Tiếng đàn bầu trên cao nguyên M'nông

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 13:19, 26/01/2012

Mỗi khi thăng hoa cảm xúc cùng tiếng đàn bầu thì lúc đó tôi mới cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng và thanh thoát.

Ông Mạc Văn Bẩy ở bon Bu Dắk, xã Quảng Trực (Tuy Đức) là một trong số ít người chơi đàn bầu trên cao nguyên M’nông được mọi người nghiêng mình thán phục. Không chỉ hấp dẫn người nghe bởi âm thanh trầm bổng, thánh thót…của cây “độc huyền cầm” mà ông còn thu hút khán, thính giả bởi cách chơi đàn bằng vai “độc nhất vô nhị” của mình.



Hơn 40 năm nay, cây đàn bầu là bạn tri âm của ông Bẩy


Người đánh đàn bầu “bằng vai”


Trong Ngày hội văn hoá các dân tộc tỉnh Đắk Nông diễn ra cuối năm 2011, hàng trăm khán giả bất ngờ chứng kiến màn biểu diễn độc tấu đàn bầu của ông Bẩy. Trong bộ quân phục của người lính Cụ Hồ, ông ung dung ngồi bên cây đàn và tấu...Khi cây đàn rung lên thì cũng là lúc cánh tay trái bị cụt chỉ còn chưa đầy 12 cm nhẹ đưa trên cần đàn và di chuyển qua lại một cách điêu luyện với kỹ thuật luyến, rung…Âm thanh của tiếng đàn lúc dịu dàng, thủ thỉ như lời tâm tình, lúc mượt mà trải dài như gió thoảng trên cánh đồng thẳng cánh cò bay trong ráng chiều khiến không gian như lắng lại. Bàn tay sần sùi của ông lướt khoan thai trên dây đàn, cái vai đung đưa tạo âm thanh trầm bổng khiến hàng trăm con mắt phải ngẩn ngơ. Với người bình thường, đánh đàn bầu đã khó huống hồ là một thương binh 2/4 (và cũng là nạn nhân chất độc da cam), nhưng với ông Bẩy việc đó thật nhẹ nhàng. Tiết mục biểu diễn của ông đã khép lại nhưng những ánh mắt nuối tiếc vẫn dõi theo dáng người nhỏ nhắn của ông. Đâu đó có tiếng xuýt xoa: “Tuyệt vời thật”.

Mặc dù không trải qua trường lớp nhạc viện nào nhưng khi chơi đàn bầu, ông thả hồn vào điệu nhạc và say sưa như một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Ông có thể tấu tất cả các bài dân ca mà vẫn giữ được nét đặc trưng của mỗi vùng miền với một kỹ thuật điêu luyện, sự tinh tế tuyệt vời và tiếng đàn của ông được người nghe đón nhận với một tình cảm đặc biệt. Ông cho biết: “Cây đàn bầu đã gắn bó với tôi từ thời trai trẻ đến khi về già, ngày nào mà chưa đụng đến là trong người có cảm giác bứt rứt như thiếu thiếu một cái gì vậy. Chỉ cần nghe và được chơi đàn bầu thì mọi buồn phiền, lo toan của cuộc sống tan biến”. Cho dù ở đâu, làm gì, hễ nhắc đến đàn bầu là khuôn mặt ông trở nên sôi nổi và hào hứng. Ông vui vẻ nói: “Những lúc đi biểu diễn, khi độc tấu xong nhiều người lại hỏi tôi: “Bác tốt nghiệp ở nhạc viện nào vậy ạ? Đánh bằng vai có khó không hả bác? Lúc đó tôi cảm thấy vui và hạnh phúc lắm. Mỗi khi thăng hoa cảm xúc cùng tiếng đàn bầu thì lúc đó tôi mới cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng và thanh thoát”. Cũng theo ông, việc chơi đàn bầu khó nhất là việc điều chỉnh cần đàn để có âm thanh cao thấp, tuỳ theo cung bậc cảm xúc mà việc đưa cần đàn sao cho phù hợp. Đánh đàn bầu một tay rất khó khăn, nhất là việc chuyển âm cao thấp.

