạy

Tin tức - Ngày đăng : 12:02, 23/01/2012

Đến nay, dù đã 51 năm kể từ lần cuối cùng được gặp Bác, chú Kếu năm xưa đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” vẫn không quên những lời Bác dạy.



Bức ảnh chụp Bác Hồ thao tác máy cấy Nam Ninh tại Từ Liêm (Hà Nội) năm 1960
được treo trang trọng tại nhà ông Hải. Ông là người đứng bên cạnh Bác


Nghe Bác Hồ khen: “Cháu Kếu đã biết vận dụng kỹ thuật vào thực tiễn”, Kếu như không tin vào tai mình. Lúc đó, Kếu tự nhủ, sẽ đóng góp hết mình cho đất nước, cho nhân dân. Đến nay, dù đã 51 năm kể từ lần cuối cùng được gặp Bác, chú Kếu năm xưa đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” vẫn không quên những lời Bác dạy.


Ba lần được gặp Bác Hồ

Một buổi chiều chúng tôi đến thăm gia đình ông Đỗ Trọng Hải ở xã Phương Hưng (Gia Lộc). “Tôi sinh năm 1935. Năm 1945, bố tôi chết đói. Đến năm 1946 mẹ cũng bỏ anh em chúng tôi mà đi. Anh tôi tên là Kếu, gọi là Kếu lớn. Tôi tên Kếu em, mãi sau này mới đổi là Đỗ Trọng Hải. Cô em út tên là Cạc. Bố mẹ đặt tên xấu để tránh hoạn nạn, thế mà giời cũng không tha. Sau khi mẹ mất, Cạc được bà sơ cưu mang, sau đi đâu không rõ, biệt tích cho tới tận bây giờ”, ông Hải nghẹn ngào nhớ lại. Từ đó, ông phải sống cảnh mồ côi cha mẹ, đi ở cho nhà giàu để kiếm ăn qua ngày. Rồi kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, năm 1951, ông tham gia du kích. Năm 1954, hòa bình lập lại, ông hăng hái tham gia hoạt động thanh niên, được giao nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn xã Phương Hưng. Ông Hải cho biết: “Hồi đó, tôi đã thấm nhuần lời Bác Hồ dạy thanh niên: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Có thành tích xuất sắc trong cải tiền nông cụ, năm 1960, ông Hải được cử đi tham dự Hội nghị thanh niên toàn quốc ở Hà Nội. Bác Hồ đã đến dự và sau khi nghe ông trình bày xong báo cáo, Bác khen: “Chú Kếu đã biết vận dụng kỹ thuật vào thực tiễn”. Đây là lần đầu tiên ông Hải được đứng gần Bác. Sau lần đó, ngày 20 - 6 - 1960, ông Hải cùng với ông Kiều Văn Điền (quê Hà Tây) được đến gặp Bác ở Phủ Chủ tịch. Ông Hải kể: “Bác Hồ giao cho hai chúng tôi sang Nam Ninh (Trung Quốc) học cải tiến nông cụ, tìm hiểu máy cấy của bạn. Máy cấy này có năng suất gấp từ 10 -  15 người cấy. Sau hơn bốn tháng học tập, chúng tôi về nước cùng một toa tầu máy cấy do Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi tặng. Tôi và anh Điền đã đi khắp nơi thao diễn máy cấy Nam Ninh". Lần thứ ba, ông Hải được gặp Bác cũng vào năm 1960, khi miền Bắc vừa bước vào vụ mùa. Khi ấy, ông Hải và ông Điền đang thao diễn máy cấy Nam Ninh tại một cánh đồng của huyện Từ Liêm (Hà Nội) thì Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị và hầu hết đại biểu Quốc hội khóa III sau kỳ họp Quốc hội về xem. Bác mặc bộ quần áo nâu, đi dép cao su, đội mũ cát. Đứng bên bờ ruộng Bác bảo: “Chú Kếu đâu, mang máy cấy ra đây, Bác cháu ta cùng cấy nào”. Nói rồi Bác bỏ dép, xắn quần lội ruộng". Tôi đứng cạnh, hướng dẫn Bác tra mạ và điều khiển máy. Bà Nguyễn Thị Thập cũng xắn quần lội ruộng, tươi cười “Tôi cấy tay, chú Kếu cấy bằng máy, xem ai nhanh hơn ai. Các vị trên bờ tính phút giùm tôi”. Ba lần vinh dự được gặp Bác, tới nay đã hơn 50 năm, mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn thấy Bác hiển hiện như mới ngày nào. Nhớ từng cử chỉ ân cần, từng lời căn dặn của Người", ông Hải xúc động.

Cùng các con làm giàu

Sau lần thứ ba được gặp Bác Hồ, ông Đỗ Trọng Hải về làm việc ở Xưởng Công cụ cơ giới nông nghiệp Hà Nội, rồi về Phòng nghiên cứu cải tiến nông cụ Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam. Đến năm 1989, ông nghỉ hưu về quê. Trước đó, vợ ông là bà Nguyễn Thị Cưu công tác ở Phòng Thủy lợi huyện Gia Lộc cũng đã xin về hưu. Lương hưu của hai ông bà không đủ nuôi sáu đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Không cam chịu cảnh nghèo, ý chí ham tìm tòi, cải tiến thuở nào đã thôi thúc ông quyết chí làm giàu. Với cơ chế đổi mới của Đảng, ông Hải mở xưởng cơ khí mang tên Hợp Thành. Ông chuyên thu mua phụ tùng ô tô phế thải về tái chế, mua thêm linh kiện mới, lắp ráp thành xe công nông, một phương tiện rất thịnh hành những năm đầu thập niên 90. Thời kỳ đó, Hợp Thành sản xuất suốt ngày đêm mà không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Ba người con trai của ông Hải đã cùng cha làm việc miệt mài. Cũng giống cha, các con trai ông Hải đều rất thành thạo nghề cơ khí. Với hướng đi đúng, chỉ trong vòng hơn 10 năm, gia đình ông Hải đã trở thành cơ sở sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh và là điển hình sản xuất, kinh doanh trong vùng. Giờ đây, các con ông Hải đã tách ra làm ăn riêng và mỗi người có một doanh nghiệp. Vợ chồng Đỗ Trọng Tú (người con trai thứ 3) có “Chợ ô-tô Hải Dương” ở xã Thạch Khôi (TP Hải Dương) và nhiều chi nhánh ở Quảng Ninh, Thanh Hóa…Tú nhiều năm được vinh danh là “Doanh nhân trẻ tiêu biểu của Hải Dương”. Người con trai thứ 2 là Đỗ Mạnh Tuấn cũng ăn nên làm ra với doanh nghiệp mang tên Công ty CP Hợp Thành. Sản phẩm thùng xe ô-tô của doanh nghiệp Hợp Thành đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, được các nhà sản xuất ô-tô trong nước đặt mua. Anh con trai lớn là Đỗ Mạnh Khải cũng có một nhà hàng ăn uống lớn tại thị trấn Gia Lộc.

Ông Hải tâm sự: Gia đình tôi được như ngày nay chính là do tôi luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy khi tôi được gặp Người: “Đất nước ta còn nghèo, Bác và nhân dân trông chờ vào các cháu thanh niên”. Từ đó, tôi luôn giáo dục các con phải luôn biết làm giàu bằng đôi tay và khối óc của mình. Chỉ có vậy, con đường làm giàu mới bền vững và thực sự có ích cho bản thân và quê hương, đất nước.

TUẤN HƯNG