Bất bình đẳng giới, chị em có lỗi không?
Đời sống - Ngày đăng : 10:41, 07/03/2012
Người ta quen với việc một người đàn ông hết giờ đi làm về, cùng bạn bè la cà trong quán bia đến tối mịt mới về. Trong những quán bia như thế, có rất ít phụ nữ. Trong gia đình, người ta cũng thường dạy con trai thì phải mạnh mẽ; con gái thì phải biết nấu ăn, biết giặt giũ, biết dọn dẹp nhà cửa v.v… Có thể kể ra vô vàn những ứng xử bất bình đẳng giới trong xã hội.
Hãy xem một quảng cáo một loại gia vị: Người vợ nhờ có gia vị mà nấu được món ăn ngon, người chồng đi làm về, com - lê cà vạt, nếm món ăn rồi khen vợ đảm, gia đình thật ấm cúng.
Hay xem quảng cáo một loại bột giặt: Cũng lại người vợ, nhờ có bột giặt tốt mà nhàn hơn trong công việc giặt giũ, giúp cho quần áo của cả nhà sạch sẽ thơm tho… Đến ngay như việc cử cán bộ đi họp các cuộc họp về bình đẳng giới hay lồng ghép giới, các cơ quan, đơn vị cũng thường cử một chị nào đó đi, khiến cho các cuộc họp này không còn là cuộc họp về giới (vốn là của cả hai giới nữa) mà đã thành cuộc họp của chị em phụ nữ (Tôi đã từng dự một số cuộc họp như thế, thấy mười chị thì may có một anh dự họp).
Rõ ràng những ứng xử bất bình đẳng kiểu này hoàn toàn không phải do thiên chức hay sinh lý của người phụ nữ khác với nam giới, mà hoàn toàn là do định kiến của xã hội gây ra.
Phải khẳng định rằng, từ khi có Đảng đến nay, sự nghiệp bình đẳng giới ở nước ta đã tiến được những bước dài gấp vạn lần so với suốt cả ngàn năm trước đó dưới chế độ phong kiến. Ngày xưa, phụ nữ còn không được đi học. Ngày nay chúng ta có nhiều phụ nữ làm thầy, là giáo sư, dạy cho cả nam giới.
Tuy vậy, so với các nước phát triển, chúng ta còn kém họ nhiều. Vì vậy, nhiều tiềm năng sáng tạo của phụ nữ Việt Nam không được phát huy, làm chậm quá trình phát triển của đất nước.
Nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới, tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ trong rất nhiều công việc và hoàn cảnh khác nhau đã được rất nhiều các nhà khoa học và quản lý đề cập do tàn dư của xã hội phong kiến hàng ngàn năm còn sót lại ở nước ta; vì nam giới muốn duy trì sự bất bình đẳng trong nhiều công việc và hoàn cảnh; vì hệ thống luật pháp còn cần được hoàn thiện hơn nữa,…
Vậy thì có hay không, nguyên nhân xuất phát từ chính các chị em phụ nữ, vốn rất hay lên án (vì bị chịu thiệt) sự bất bình đẳng, lại đang vô tình hay cố ý làm cho sự bất bình đẳng ngày càng khó mà xóa bỏ đi được?
Nói vậy thì chắc chị em sẽ phản đối. Nhưng có một thực tế là, khi hỏi hầu hết chị em về tiêu chuẩn của người mà mình sẽ yêu và sẽ lấy làm chồng thì đều có một điểm chung trong câu trả lời: Người đó nói chung phải hơn mình về trí tuệ, khả năng kiếm tiền hay một số tố chất khác. Đa số đàn ông không buồn rầu vì vợ mình không thông minh, giỏi giang bằng mình, nhưng đa số phụ nữ lại buồn rầu vì chồng mình không giỏi giang thành đạt (về xã hội) bằng mình.
Điều này dẫn đến quan niệm phổ biến trong xã hội là chồng thì phải giỏi giang hơn vợ. Tư tưởng này ở cả đàn ông và phụ nữ thì đều có, nhưng tác động của nó tới sự bất bình đẳng giới thì không như nhau. Việc người đàn ông có thể dễ dàng yêu người phụ nữ kém tài hơn mình nhiều không gây ra sự bất bình đẳng giới, nhưng việc người phụ nữ rất khó khăn trong việc yêu và kết hôn với một người đàn ông kém cỏi hơn mình thì thực sự là một nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng giới, vì nó tạo ra một tâm lý xấu phổ biến cho xã hội. Người ta cho rằng, đã là vợ thì phải nghe theo chồng (vì chồng thường giỏi giang hơn). Điều này dẫn đến thói quen là cả những ông chồng chẳng giỏi giang gì hơn vợ cũng nghiễm nhiên có quyền bắt vợ phải nghe theo mình (như các ông chồng khác) một cách rất bất công.
Đã đến lúc cả xã hội, nhưng trước hết chị em phải tự giải phóng mình khỏi quan niệm này. Tình yêu và hôn nhân phải lấy sự hòa hợp tâm hồn, tình cảm, quan niệm sống làm yếu tố cơ sở quan trọng bậc nhất. Trí tuệ, tài năng tất nhiên không nên quá chênh lệc, song không nên đặt vấn đề ai phải hơn ai. Đã yêu thương nhau mà kết hôn, thì tài năng của ai cũng phải là để xây dựng hạnh phúc chung cho gia đình mà thôi. Tất nhiên ai có được người chồng (hay vợ) có tài trí hơn mình thì cũng là người may mắn cả; chồng hay vợ có “cái đầu” hơn cũng là quý cho gia đình mình cả, rất không nên phân biệt.
Là đàn ông, anh em khó mà chinh phục nổi người phụ nữ thông minh, tài giỏi hơn mình. Nhưng chị em hãy nhớ rằng người đem lại hạnh phúc hơn cho ta không phải luôn luôn là người thông minh, giỏi giang hơn về một mặt nào đó. Hạnh phúc có được là nhờ tổng thể các điều kiện chứ không dựa vào một vài yếu tố nào. Đừng để định kiến sai lầm làm mất đi cơ hội có được hạnh phúc đích thực.
Cuộc chiến chống bất bình đẳng giới (mà sự bất bình đẳng ấy đang gây thiệt thòi quá lớn cho phụ nữ) cần sự vào cuộc của toàn xã hội; và để có bình đẳng giới thật sự thì cần rất nhiều thời gian và điều kiện, trong đó có điều kiện rất quan trọng là chị em phụ nữ phải tự vượt qua định kiến của chính bản thân mình.
Trần Văn Sỹ(VnM)