Những ký ức không quên

Sinh ra và lớn lên ở huyện Nam Sách (Hải Dương), theo tiếng gọi của đất nước, năm 1967 ông vào quân đội và tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Cống hiến sức trẻ cho đất nước chưa được bao lâu thì tháng 4-1969, trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương tích đầy mình, cánh tay trái bị cắt gần hết. Đây là thời kỳ khó khăn nhất đối với người lính trẻ, cái cảm giác “người thừa” cứ xâm chiếm tâm hồn ông. Trong lúc đang nằm điều trị tại bệnh xá Quân khu III thì có đoàn văn nghệ Long Hưng về biểu diễn phục vụ thương bệnh binh. Ông kể: “Lần đó, mặc dù bị thương nhưng tôi cũng cố gắng cặp nạng đến xem vở kịch “Cô du kích Hoàng Ngân”. Tiếng đàn bầu hay đến nổi làm tôi mê mẩn, quên đi những đau đớn của cơ thể. Tôi chăm chú xem và “học lóm” cách đánh đàn bầu của người nhạc công đó. Nghe tiếng đàn nỉ non, lòng tôi lại rạo rực khí thế. Tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó bằng tiếng đàn, tiếng hát như lời Bác dạy “Mỗi văn nghệ sĩ là một chiến sĩ”. Khi lành vết thương, tôi mày mò làm một cây đàn bầu và tập đánh với mọi tư thế, thậm chí đánh bằng chân. Ban đầu tập đánh đàn bầu rất khó khăn, nhưng không phải là không học được cách đánh đàn bằng một tay và một vai”.

Năm này qua năm khác, với lòng say mê âm nhạc cộng với sự bền bỉ, khéo léo, ông đã có thể chơi tất cả các bài dân ca của mọi miền đất nước. Từ đó, ông tham gia hoạt động cho Đội văn nghệ quần chúng Quân khu III. Ông phục vụ cho đồng đội bằng “cây đàn du kích” do chính tay ông làm, thân đàn, cần đàn đều làm bằng tre, bầu đàn thì làm bằng vỏ hộp sữa bò, dây đàn là lõi dây phanh xe đạp, chỉ thế thôi nhưng cũng đủ ba cung sáu nhịp, cũng đủ để làm ngẩn ngơ hàng trăm anh lính trẻ xa nhà và các cô thanh niên xung phong xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Tiếng đàn bầu của ông như tiếng lòng, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của đồng đội sau những giờ thao trường mệt nhọc hay những lúc sinh hoạt tập thể. Ông tâm sự: “Là thương binh hạng nặng, không thể nắm chắc tay súng phục vụ cho quê hương, đất nước thì mình phải cố gắng làm một điều gì đó có ý nghĩa hơn chứ. Do đó, ngày ngày, tôi đều cố gắng luyện đánh đàn bầu với hy vọng tiếng đàn của mình sẽ mang lại niềm vui, niềm hứng khởi, là động lực giúp cho các chiến sĩ, đồng đội hăng hái ra trận”.

Trong suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình, có lẽ kỷ niệm mà ông không thể quên là trong Hội diễn Văn nghệ toàn quân tổ chức tại Thái Nguyên, ông mang cây đàn “tự chế” của mình tham dự và giành được giải “đặc cách”. Khâm phục trước tài năng của ông, Thượng tướng Nguyễn Quyết tặng riêng ông một chiếc radio VEF 206. Ông cho biết: “Nhận món quà này, tôi vui và hạnh phúc lắm, nhờ có chiếc radio mà tôi nắm bắt được tin tức từ các chiến trường”. Năm 1978, ông tham gia Nhạc hội đàn bầu toàn quốc và được Viện Nghiên cứu âm nhạc trao tặng bằng khen. Với những đóng góp to lớn của mình, năm 1986 ông được Bộ Văn hoá - Thông tin trao Huy chương Chiến sĩ văn hoá. Năm 1996, tại Hội thi Văn nghệ quần chúng toàn quốc diễn ra tại Hà Nội, tiết mục độc tấu đàn bầu của ông đoạt Huy chương vàng. Đặc biệt nhất là trong Hội thi Thể thao và văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần thứ I (năm 1997) diễn ra tại Quảng Trị, ông được giải nhất và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt mời ra biểu diễn đàn bầu tại Nhà khách Chính phủ.

Sau hơn 40 năm gắn bó với cây đàn bầu, ông đã có bộ sưu tập dày dặn với hơn 20 Huy chương vàng từ các cuộc thi ở phạm vi toàn quân, toàn quốc. Tiếng đàn của ông Mạc Văn Bẩy quả là tiếng đàn độc nhất vô nhị và ông cũng là người “nghệ sĩ” duy nhất đánh đàn bầu bằng vai.

Năm tháng qua đi, người lính Cụ Hồ năm xưa nay đã già, sức đã yếu, mỗi khi thời tiết thay đổi, những vết thương lại nhói đau nhưng nỗi đau lớn nhất là di chứng chất độc da cam di truyền cho 5 đứa con yêu dấu. Mỗi khi nhìn các con lên cơn, lòng người “nghệ sĩ” ấy lại đau như cắt và ông lặng lẽ khóc cho nỗi đau của chính mình. Bao nhiêu sóng gió của cuộc sống ông chỉ biết gửi gắm vào cây đàn và cây đàn bầu như một “chiến hữu” cùng ông tâm tình, xoa dịu nỗi đau mà chiến tranh để lại.

MỸ HẰNG