Chinh phục Phan-Xi-Păng

Du lịch - Ngày đăng : 06:50, 25/02/2012

Nằm ở phía Bắc của Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Lào Cai, đỉnh núi Phan-xi-păng với độ cao 3.143m là điểm đến mà nhiều du khách muốn chinh phục.



Giương cao ngọn cờ “Câu lạc bộ xe đạp thể thao TP Hải Dương” trên đỉnh núi Phan-xi-păng
 cao nhất Đông Dương

Cô Lê Thị Mùi, nhân viên Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường Sa Pa niềm nở tiễn các vận động viên Câu lạc bộ Xe đạp thể thao TP Hải Dương, chúc chuyến chinh phục Phan - xi - păng thành công. Cả đoàn theo sau anh A Tủa, quê ở bản Sán Chải, đi lên từ trạm Núi Xẻ. Anh thanh niên Mông 35 tuổi này vóc người không lớn, nhưng có sức khỏe đặc biệt. Anh mang hầu hết hành lý của ba vị khách, cả túi ngủ, lều cá nhân, thức ăn đủ dùng cho ba ngày và là người dẫn đường tuyệt vời. Mặc dù là lính Trường Sơn năm xưa, nay tuổi đã cao, họ đối mặt với thử thách rất lớn. Sườn núi dốc, khúc khuỷu. Rét 40C, các vũng nước đều đóng băng trắng. Gió ào ào. Tay bấu vào gốc cây, tay kia chống gậy lách xuống các kẽ đá, chân nhích từng bước. Sương mù chắn, cách 5 mét là không nhìn thấy nhau, phải dùng tiếng còi đeo ở ngực để làm tín hiệu. Đã có lúc tiếng còi rít khẩn cấp: Ông Phạm Ngọc Cường (66 tuổi) ngã xoài trên tảng đá cao 3 mét, may mà không rơi vào đá nhọn! Ông vốn có bệnh tiểu đường, phải dừng lại dùng thuốc, nghỉ mươi phút. Rồi tất cả lại leo cao. 3 giờ chiều, họ đến trạm 2.200m. Đó là một thung lũng hẹp, người Mông dựng lều đón khách. Ở đây, điện thoại nằm ngoài vùng phủ sóng. Ăn mì tôm. Cơm không thể chín vì nhiệt độ đun lên ở đây cao nhất chỉ 70 độ C. Mệt mỏi nhưng cũng vô cùng náo nức. Có đoàn người từ đỉnh núi trở về. Họ khuyên chân tình rằng nên quay lại cho an toàn. Nhưng các ông cứ đi. Thế là đoàn khách kia tặng lại các thứ chưa dùng hết như thuốc tăng lực, tất tay, tất chân. Thấy ông Phạm Trọng An, 74 tuổi, đi đôi giày bong đế, họ tặng đôi giày thể thao. Một cô nữ sinh Hà Nội tặng ông Cường tuýp thuốc Vitamin C để uống dọc đường. Rồi cứ thế mà lên. Ngày đi, đêm ngủ trong túi, chui trong lều, nhưng ai cũng chỉ nằm đó để mong chóng sáng.

Những vị khách của Hải Dương đã được “đền bù” xứng đáng bởi qua cuộc chinh phục vất vả này: Được tận mắt chứng kiến bảo tàng thiên nhiên kỳ vĩ, mang trong mình một thảm thực vật với rất nhiều loại đặc hữu. Vượt khỏi những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt, họ được sờ tay vào các cây pơ mu, có cây 3-4 người ôm không xuể, tuổi đời vài trăm năm, được mệnh danh là “mỏ vàng” của Lào Cai. Còn vô số các cây gỗ quý: lãnh sam, thiết sam, liễu sam, kim sam, thông đỏ, hoàng đàn… Xen lẫn với rừng lá kim là các loài hoa đỗ quyên, phong lan, hoàng anh rực rỡ. Bốn  mùa ở đây là bốn mùa hoa: lay ơn, thược dược và Bgô-nha, Est-cô-la không có ở đồng bằng.

Từ độ cao 2.800 m trở lên, mây mù tan biến, trời quang đãng, trong xanh. Chỉ có gió thổi rất mạnh. Mặt đất chỉ còn lúp xúp những trúc lùn, lá phơ phất, gọi là “trúc phất trần”. Xen kẽ là một số cây họ cói, họ hoa hồng, họ hoàng liên… Lên điểm cao 2.963m, họ ngồi bên cột mốc người Pháp cắm từ 1905. Nhưng A Tủa đã dẫn họ đi tiếp chặng đường cuối cùng. Đỉnh Phan-xi-păng đây rồi! Đỉnh cao nhất Đông Dương 3.143 m trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. “Phiến đá khổng lồ chênh vênh” đã ở dưới chân ba vận động viên thể thao Hải Dương. Lập tức, các ông rút cờ Tổ quốc, băng rôn của câu lạc bộ, lấy gậy luồn vào làm cán giơ lên giữa đỉnh trời cao, xung quanh phủ đầy mây nõn. Anh hướng dẫn viên A Tủa đã nhiều lần là nhiếp ảnh gia đã ghi lại giây phút sung sướng, hạnh phúc của các ông.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết bài thơ “Trên đỉnh Phan-xi-păng” có câu: Nằm khểnh trong mây nõn/Chạnh lòng thương cõi người. Với ba ông Phạm Trọng An, Đinh Văn Sao, Phạm Ngọc Cường thì chỉ “chạnh lòng thương” các bạn đồng nghiệp, gần một chục cua-rơ ở TP Hải Dương phải chờ đợt sau mới có thể được hưởng niềm vui như họ hôm nay.

Phan - xi - păng ở tây nam thị trấn Sa Pa (Lào Cai), tiếng địa phương gọi "Hủa Si Pan", nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. Đỉnh núi, phiến đợc "kê" bởi những hòn đá nhỏ, tự chiếc bàn. Mùa leo núi lên Phan á này đư- xi - păng đẹp nhất là khoảng cuối tháng hai, sang tháng ba, khi các loài hoa núi bắt đầu nở...


NGUYỄN HỮU PHÁCH