Tư duy kinh nghiệm và tư duy khoa học

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 20:32, 21/02/2012

Ở bất cứ lĩnh vực công tác nào cũng cần biết vận dụng hai loại tư duy trên, nhất là những người làm công tác cán bộ, tổ chức quản lý, lãnh đạo các cấp.

Trong cuộc sống hằng ngày hay lao động sản xuất và đấu tranh xã hội, con người thường xuyên phải tư duy (suy nghĩ) để nhận thức và cải tạo hiện thực khách quan. Quá trình nhận thức nhằm tìm ra cái mới có thể phân chia thành hai mức độ: nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Tương ứng với nó là hai trình dộ tư duy: tư duy kinh nghiệm và tư duy khoa học (tư duy lý luận). Ở bất cứ lĩnh vực công tác nào cũng cần biết vận dụng hai loại tư duy trên, nhất là những người làm công tác cán bộ, tổ chức quản lý, lãnh đạo các cấp.

Theo quan điểm tâm lý học, tư duy kinh nghiệm là phương thức hoạt động trí óc nhằm phản ánh những sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan, trên cơ sở sử dụng những số liệu do nhận thức cảm tính thu được khi quan sát sự vận động của đối tượng với những thuộc tính bên ngoài có tính chất hình thức. Nói cách khác, tư duy kinh nghiệm chỉ phát hiện và ghi lại những sự việc riêng lẻ với những thay đổi hình dáng của đối tượng. Vì vậy, sản phẩm của tư duy kinh nghiệm chỉ là những khái niệm có tính chất kinh nghiệm. Những khái niệm này có khả năng định hướng cho con người hoạt động trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng chỉ bảo đảm cho con người tồn tại và phát triển khi cuộc sống xã hội không có những biến động phức tạp. Tư duy kinh nghiệm được hình thành và phát triển trên cơ sở khái quát hóa kinh nghiệm, tức là dựa vào kết quả của sự so sánh giữa các sự vật, hiện tượng để rút ra cái giống nhau bề ngoài của những đối tượng đang được theo dõi trực tiếp hoặc nghe người khác mô tả lại. Do đó, tư duy kinh nghiệm không phản ánh được cái bản chất bên trong của sự vật, hiện tượng. Sự hạn chế đó đòi hỏi con người phải vươn lên một trình độ tư duy cao hơn thì mới chiếm lĩnh được cái mới, giải quyết được đúng đắn sự việc. Đó là tư duy khoa học. Mục đích của tư duy khoa học là làm cho con người có sự hiểu biết toàn vẹn, sâu sắc, đa dạng, phong phú về các đối tượng cần nhận thức. Chỉ có trong tư duy khoa học, chúng ta mới có thể phát hiện ra cái lô-gích vận động và phát triển, cái bản chất của đối tượng. Nó được thực hiện trên cơ sở khái quát hóa lý luận, tức là dựa vào kết quả của sự phân tích và trừu tượng hóa những số liệu cảm tính, những hành động trí tuệ đặc biệt. Sản phẩm của tư duy khoa học là những khái niệm khoa học. Nhờ có những khái niệm này mà chúng ta có thể nhận thức được một cách đúng đắn hơn, đầy đủ hơn về thực tại cuộc sống, hiện trạng xã hội và sự phát triển của nó. Tư duy khoa học làm tái tạo lại trong đầu óc tất cả những hình thức phổ biến, có tính quy luật của các sự vật, hiện tượng để tạo thành một hệ thống trọn vẹn.
Trong sự nhận thức của con người, giữa tư duy kinh nghiệm và tư duy khoa học có mối liên quan khăng khít và tác động tương hỗ lẫn nhau. Hiện nay, tư duy khoa học giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động nhận thức và cải tạo thực tiễn của con người.

Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, tư duy kinh nghiệm vẫn cần thiết. Có điều cần nhớ là phải phân biệt rõ ràng giữa kinh nghiệm, tư duy kinh nghiệm với  kinh nghiệm chủ nghĩa và tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa. Cần tích lũy kinh nghiệm để làm giàu chất liệu cho tư duy. Nhưng không được đề cao quá đáng vai trò của kinh nghiệm trong suy nghĩ và hành động của con người. Mắc bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa và tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa, con người dễ sa vào tình trạng bảo thủ, trì trệ thích đi theo con đường mòn, ngại tiếp thu cái mới, cái hiện đại, do đó không có sự sáng tạo.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, có nhiều cá nhân và tập thể đã và đang tích cực vận dụng tư duy khoa học vào quá trình nhận thức và hoạt động cải tạo xã hội. Đó là những nhân tố mới cần kịp thời khuyến khích và ủng hộ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

TSPHẠM TRUNG THANH (Đại học Thành Đông)