Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:09, 18/02/2012

Cơ quan chức năng và các địa phương tiến hành nhiều biện pháp khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh lây lan ra các địa phương lân cận...



Trạm Thú y huyện Tứ Kỳ xuất thuốc sát trùng cho cơ sở

Những ngày qua, trên địa bàn huyện Thanh Miện xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1 làm hơn 600 con gia cầm, thủy cầm bị chết, đã tiêu hủy trên 2.600 con của 4 hộ dân thuộc xã Ngô Quyền. Ngay sau khi dịch xuất hiện, người chăn nuôi, cơ quan chức năng và các địa phương nhất là các huyện gần Thanh Miện đã tiến hành nhiều biện pháp phòng dịch.

Huyện Bình Giang có 6 xã tiếp giáp với huyện Thanh Miện. Hơn 11 giờ ngày 17-2, chúng tôi có mặt tại chốt tiếp giáp giữa xã Thái Hòa và thôn Văn Xã, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) thấy những người làm công tác giữ chốt ở đây thực hiện khá tốt. Tất cả các phương tiện lưu thông ra, vào vùng dịch đều được phun thuốc sát trùng. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Bình Giang cho biết: “Ngay sau khi công bố dịch cúm gia cầm tại huyện Thanh Miện, chúng tôi triển khai đồng bộ các biện pháp phòng dịch. 2 xã có đường giao thông sang Thanh Miện đều thành lập chốt, cụ thể là 4 chốt ở xã Bình Xuyên và 2 chốt ở xã Thái Hòa. Huyện đã cấp cho các xã, thị trấn gần 300 lít thuốc sát trùng. Huyện yêu cầu các xã tập trung phun phòng tại các điểm công cộng, đông người qua lại, chợ trung bình 1 lần/tuần. Riêng các xã tiếp giáp, số lần phun thuốc lên 3 lần/tuần. Các ngành chức năng hướng dẫn người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại. Huyện được Chi cục Thú y cấp 50 nghìn liều vắc-xin cúm H5N1. Huyện đã phân 22 nghìn liều cho xã Bình Xuyên, 14 nghìn liều cho Thái Hòa, 8.000 liều cho Thái Học và các xã Thúc Kháng, Thái Dương mỗi xã 3.000 liều. Công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm ở những xã này đã cơ bản hoàn thành".

Trong đợt dịch cúm gia cầm năm 2004, gia đình ông Vũ Văn Cảnh ở phố chợ Bùi Hòa, xã Hoàng Hanh (Ninh Giang) có hơn 2.200 con gà bị chết, thiệt hại trên 80 triệu đồng. Để khôi phục chăn nuôi, ông phải vay vốn từ ngân hàng và bạn bè. Đến nay, ông Cảnh đã có gia trại với quy mô 1.200 con vịt đẻ, 700 con ngan, gần 4.000 con gà công nghiệp. Ông đã đầu tư 4 máy ấp trứng để sản xuất con giống. Ông  Cảnh rất chú trọng đến các biện pháp phòng dịch. Ông cho biết: “Mỗi khi nhập chuồng, tôi đều thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, tiêm phòng. Trong quá trình chăn nuôi, tôi tiêm phòng cho đàn gia cầm, thủy cầm theo định kỳ. Thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng 1 tuần/lần. Vào đợt có dịch, tôi phun thuốc 3 ngày/lần, các loại rác thải đều được thu gom và chôn lấp cẩn thận, không cho người lạ vào chuồng. Sau khi xuất bán, tôi đều rắc vôi bột và phơi chuồng từ 10 - 15 ngày. Với những biện pháp tổng hợp như vậy, từ năm 2004 đến nay, tôi bảo vệ được đàn gia cầm khỏi dịch cúm”. Huyện Ninh Giang hiện có trên 878 nghìn con gia cầm, thủy cầm, 51 nghìn con lợn và gần 2.500 con trâu, bò. Bà Nguyễn Thị Liên, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Ninh Giang cho biết: Huyện đang nằm trong vùng bị uy hiếp bởi dịch cúm gia cầm từ huyện Thanh Miện và dịch lở mồm, long móng từ Thái Bình. Ngay sau khi tỉnh triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, huyện đã họp cán bộ thú y của các xã, thị trấn và các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng dịch phù hợp với đặc điểm của huyện. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các xã, thị trấn thống kê số lượng gia súc, gia cầm phục vụ cho đợt tiêm phòng sắp tới. Huyện đặt mục tiêu tiêm phòng được 80% số gia súc, gia cầm trong diện được tiêm. Trạm Thú y cung ứng đầy đủ vắc-xin, dụng cụ tiêm phòng, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch. Quản lý chặt chẽ các ổ dịch cũ, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hướng dẫn người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn, theo đúng quy định, “5 không” trong chăn nuôi. Đối với 5 xã giáp ranh huyện Thanh Miện gồm: Văn Hội, Tân Quang, Quang Hưng, Văn Giang và Hoàng Hanh, Trạm Thú y đã cấp cho mỗi xã 50 lít thuốc sát trùng, những xã còn lại từ 12 - 15 lít. Riêng xã Hưng Long tiếp giáp với Thái Bình, huyện cũng chỉ đạo lực lượng thú y phối hợp với công an  xã tăng cường các biện pháp kiểm soát, kiểm tra giấy kiểm dịch của các hộ buôn bán lợn vào địa phương.


Ngay sau khi xuất hiện dịch cúm, huyện Thanh Miện đã tiêm phòng vắc-xin
 cho toàn bộ đàn gia cầm


Tại huyện Tứ Kỳ, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm cũng diễn ra khẩn trương. Ông Nguyễn Minh Hải, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết, huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, các thú y viên ở thôn. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Huyện đã cấp được trên 700 kg thuốc sát trùng cho các xã, thị trấn và yêu cầu các xã, thị trấn thống kê số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn vừa phục vụ cho đợt tiêm phòng sắp tới vừa để quản lý gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện. Các xã, thị trấn thành lập tổ phun thuốc sát trùng để phun tại những nơi công cộng, nơi đông người qua lại, chợ và những trang trại quy mô lớn. Các ngành chức năng tập trung công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ tác hại của dịch cúm và các biện pháp phòng, chống.

Ông Nguyễn Văn Quynh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ta hiện nay gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ thú y cơ sở có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và dập dịch. Tuy nhiên hiện nay đội ngũ này ở tỉnh ta rất thiếu. Thậm chí, ở một số địa phương, ban thú y xã chỉ có 2 người, trưởng ban và phó ban. Tỉnh đã thực hiện cơ chế hỗ trợ đối với gia cầm, thủy cầm bị tiêu hủy, song giá vẫn thấp hơn thị trường, nên khó tránh được tình trạng người dân bán chạy khi gia cầm, thủy cầm có dấu hiệu ốm, bệnh. Các phương tiện như máy phun thuốc cỡ lớn thiếu, một số địa phương phải dùng bình phun thuốc trừ sâu cho việc phun thuốc sát trùng. Một số người chăn nuôi chưa chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

PV