Tứ Kỳ phòng, chống bệnh tay - chân - miệng
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:12, 05/03/2012
Trước tình hình bệnh tay - chân - miệng đang lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, các ngành liên quan trong huyện tích cực phòng, chống dịch bệnh.
Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tứ Kỳ) tổ chức dọn vệ sinh, rắc vôi bột khử trùng
xung quanh khuôn viên vào ngày nghỉ
Trường Mầm non xã Quang Khải có 8 lớp mẫu giáo, 4 lớp nhà trẻ với gần 400 học sinh. Tháng 9-2011, trường có 1 cháu ở lớp nhà trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng và được gia đình đưa đi điều trị kịp thời. Từ đó đến nay, tuy chưa phát sinh thêm trường hợp nào nhưng công tác phòng, chống bệnh luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm. Cô giáo Vũ Thị Hồng Luyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ khi có ca nhiễm bệnh tay - chân - miệng đến nay, nhà trường đã tổ chức 2 lần phun thuốc cloramin B khử khuẩn xung quanh khuôn viên nhà trường, lớp học. Chỉ đạo giáo viên thực hiện nghiêm công tác vệ sinh như: lau nền nhà lớp học 2 lần/ngày, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng của trẻ; cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; cắt móng tay, móng chân cho trẻ; khăn rửa mặt của trẻ phải được giặt sạch và luộc qua nước sôi trước khi sử dụng; chăn, chiếu, màn thường xuyên được thay giặt định kỳ...Trường cũng đã phối hợp với Trạm Y tế xã tuyên truyền, nhắc nhở các bậc phụ huynh thực hiện vệ sinh cá nhân hằng ngày cho học sinh khi ở nhà, hạn chế cho con em tiếp xúc với chỗ đông người; quan tâm, theo dõi trẻ để kịp thời cách ly, điều trị khi trẻ có các biểu hiện của bệnh tay - chân - miệng.
Học sinh Trường mầm non Quang Khải (Tứ Kỳ) rửa tay bằng xà phòng trước giờ ăn trưa
Trước đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo Tứ Kỳ đã gửi công văn, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn yêu cầu các trường học, đặc biệt là bậc học mầm non và tiểu học phối hợp chặt chẽ với trạm y tế ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh học sinh thấy rõ được sự nguy hiểm của bệnh tay - chân - miệng, đường lây truyền, các triệu chứng, biểu hiện, biện pháp cách ly và cách phòng, chống. Hạn chế dịch bệnh xuất hiện, lây lan bằng cách vệ sinh trường lớp hằng ngày, làm sạch dụng cụ, vật dụng học tập, tuyên truyền học sinh giữ vệ sinh cá nhân... Nếu phát hiện các trường hợp có biểu hiện nghi mắc bệnh tay - chân - miệng phải tổ chức cách ly, thông báo với trạm y tế và gia đình xử lý kịp thời. Lớp học nào có từ 2 trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng trở lên thì cho lớp đó nghỉ học 10 ngày theo quy định của Bộ Y tế.
Đến nay, tất cả các xã, thị trấn ở Tứ Kỳ đều đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phòng, chống các loại dịch bệnh nói chung, bệnh tay - chân - miệng nói riêng. Ông Nguyễn Hữu Trẫm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ cho biết, trung tâm đã cấp cho mỗi trạm y tế xã, thị trấn 1-2 kg thuốc cloramin B phục vụ phun khử trùng; chỉ đạo trạm y tế xã, thị trấn phối hợp với các trường học, các ban, ngành, đoàn thể và đài truyền thanh tăng cường tuyên truyền để mọi người dân nắm vững kiến thức, chủ động phòng, chống bệnh tay - chân - miệng hiệu quả. Tăng cường công tác giám sát, sớm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
TIẾN MẠNH