Nhận diện các "cửa ngõ" Hải Dương tương lai
Kinh tế - Ngày đăng : 14:22, 29/01/2012
Các cụm đô thị động lực mạnh có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong vùng, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Cầu Phả Lại, đường 18 nối cửa ngõ phía tây bắc với Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc
Trong không gian phát triển tương lai Hải Dương sẽ có trục chính theo hướng đông - tây, lấy TP Hải Dương làm trung tâm. Ngoài ra còn có những trục phát triển khác đang hé mở ra tương lai rộng mở cho các vùng. |
Như vậy, những khu vực cửa ngõ được xác định là động lực phát triển cho vùng tỉnh trong thời gian tới là thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn và huyện Thanh Miện. Những địa phương này đều có những ưu thế đặc thù không địa phương nào có được.
Thị xã Chí Linh được thành lập vào năm 2010. Theo quy hoạch, tới năm 2020 Chí Linh sẽ trở thành đô thị loại III và trở thành thành phố thuộc tỉnh. Chí Linh hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Nơi đây còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Trong tương lai, Chí Linh sẽ trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ và công nghiệp trọng điểm khu vực phía bắc. Thành phố Chí Linh cũng sẽ trở thành trung tâm văn hóa - du lịch - dịch vụ và vui chơi giải trí mang tầm quốc tế. Nằm ở cửa ngõ phía bắc của tỉnh, giáp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Quảng Ninh với cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông thủy, bộ và sắt khá đồng bộ, Chí Linh sẽ thực sự là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai không xa.
Liền kề với Chí Linh, huyện Kinh Môn cũng là một cửa ngõ tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo quy hoạch, đến năm 2015, huyện Kinh Môn sẽ được nâng cấp thành đô thị loại IV, là thị xã trực thuộc tỉnh. Các thị trấn Minh Tân, Phú Thứ, Kinh Môn nằm trên đường 388 và 389 trên hành lang vòng cung xuyên suốt tỉnh và khu đầu mối liên hệ trục đường 18 cũ. Các thị trấn Minh Tân và Phú Thứ có động lực phát triển mạnh, đặc biệt là công nghiệp nặng như xi - măng, cơ khí, vật liệu xây dựng. Thị trấn Kinh Môn là trung tâm huyện lỵ, trung tâm công nghiệp nhẹ và tiểu, thủ công nghiệp. Trong tương lai, mật độ đô thị hóa ở khu vực này khá cao với mức dân cư đô thị có thể đạt trên 100 nghìn người. Thị xã Kinh Môn trong tương lai có hướng phát triển dọc theo trục 388 và 389, gắn kết các đô thị trong vùng để hình thành cụm đô thị mạnh, hạt nhân của thị xã tương lai. Cũng như Chí Linh, Kinh Môn có hệ thống đường giao thông thủy, bộ khá hoàn chỉnh, kết nối liên hoàn với các tuyến đường huyết mạch đi Quảng Ninh, Hải Phòng và ra biển đông... Đây chính là lợi thế lớn để Kinh Môn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, bảo đảm các tiêu chí của một đô thị loại IV vào năm 2015.
Ngoài thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn, các thị trấn khác như thị trấn Phú Thái (Kim Thành), thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), thị trấn Ninh Giang (Ninh Giang), thị trấn Thanh Miện (Thanh Miện) cũng có những điều kiện để trở thành những hạt nhân vùng, cửa ngõ giao thương với các tỉnh lân cận. Về lâu dài, thị trấn Thanh Miện sẽ được lựa chọn là đô thị hạt nhân trung tâm khu vực phía nam của tỉnh. So với thị trấn Ninh Giang, Tứ Kỳ, Phú Thái, Kẻ Sặt thì thị trấn Thanh Miện có điều kiện hơn do nằm trên đường vành đai 5 của vùng Thủ đô Hà Nội, giao với trục bắc - nam của tỉnh. Trước đó, quốc lộ 39B nối tỉnh ta và tỉnh Hưng Yên đã được khởi công xây dựng. Hiện tại, Thanh Miện đang hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch mở rộng thị trấn Thanh Miện, xây dựng khu dân cư tập trung thị trấn... Theo đó, các thị trấn Thanh Miện, Tứ Kỳ và Ninh Giang sẽ trở thành cụm đô thị động lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực phía nam tỉnh.
Xây dựng cụm đô thị động lực ở các vị trí cửa ngõ là yêu cầu mang tính tất yếu, bởi những cụm đô thị này có vai trò quan trọng trong việc đón các luồng đầu tư, cũng như tạo ấn tượng và quảng bá hình ảnh của tỉnh. Các cụm đô thị động lực mạnh có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong vùng, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
VỊ THỦY