Bài học về sự đúng sai
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 12:31, 10/02/2012
Ngày học cấp hai, cô giáo dạy văn cho cả lớp xem một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ hình khối, giống hình hai người một thấp, một cao, tên tác phẩm là “Tình yêu”, cô nói với cả lớp là: “Các em hãy viết suy nghĩ của mình về tác phẩm này”.
Tôi và Liên ngồi cùng bàn nên làm xong chúng tôi đưa cho nhau xem và trao đổi. Liên xem bài của tôi rồi nhận xét: “Cậu sai rồi, tác phẩm này là nói về tình yêu mẹ con chứ không phải là tình yêu đôi lứa như cậu nghĩ đâu”. Tôi cãi: “Cậu không thấy chủ đề của tác phẩm có tên là tình yêu đó sao? Tác phẩm đó rõ ràng là tình yêu trai gái. Cậu viết tình yêu mẹ con là sai, nếu không tin chúng mình hỏi cô giáo”. Cô giáo xem bài của từng người rồi gật đầu khen là cả hai đều đúng. Tôi liền đứng lên nói: “Thưa cô, nếu cô bảo bài của các bạn con đều đúng, thì con không dám cãi, vì con không được biết họ nói gì trong đó. Chứ như đối với bài của Liên và con chắc chắn không thể nào cô cho cả hai đều đúng được. Vì nhận xét của hai chúng con khác nhau. Nếu con sai thì Liên đúng mà con đúng thì Liên sai”. Cô giáo mỉm cười bảo: “Hai em đều nhận xét đúng cả đấy. Sở dĩ Liên nghĩ như thế vì Liên là con gái, tình cảm mẫu tử luôn ẩn chứa trong tâm thức của các em gái, vả lại tại trình độ hiểu biết của Liên là như vậy. Sao có thể bảo Liên hiểu sai được. Tác phẩm điêu khắc đó là tinh hoa của một người nghệ sĩ, thông điệp mà người nghệ sĩ gởi gắm vào đó là sự khám phá của mọi người. Ai muốn hiểu thế nào là quyền của mỗi người tùy theo trình độ, giới tính, nghề nghiệp… Tác phẩm nghệ thuật nó như vầng Thái Dương, hoa nào cũng nhờ ánh Thái Dương mà nở, nhưng cây hoa nào thì nở ra hoa ấy; cây này không nở hoa kia, mà cây kia không thể nở hoa nọ được… Sao có thể bảo bài của con đúng, mà bài của Liên sai được!”.
Câu chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, vậy mà đến nay mỗi lần có vấn đề liên quan đến việc đúng, sai, tôi luôn nghĩ về những điều cô đã dạy tôi. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Nếu ở đời, ai cũng biết lấy sự độ lượng mà phán xử, thì việc gì trong đời dù có khó khăn, phức tạp đến mấy cũng sẽ “xuôi chèo mát mái” cả. Và trong ngành giáo dục nếu biết tôn trọng sự sáng tạo của mỗi học sinh thì sự học cũng sẽ phát triển.
VÕ HOÀNG NAM(Khánh Hòa)