Gia Lộc xây dựng các vùng chuyên canh
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:38, 03/02/2012
Việc tiếp tục duy trì, mở rộng các vùng rau quả, vùng lúa chất lượng cao được các địa phương, bà con nông dân nhiệt tình tham gia.
Nông dân xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) thu hoạch cải bắp đầu vụ đông,
giá trị sản xuất đạt hơn 3 triệu đồng/sào
Sau khi đề án “Mở rộng và nâng cao hiệu quả vùng chuyên canh rau quả tập trung, vùng lúa chất lượng giai đoạn 2010 - 2015” được Huyện ủy Gia Lộc phê duyệt, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong huyện đã khẩn trương triển khai thực hiện. Chất lượng và khối lượng sản phẩm nông nghiệp, hệ số sử dụng đất, giá trị sản xuất trên một diện tích đất đều tăng rõ rệt... Quan trọng hơn, đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nông dân trong huyện.
Hiệu quả vùng rau
Anh Nguyễn Đình Sơn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lê Lợi cho biết: Thực hiện đề án của huyện, từ năm 2010, xã đã quy hoạch 1 vùng chuyên canh sản xuất rau quả ở thôn Bùi Thượng với diện tích 11,4 ha. Năm 2011, HTX đã ký hợp đồng với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm về chuyển đổi cây trồng với 1 năm 4 vụ, gồm: lúa chiêm + cây hè thu + cây rau màu sớm + rau màu muộn. Từ vụ đông này, bà con nông dân đã tiến hành trồng cây bắp cải sớm, tiếp đó là trồng cây su lơ muộn. Vụ đầu tiên thực hiện công thức luân canh mới, nông dân vùng rau đã thắng lợi lớn với thu nhập bình quân khoảng 166 triệu đồng/ha/vụ. Với kết quả này, chúng tôi đang tiếp tục quy hoạch thêm một vùng 10 ha chuyên canh rau quả ở thôn Già.
Còn theo đồng chí Nguyễn Văn Ngô, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Toàn Thắng, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, năm 2010, HTX đã xây dựng một vùng chuyên canh rau quả ở thôn Bái Hạ với diện tích 13 ha. Đảng ủy, UBND xã họp với bà con nông dân có diện tích trong vùng để thống nhất phương án sản xuất. HTX có trách nhiệm cung ứng giống cây trồng, phục vụ nước tưới. Khi vùng chuyển sang một giống cây trồng khác thì tất cả các hộ dân đều chuyển sang trồng cây đó. Hiện nay, công thức luân canh của vùng rau này là: 2 vụ dưa hấu + 1 vụ dưa lê + 2 - 3 vụ su hào hoặc 1 vụ dưa hấu + 2 vụ dưa lê + 1 vụ ngô giống + 1 vụ su hào. Do quy vùng và được đầu tư bài bản nên giá trị sản xuất của 1 sào trong vùng đạt khoảng 20 triệu đồng/năm. Nhân dân yên tâm sản xuất trong vùng chuyên canh.
Chuyên canh lúa chất lượng cao
Các xã trên địa bàn huyện Gia Lộc đã và đang tích cực làm vụ lúa chiêm xuân. Nét mới trong vụ chiêm năm nay là, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, các xã đều phấn đấu xây dựng ít nhất 1 vùng lúa chất lượng cao. Xã Trùng Khánh, một trong những xã có truyền thống thâm canh cây lúa của huyện Gia Lộc cách đây 5 năm đã xây dựng được vùng lúa lai, lúa chất lượng cao với diện tích 25 ha ở thôn Bá Đại. Vì vậy, khi Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các xã mở rộng và xây dựng vùng lúa chất lượng cao giai đoạn 2010 - 2015, Trùng Khánh hưởng ứng rất tích cực. Đồng chí Đinh Văn Sáng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trùng Khánh cho biết: “Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về xây dựng vùng lúa chất lượng cao, Đảng ủy, UBND xã đã ra nghị quyết chỉ đạo các thôn họp bàn với nhân dân đăng ký xây dựng. Đến nay, chúng tôi đã thống nhất xây dựng thêm 2 vùng lúa lai, lúa chất lượng cao và thực hiện ngay trong vụ này. Đó là vùng lúa chất lượng cao ở thôn Bá Đại với diện tích 20 ha và ở thôn Hưng Long 20 ha. Chúng tôi cũng đã thống nhất để bà con nông dân lựa chọn giống lúa, qua đó quyết định đưa giống lúa Bi - ô 404 vào sản xuất vụ này. Thực tế từ xã Trùng Khánh cho thấy, khi quy hoạch và sản xuất “một vùng, một giống lúa” thường cho năng suất cao hơn lúa ở diện tích không quy vùng khoảng 20%. Cụ thể ở xã Trung Khánh lúa trong vùng quy hoạch thường đạt từ 72 - 74 tạ/ha, trong khi năng suất ở diện tích không quy vùng chỉ đạt khoảng 65 đến 67 tạ/ha.
Qua tìm hiểu thực tế ở các xã: Toàn Thắng, Lê Lợi, Thống Nhất... thì đa số lãnh đạo và bà con nông dân đều hưởng ứng rất nhiệt tình với việc quy vùng sản xuất lúa. Hầu hết các xã này đã quy hoạch được từ 1 - 2 vùng lúa chất lượng và sẽ thực hiện ngay trong vụ chiêm xuân này.
Đồng chí Đỗ Văn Sáng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho biết: Ngay sau khi đề án “Mở rộng và nâng cao hiệu quả vùng chuyên canh rau quả tập trung, vùng lúa chất lượng giai đoạn 2011 - 2015” được Huyện ủy ban hành, chúng tôi đã tổ chức quán triệt, phổ biến đến các xã, thị trấn. Mục tiêu của đề án là đến hết năm 2015, toàn huyện có 38 vùng rau quả. Trong đó, duy trì, nâng cao hiệu quả 24 vùng đã có, quy hoạch thêm 14 vùng mới với diện tích từ 10 ha trở lên. Toàn huyện phấn đấu có 25 vùng lúa chất lượng cao với diện tích từ 20 ha trở lên, trong đó xây dựng thêm 7 vùng mới. Đề án đã được triển khai ngay từ vụ đông năm 2011. Việc tiếp tục duy trì, mở rộng các vùng rau quả, vùng lúa chất lượng cao được các địa phương, bà con nông dân nhiệt tình tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, nâng cao thu nhập của nhân dân.
TUẤN HƯNG