Văn hóa ẩm thực của Bác Hồ
Tin tức - Ngày đăng : 08:09, 24/01/2012
Từ năm 1923, nhà văn Xô viết Oxip Mendenxtam, sau khi tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc để viết một bài phỏng vấn, đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai” (đã được các nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh trích dẫn nhiều lần). Cũng qua người cộng sản trẻ tuổi mới đến từ phương Đông, nhà văn đã cảm nhận được: “Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp”.
Cậu bé Nguyễn Sinh Cung sinh ra, lớn lên giữa một vùng quê nghèo nhưng đậm văn hóa truyền thống. Nam Đàn có món tương ngon nổi tiếng (nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn), có giống cà pháo (thường gọi là cà Nghệ) dày cùi, ít hạt, muối giòn tan. Hương vị ẩm thực quê hương thấm đậm tâm hồn cậu bé Cung từ thuở ấu thơ và không phai nhạt trong vị lãnh tụ Hồ Chí Minh sau này trên những chặng đường cách mạng. Cả khi đã đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước, dù đã đi nhiều nơi trên thế giới, nếm hương vị bữa ăn của nhiều miền, nhiều dân tộc nhưng Hồ Chí Minh vẫn không quên tương, quên nhút, quên cà xứ Nghệ...
|
Những năm Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Paris, vợ và mẹ ông Maurice Thorez (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp) đã rất ngạc nhiên và cảm động khi thấy sau bữa ăn Nguyễn Ái Quốc cẩn thận nhặt từng mẩu vụn bánh mì rơi trên bàn để dành cho chim. Sau tháng 9-1945, đã là Chủ tịch nước nhưng Bác Hồ vẫn dùng cơm với anh em phục vụ, bảo vệ. Bữa ăn nhiều khi chỉ có rau muống xào, đậu phụ kho và một bát canh. Người phát động nhân dân chống giặc đói và gương mẫu thực hiện mười ngày nhịn ăn một bữa. Nhân dân còn phải ăn độn ngô, khoai, Bác yêu cầu cơ quan (trong đó có Bác) cùng ăn độn ngô với nhân dân... Bữa cơm đơn sơ bởi Người vẫn tâm niệm: Nước ta còn nghèo, không thể sống khác đồng bào.
Những chuyện về phong cách ẩm thực Hồ Chí Minh cho đến nay chúng ta cũng chỉ được nghe kể lại một cách tản mạn. Nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đã đủ hiện lên hình ảnh một con người vĩ đại có cách ăn uống giản dị nhưng có sự nhận và nét cảm rất Việt Nam.
Trong những ngày gian nan: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”, hay khi ở cương vị lãnh đạo đất nước, Bác Hồ vẫn giữ phong cách ăn uống giản dị, tiết kiệm. Người đặc biệt yêu quý và yêu thích những món ăn quen thuộc của dân tộc: mắm, cà dầm tương, canh cua ăn với rau chuối thái ghém... Bữa ăn của Người thường chỉ có một món canh, một hoặc hai món mặn, một chút dưa hoặc cà cùng nước chấm. Khi có khách thì làm thêm một vài món theo khẩu vị của khách. Món ăn hằng ngày Bác thích là cá kho khô, cá trê hoặc cá bống. Bác cũng rất thích những món ăn của đồng bào miền Nam: cá rô kho tộ, canh chua cá lóc, mắm cá...
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người rất gần gũi và đã dùng cơm với Bác Hồ nhiều lần, viết: “Điều làm tôi xúc động hơn cả là trong mỗi bữa ăn, Bác thường lưu ý mọi người ăn món nào thì ăn cho hết, món nào ăn không hết, để lại thì để cho tươm tất. Ở gần Bác trong nhiều năm, tôi kể lại chuyện này để nói lên tấm lòng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng kính trọng của Người đối với những người chế biến ra món ăn và sâu xa hơn nữa là đối với những người sản xuất ra bữa ăn”.
Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi | ||
Hồ Chí Minh | ||
Trong kháng chiến, có lần anh em bắt được con cá anh vũ - một loại cá chép rất quý vì có mép rất béo do thường xuyên phải bám vào đá để chống lại dòng nước chảy xiết trên những sông suối vùng Tuyên Quang, Yên Bái. Mọi người định làm món bồi dưỡng cho Bác. Một anh vui mồm nói: “Cá này quý lắm, ngày xưa là cá tiến vua đấy”. Bác nghe được, cười: “Bác có phải là vua đâu” và bảo nhà bếp làm cho mọi người cùng ăn. Chủ tịch Liên khu 4 Lê Viết Lượng gửi biếu Bác một lọ cà dầm mắm. Bác rất thích. Có bữa bận việc phải ăn sau, Bác dặn: "Các cô chú cứ ăn thịt cá đi, để phần Bác món cà dầm mắm".
Ở chiến khu Việt Bắc, nhiều khi thiếu rau. Bác bày cách cho anh em lấy mít non làm nhút. Quanh nơi ở, Bác cùng anh em tích cực tăng gia, trồng thêm rau, nuôi thêm gà để cải thiện chất lượng bữa ăn, vừa có chất tươi vừa tiết kiệm, không phải đi mua hoặc chờ cung cấp. Trong hồi ký của mình (Con đường theo Bác), ông Hoàng Quốc Việt đã kể lại việc biếu Bác mấy quả bí tăng gia được. Bác nhận bí, rồi gửi lại cho ông Hoàng Quốc Việt một bức thư, chỉ gồm hai câu:
"Ăn quả nhớ người trồng cây
Cảm ơn chú Việt. Bí này còn non"
Chỉ vậy thôi nhưng đã làm ông Hoàng Quốc Việt (và có lẽ tất cả những người đọc những dòng đó) thấm thía rằng: Đừng vội hái quả non, mọi cái phải đạt tới "độ chín" mới có giá trị.
Lòng thương yêu nhân dân của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ: Ngày đêm lo cho dân, lo từ việc lớn đến việc nhỏ - mà chuyện cái ăn, cái mặc là biểu hiện rõ nét, sinh động nhất: “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học... tất cả mọi việc Đảng phải lo... ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân Đảng đều phải lo...”. Nhìn rộng hơn, xa hơn, những điều đó chính là đạo lý của một Đảng cầm quyền, của Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mà chúng ta đang gắng xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh - phải chăm lo cho dân từ những điều nhỏ nhất: “Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Trong cuộc sống hằng ngày, không bao giờ Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới chuyện ăn uống, nhưng qua những chuyện tình cờ cũng có thể thấy sự cảm nhận rất tinh tế của Người. Những khi đi công tác, phương châm đầu tiên là gọn, nhẹ, thức ăn dự trữ mang theo chỉ là muối vừng, thịt kho mặn, nhưng có lần dừng chân nấu ăn bên bờ suối, Bác nhận làm món trứng rán. Trứng đã rán xong nhưng cơm chưa chín, Bác lấy que sắt nung vào bếp lửa rồi áp lên mặt lớp trứng tạo thành những đường trang trí hình quả trám rất đẹp. Bác bảo: "Khi có điều kiện làm cho ngon hơn, đẹp hơn thì ta cứ làm".
Con người và phong cách Hồ Chí Minh đậm tính văn hóa, điều này đã được nhiều người khẳng định. Trong văn hóa ẩm thực của Hồ Chí Minh (nếu có thể gọi như vậy) kết tinh, thâu thái cả những kinh nghiệm truyền thống và khoa học. Không những thế, đó còn là cách ứng xử đầy lòng yêu thương trân trọng con người, là sự cảm thụ sâu sắc và tinh tế và nhiều điều khác nữa...
Ngô Vương Anh(TN)