Thêm nhiều cơ hội việc làm cho lao động nông thôn
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:15, 20/02/2012
Làm công nhân ở gần nhà, các chị Nguyễn Thị Hồng và Nghiêm Thị Thúy có thời gian chăm sóc gia đình, tranh thủ lo đồng áng nên cuộc sống ổn định hơn |
Những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều biện pháp thu hút đầu tư nên số lượng các doanh nghiệp ngày càng nhiều, đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động ở các vùng nông thôn.
Trước đây, lao động nông thôn muốn có việc phải lên thành phố, ra tỉnh ngoài để làm thuê, làm công nhân, nay có thể dễ dàng tìm được việc trong các công ty, nhà máy ngay tại quê mình. Chị Nguyễn Thị Hồng, 47 tuổi, nhà ở thôn Phạm Xá, xã Tuấn Hưng (Kim Thành) trước đây làm nông nghiệp nhưng từ khi Nhà máy Gạch Bạch Đằng (thuộc Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng) đóng ở thị trấn Phú Thái hoạt động, mặc dù đã “cứng” tuổi nhưng chị vẫn dễ dàng xin được việc tại nhà máy. Đến nay, chị đã làm được 6 năm. Chị Hồng cho biết: "Khi chưa vào làm ở nhà máy, tôi ở nhà làm ruộng. Những lúc nông nhàn chẳng có việc làm nên cũng không có thu nhập. Từ khi vào làm việc ở nhà máy, tôi có việc làm đều. Lương mỗi tháng chỉ khoảng 2 triệu đồng nhưng đây cũng là khoản thu nhập đáng kể đối với chúng tôi". Còn chị Nghiêm Thị Thúy, 48 tuổi, nhà ở thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc làm cùng tổ với chị Hồng cho biết: “Tôi làm ở nhà máy này cũng được 4 năm rồi. Vừa gần nhà lại có việc làm thường xuyên và có nguồn thu nhập ổn định. Làm việc ở đây vẫn chăm lo cho gia đình và còn tranh thủ cấy cày được”.
Tuy chỉ là một doanh nghiệp nhỏ nhưng Công ty TNHH Đồng Tâm, đóng ở xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) cũng tạo việc làm cho gần trăm lao động, chủ yếu là người trong xã và một số xã lân cận. Vợ chồng anh Vũ Văn Thuyên ở thôn Bỉnh Di, xã Kỳ Sơn làm ở công ty được 2 năm. Nhà anh cách công ty 1 km nên 2 vợ chồng cứ sáng đi chiều về. Vì làm gần nhà nên anh chị vẫn cấy 2 sào lúa. Mỗi tháng lương 2 vợ chồng anh được khoảng hơn 5 triệu đồng. Anh Thuyên cho biết: “Ngày trước, vợ chồng tôi ở nhà làm ruộng, chạy công nông, đi xây. Tuy làm nhiều công việc như vậy nhưng công việc không thường xuyên. Vào làm công ty, công việc và thu nhập ổn định mà nhất là không phải đi xa nên cũng đỡ tốn kém”. Còn anh Nguyễn Văn Hoàng ở cùng thôn với anh Thuyên, sau nhiều năm đi làm ăn ở tỉnh ngoài cũng đã trở về làm công nhân ngay tại quê nhà. Trước đây, đi làm ở Quảng Ninh dù thu nhập có cao hơn nhưng anh Hoàng vẫn không tiết kiệm được vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Từ khi về làm việc ở gần nhà, anh Hoàng có điều kiện giúp đỡ vợ con công việc trong gia đình. Anh Hoàng cho biết: "Về làm công nhân ở quê được làm gần nhà, đi lại thuận tiện, tiết kiệm được khá nhiều khoản chi phí. Bên cạnh đó, mình có thời gian quan tâm, chăm sóc, phụ giúp việc nhà với vợ”.
Đến một số doanh nghiệp đóng trên một số huyện trong tỉnh để tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những “công nhân ở làng” làm việc tại các doanh nghiệp gần nhà có nhiều thuận lợi hơn so với những công nhân ở nơi xa về làm việc. Họ được làm gần nhà, không phải mất tiền thuê nhà, chi phí cho cuộc sống cũng đỡ tốn kém. Ngoài ra, họ có thể tranh thủ giúp đỡ công việc gia đình, làm thêm việc đồng áng và chăm lo, nuôi dạy con cái. Nhiều lao động đều mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp về đầu tư ở các vùng nông thôn hơn nữa để họ có thêm nhiều việc làm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 64,62% số dân. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động ở nông thôn chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng hơn 70%. Toàn tỉnh có hơn 5.900 doanh nghiệp, tạo việc làm cho 217,5 nghìn lao động, trong đó các doanh nghiệp nhà nước tạo việc làm cho 16,5 nghìn lao động; 219 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo việc làm cho 92,5 nghìn lao động và có 5.649 doanh nghiệp dân doanh tạo việc làm cho 108,5 nghìn lao động. Hàng trăm doanh nghiệp đã về các huyện, các xã, thị trấn để đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tiêu biểu như Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương), năm 2011 đã đầu tư mở rộng sản xuất, xây thêm mới một nhà máy ở xã Nghĩa An (Ninh Giang), tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động. Nếu hoạt động hết công suất với 4 nhà máy, công ty sẽ tạo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động, chủ yếu là lao động ở các địa phương trong tỉnh. Công ty TNHH Uniden Việt Nam ở khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) hiện cũng đang xây dựng thêm nhà máy 2 với quy mô sử dụng 3,5 nghìn lao động. Công ty TNHH Hai Vina có 1 nhà máy ở huyện Gia Lộc và 1 nhà máy ở khu công nghiệp Nam Sách (TP Hải Dương) có hơn 4.600 lao động …
Để tiếp tục tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động nông thôn trong tỉnh, đề nghị các cấp chính quyền cần tạo thêm cơ chế, chính sách ưu đãi và tạo thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh việc dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là những nghề thiết thực, phù hợp để người lao động có thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.
VIỆT CƯỜNG