Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Kinh tế - Ngày đăng : 09:03, 27/01/2012
Nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và coi đây là một trong những thước đo quan trọng để thu hút đầu tư.
Đêm Hoàng Thạch. Ảnh: Thành Chung
Tại các buổi gặp mặt và đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và coi đây là một trong những thước đo quan trọng để thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Trọng Toàn, Giám đốc Nhà máy Sản xuất và xây dựng cột tháp tua-bin gió UBin (Kim Thành) cho biết: "Khi tìm địa phương để đầu tư sản xuất, kinh doanh, chúng tôi đã nghiên cứu và có sự so sánh kỹ PCI giữa Hải Dương và Hưng Yên. Chúng tôi nhận thấy những năm qua Hải Dương đã có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành các thủ tục đầu tư để đi vào hoạt động. Sau gần 1 năm sản xuất, kinh doanh tại Hải Dương, tôi thấy nổi bật nhất là sự cải thiện rõ nét về tính tiên phong của lãnh đạo tỉnh. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp, qua đó tiếp nhận những ý kiến của doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, hạn chế trong cơ chế, chính sách đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh". Theo đánh giá của các doanh nghiệp sản xuất da giầy và may mặc tại Hải Dương, những năm qua, việc tiếp cận các thông tin dịch vụ phục vụ doanh nghiệp (một trong 9 tiêu chí để đánh giá chỉ số PCI) được cải thiện, đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ năm 2005 đến nay, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của Trung tâm Xúc tiến thương mại Hải Dương thông qua các kỳ hội chợ và giới thiệu sản phẩm trực tiếp trên mạng internet được triển khai mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Các sản phẩm da giày, may mặc của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có mặt tại gần 30 quốc gia trên thế giới.
Để nâng cao chỉ số PCI, Hải Dương đặc biệt quan tâm chấn chỉnh các khâu quản lý nhà nước,
nhất là việc giảm phiền hà cho các doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh. Các cơ quan hành chính nhà nước chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và các tiêu chuẩn mới vào các hoạt động quản lý. Phần lớn các cơ quan đều thành lập bộ phận "một cửa", giúp cho việc thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp được thuận lợi. Tiêu biểu như Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, TP Hải Dương, huyện Bình Giang... Chi cục Hải quan tỉnh áp dụng thủ tục hải quan điện tử. Phòng Quản lý xuất, nhập khẩu (Sở Công thương) từng bước hiện đại hóa và nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Cục Thuế tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn và đối thoại với các doanh nghiệp về các chính sách thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp thuế...
Theo ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số PCI là một kênh
đối thoại để doanh nghiệp bày tỏ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó, chính quyền địa phương đề ra các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp mới cũng như tạo động lực cho các doanh nghiệp đã và đang hoạt động trên địa bàn tiếp tục phát triển. 5 năm qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chỉ số PCI. Nổi bật là các tiêu chí: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 25 bậc; chi phí không chính thức tăng 16 bậc; chi phí gia nhập thị trường tăng 14 bậc, tiếp cận đất đai và hỗ trợ pháp lý cùng tăng 6 bậc so với năm 2006... Mặc dù năm 2010, chỉ số PCI của tỉnh giảm 6 bậc so với năm 2009 nhưng sang năm 2011, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chỉ số này. Nhờ đó, năm 2011, Hải Dương đã vươn lên dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 2,9 tỷ USD. Chỉ số PCI của Hải Dương tuy có tăng nhưng vẫn nằm trong nhóm các tỉnh khá, chưa lọt vào nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số PCI rất tốt và tốt. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, mặc dù chỉ số PCI thời gian qua có nhiều cải thiện, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay; chất lượng nguồn nhân lực còn kém, thiếu lao động có trình độ và tay nghề cao. Doanh nghiệp và nhà đầu tư còn khó tiếp cận trong thuê đất và ổn định mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Nhiều quy hoạch còn chắp vá, bổ sung điều chỉnh nhiều nên khó đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp.
HẢI MINH