Kỹ thuật trồng dưa lê

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:34, 21/02/2012

Để cây dưa lê sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, bà con nông dân cần chú ý những vấn đề sau:

1. Thời vụ: lý tưởng nhất là tháng 2 - 3.

2. Gieo ươm cây con:

Dùng đất nặn thành từng bát nhỏ hoặc lấy lá chuối tươi, bẹ cây chuối, lá dưa dại... khoanh thành từng khuôn như chiếc chén to, bỏ phân trộn với đất ải vào rồi gieo mỗi bầu một hạt. Khi cây có 2 - 3 lá thật thì chọn cây đem trồng. Cũng có thể dùng bùn ao đổ thành từng luống trên sân gạch hoặc xi- măng như kiểu gieo mạ sân. Khi gieo nhớ cắm đầu nhọn của hạt xuống với mật độ 4 x 5 cm một hạt, đến khi cây có 2 - 3 lá thật thì bóc đem trồng và để nguyên cây trên từng mảng bùn khô.

3. Làm đất, lên luống, bón phân lót và trồng cây

- Mặt luống rộng 1,5 - 1,6 m, luống cao 30 cm, bổ hốc dọc theo luống. Hốc cách hốc 80- 100 cm và bón phân theo hốc.

Lượng phân bón (cho 1 ha): 30 - 45 tấn phân hữu cơ, 80 kg phân đạm, 250 kg phân lân, 80 kg kali nguyên chất. Trộn đều phân với đất, xoa bằng mặt. Cây con đem trồng chỉ vừa lấp kín mặt bầu hoặc cổ cây.

4. Bón thúc:

Chia làm 4 lần. Lần một bón sau khi cây có 2 - 3 lá thật, lượng phân 20kg đạm + 20 kali nguyên chất/ha. Lần 2, khi cây có 6 - 7 lá thật và bắt đầu bẻ ngọn, bón 20 kg đạm + 20 kali. Lần 3, khi cây bắt đầu có hoa cái 40 kg đạm + 40 kg ka li. Lần 4, khi bắt đầu thu quả 40 kg đạm + 40 kg ka li.

5. Bẻ ngọn và dẫn thân

- Bẻ ngọn và dẫn thân khi có giàn: Khi cây có 6 - 7 lá thật thì bẻ ngọn chỉ để cho thân chính phát sinh hai nhánh tốt, còn tỉa bỏ các nhánh khác. Cây dưa lê ra quả ở ngay đốt lá đầu tiên của các nhánh và cho quả to ở nhánh cấp 2. Do đó khi cây đã có quả thì bẻ ngọn, chừa lại 2 - 3 lá. Từ các đợt lá lại phát sinh nhánh và lại bẻ để lại 2 nhánh. Sau khi nhánh có quả, bẻ ngọn lần thứ 2. Sau khi nhánh thứ 2 có quả, bẻ tiếp lần 3. Sau 2 - 3 lần bẻ nhánh, số quả sẽ có trên mỗi cây từ 6 -14 quả. 

- Bẻ ngọn và dẫn thân khi không làm giàn:

Có thể bẻ ngọn theo nhiều cách:

+ Cách 1: Sau lá thứ 5 thì có thể bẻ ngọn và thân chính để cho 2 nhánh cấp 1 phát triển. Khi nhánh cấp 1 có 5 - 6 lá thì bẻ ngọn để cho 5 nhánh cấp 2 phát triển. Khi nhánh cấp 2 có 5 - 6 lá lại bẻ ngọn để nhánh cấp 3 phát triển 5 nhánh. Sau khi bẻ ngọn 3 lần một cây dưa có thể cho tới 72 hoa cái có khả năng cho quả.

+ Cách 2: Sau khi bẻ ngọn thân chính chỉ để 4 nhánh cấp 1 phát triển. Mỗi nhánh cấp 1 sẽ lấy 5 nhánh cấp 2 rồi để phát triển tự nhiên, sau 2 lần bẻ ngọn một cây dưa lê đã cho tới 24 hoa cái có khả năng cho quả.

6. Phòng trừ sâu bệnh:
Chú ý các đối tượng gây hại chính:

- Sâu ăn tạp, sâu xanh: Sử dụng Delfin, Match, Success, Vertimec,...

- Bọ trĩ, rầy, rệp: Sử dụng: Confidor, Regent, Admire,…

- Bệnh héo cây con: Sử dụng Moncerene 250SC, Anvil 5SG,Validacin 3-5SL…

- Thán thư, sương mai: Sử dụng: Daconil50-75WP, Ridomil 68-72WP, TopsinM, Poliram 80DF, ThanM, Bavistin 50FL…

(Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ)