Cơ hội mới đối với người lao động

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 08:15, 07/03/2012

Hàn Quốc đã tăng chỉ tiêu việc lên 15 nghìn lao động, gia hạn cho những người có nhu cầu ở lại làm tiếp... là những thông tin mừng với lao động Việt Nam...



Lao động đăng ký dự kiểm tra tiếng Hàn Quốc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh
 (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội)


Năm 2012, Ủy ban Lao động Quốc gia và Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã tăng chỉ tiêu việc làm tại Hàn Quốc cho nước ta lên 15.000 lao động, nhiều hơn 9.200 lao động so với năm 2011. Ngoài tăng chỉ tiêu cho nước ta, phía Hàn Quốc cũng đề ra một số chính sách mới ưu đãi như: Đối với lao động hết hạn về nước mà trong thời gian thực hiện hợp đồng không thay đổi nơi làm việc, nếu có nhu cầu tái nhập cảnh sau khi hết hạn hợp đồng từ 3 đến 6 tháng thì được miễn thi tiếng Hàn. Người lao động kết thúc hợp đồng lao động về nước đúng hợp đồng nếu có nguyện vọng trở lại Hàn Quốc được tham gia kỳ kiểm tra tiếng Hàn EPS - Topik. Mặt khác, phía Hàn Quốc không hạn chế số lượng chuyên gia công nghệ cao đăng ký vào làm việc tại Hàn Quốc và không hạn chế doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động sang làm việc theo chương trình thẻ vàng.

Đây là những thông tin đáng mừng đối với người lao động Việt Nam. Hiện tại, của tỉnh ta số lao động có nhu cầu làm việc tại Hàn Quốc khá lớn. Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Những tháng đầu năm 2012 đã có trên 200 lao động được chủ sử dụng lao động lựa chọn ký hợp đồng. Nhiều lao động trong tỉnh đã từng làm việc tại Hàn Quốc mong muốn được các cơ quan chức năng sớm giải quyết để trở lại Hàn Quốc làm việc. Anh Trần Văn Thạo ở xã Cổ Thành (thị xã Chí Linh) cho biết: "Những người đã từng làm việc tại Hàn Quốc như tôi đều mong muốn sớm được quay trở lại đó làm việc". Anh Thạo đã từng đi Hàn Quốc 4 năm, đến năm 2011 về nước và hiện tại anh đã vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính, đang đợi để sang Hàn Quốc làm việc. Anh Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Việc làm, an toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Trong đợt đăng ký dự kiểm tra tiếng Hàn năm 2011, tỉnh ta có 3.147 lao động tham gia. Đây mới là con số đăng ký, thực tế nhu cầu còn lớn hơn nhiều lần”.

Bên cạnh cơ hội mới, người lao động cũng đứng trước những thách thức không nhỏ. Theo quy định của Hàn Quốc, chỉ những người đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn dành cho chương trình EPS mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Kỳ kiểm tra tiếng Hàn vừa qua, cả nước có 67 nghìn lao động tham dự, trong khi tổng chỉ tiêu làm việc tại Hàn Quốc mà phía bạn dành cho nước ta chỉ có 15 nghìn người. Như vậy, người lao động tỉnh ta phải “thi thố” với 64 nghìn lao động khác trong cả nước để có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. Khó khăn nữa, đó là trình độ chuyên môn, nhất là trình độ tiếng Hàn của lao động tỉnh ta thấp hơn lao động ở các tỉnh, thành phố khác. Tỉnh ta có 3.147 người dự kiểm tra tiếng Hàn, nhưng chỉ có 535 người đạt yêu cầu. Người lao động còn gặp tình trạng lừa đảo của “cò mồi”. Gia đình ông Bùi Kim Lại ở thị trấn Gia Lộc (Gia Lộc) có con trai là anh Bùi Kim Thêm đi làm việc tại Hàn Quốc đã bị “cò mồi” lừa hơn 20 nghìn đô-la. Thách thức lớn nhất nữa là tình trạng lao động Việt Nam, trong đó có lao động của tỉnh ta cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc nhiều lần với các lý do không chính đáng ngày càng tăng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại nước bạn và ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước.

Giúp người lao động khắc phục khó khăn, các ngành chức năng, các cơ sở dạy nghề, dạy tiếng cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề và trình độ tiếng Hàn cho người lao động. Để không bị cò mồi lừa đảo, người lao động cần đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) để tìm hiểu kỹ thông tin. Các ngành chức năng cần công khai, minh bạch các thông tin, thủ tục và chính sách tuyển dụng lao động sang làm việc tại Hàn Quốc để người lao động có thể tra cứu, nắm bắt”. Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân đều biết về cơ chế, chính sách, cách tuyển chọn lao động, tái tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài nói chung và ở Hàn Quốc nói riêng. Đối với những lao động sắp hết thời hạn hợp đồng, cần động viên, yêu cầu gia đình khuyên nhủ con em về nước đúng hạn. Áp dụng biện pháp hạn chế người lao động ở các xã, phường có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp đăng ký tham gia dự kiểm tra tiếng Hàn và làm hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Các cơ quan chức năng cần thay đổi cơ chế tuyển chọn lao động, vì hiện nay, nhiều lao động đã qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn nhưng phải chờ đợi trong thời gian dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của người lao động. Cần có chính sách hỗ trợ người lao động khi về nước đúng hạn như: đào tạo nghề, vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ tìm việc; thành lập quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lao động khi về nước đúng thời hạn và quỹ chống trốn. Ngoài ra, cần có thêm chính sách của địa phương như: đối với những xã có từ 3 lao động cư trú bất hợp pháp, hay với dòng họ có từ 2 lao động cư trú bất hợp pháp trở lên là tạm dừng không tuyển người lao động của xã, dòng họ đó.

VIỆT CƯỜNG