Trung Quốc muốn đắc lợi ở Trung Đông
Bình luận - Ngày đăng : 16:13, 21/02/2012
Trung Quốc được cho là đang tận dụng căng thẳng giữa phương Tây với Syria và Iran để trở thành một đối tác có ảnh hưởng trong khu vực với những hoạt động liên tục. Cụ thể, Thứ trưởng Ngoại giao Địch Tuyển đến Syria trong 2 ngày 17 và 18-2 để bàn về cuộc khủng hoảng ở đây. Trước đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo công du Ả Rập Xê Út, Qatar và UAE trong tháng 1. Theo báo The New York Times, đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc đến Qatar và UAE từ trước đến nay. Cũng phải sau 2 thập niên mới lại có một người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc thăm Ả Rập Xê Út.
Mới đây, trang tin China.org.cn dẫn lời chuyên gia Trung Quốc Lâm Lương Tường nhận định: “Trung Đông là nơi chúng ta có thể chứng tỏ vai trò một siêu cường có trách nhiệm”.
Tạo dựng ảnh hưởng
Kể từ thập niên 1990, Trung Quốc không ngừng cải thiện quan hệ với các nước Trung Đông, đặc biệt là Iran và Ả Rập Xê Út. Hiện Iran là nước cung cấp dầu lớn thứ 3 cho Trung Quốc, sau Ả Rập Xê Út và Angola. Đổi lại, Trung Quốc xuất khẩu vũ khí cho 2 đối tác trên, theo tạp chí Middle East Quarterly.
Ngoài ra, ngay từ thời Trung cổ, Trung Quốc đã có quan hệ với Syria thông qua Con đường tơ lụa, theo Giáo sư Stephen Zunes tại Đại học San Francisco (Mỹ). “Ngày nay, Trung Quốc muốn dựng lại con đường thương mại này và đang tăng cường hướng tới Trung Đông để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng”, ông Zunes nhận định trên chuyên trang về Trung Đông Middleeastvoices.com.
Trong bài bình luận đăng trên báo Los Angeles Times, 2 chuyên gia David Schenker và Christina Lin tại Viện Nghiên cứu chính sách Cận Đông có trụ sở tại Washington cho hay từ thập niên 1990, Trung Quốc bắt đầu lấp khoảng trống mà Liên Xô để lại ở Syria bằng cách cung cấp tên lửa cho nước này. Nhiều nhà quan sát phương Tây cho rằng, Trung Quốc hiện không chỉ là nguồn cung vũ khí ổn định mà còn đầu tư mạnh vào việc hiện đại hóa ngành năng lượng của Syria.
Tuy nhiên, theo tạp chí The Diplomat, các chuyên gia Trung Quốc tin rằng chính phủ của họ vẫn thiếu các đòn bẩy mạnh để tạo ảnh hưởng trực tiếp cho các vấn đề Trung Đông và lâu nay vẫn đóng vai trò quan sát nhiều hơn.
|
Thời cơ đã đến?
Theo 2 nhà quan sát Schenker và Lin, bối cảnh tình hình mới ở Trung Đông và Bắc Phi do chính biến được Bắc Kinh xem là cơ hội “vàng” để giành chỗ đứng trong khu vực. Trung Quốc và Nga đã phủ quyết các dự thảo nghị quyết của LHQ kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức. Đây là một trong những lần hiếm hoi nước này sử dụng quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ. Tân Hoa xã dẫn lời Thứ trưởng Địch Tuyển phát biểu tại Damascus kêu gọi tất cả các bên chấm dứt tình trạng bạo lực và ủng hộ lộ trình cải cách của chính phủ Syria.
Ngoài ra, hồi tháng 10-2011, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, một thế lực đang lên trong khu vực, đã nâng quan hệ song phương lên tầm chiến lược. Theo AFP, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Ankara vào cuối ngày 20-2 để thảo luận với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria và thương mại song phương. Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc chọn Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ làm tâm điểm cho chiến lược Trung Đông của mình vì những nước này có quan hệ phức tạp hoặc có vấn đề với Mỹ. Để bổ sung cho nhóm 3 nước này, Trung Quốc dường như đang nhắm tới Iraq và hiện là nhà đầu tư về năng lượng hàng đầu ở đây.
Bên cạnh đó, tuy Nga và Trung Quốc có cùng quan điểm về các vấn đề nóng bỏng hiện nay ở Trung Đông nhưng Moscow có thể sẽ khó chịu khi thấy Bắc Kinh muốn tăng ảnh hưởng ở đây. Hồi năm ngoái, trang tin WhatDoesItMean.com dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov nhắc đến một thỏa thuận quân sự giữa Trung Quốc và Pakistan với giọng điệu lo ngại. Theo ông, với thỏa thuận này, Pakistan sẽ cho phép bộ binh Trung Quốc dùng đường cao tốc Karakoram để tiến thẳng vào Trung Đông khi cần thiết.
Trung Quốc chỉ trích phương Tây Trong bài bình luận trên Nhân Dân nhật báo ngày 20-2, Giám đốc Khúc Hưng của Viện Nghiên cứu Trung Quốc nhận định quan điểm của một số nước về Syria “chủ yếu dựa trên các toan tính địa chính trị” và “nếu phương Tây tiếp tục hỗ trợ lực lượng đối lập Syria, cuộc nội chiến sẽ bùng nổ”. Trong khi đó, báo The New York Times dẫn lời 2 thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham tuyên bố Mỹ nên cấp vũ khí cho lực lượng đối lập ở Syira khi chính phủ nước này vẫn mạnh tay trấn áp người biểu tình. |
Văn Khoa (TN)