"Khoảng cách giới vẫn còn tồn tại ở mọi lĩnh vực"

Đời sống - Ngày đăng : 21:57, 07/03/2012

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội thừa nhận khoảng cách giới vẫn còn tồn tại mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.



Buổi đối thoại chính sách về bình đẳng giới. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Sáng 7-3, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên hiệp quốc tại Việt Nam tổ chức “Đối thoại chính sách về Bình đẳng giới” nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3.

Tham dự buổi đối thoại có hơn 200 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia từ các bộ, ngành và các cơ quan trung ương.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng về bình đẳng giới tại Việt Nam như: An sinh xã hội với lao động nữ nông thôn, các giải pháp nâng cao quyền năng của phụ nữ nông thôn đảm bảo quyền và lợi ích cho phụ nữ nông thôn, những hoạt động can thiệp của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhằm hỗ trợ phụ nữ nông thôn…

Phát biểu tại buổi đối thoại, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ Trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định: Đảng và nhà nước Việt Nam đã và đang quyết tâm thực hiện bình đẳng giới một cách thực chất thông qua việc hoàn thiện khung luật pháp, tăng cường lồng ghép giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015.

Hiện nay, Phụ nữ Việt Nam chiếm 48% trong tổng số lao động có việc làm. 33% các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ có nữ lãnh đạo chủ chốt. Tỷ lệ nữ tiếp cận các dịch vụ y tế, nước sạch ngày càng tăng, trẻ em gái được đi học ngày càng nhiều…

Tuy nhiên Bộ trưởng cũng nhận định, khoảng cách giới vẫn còn tồn tại mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới của người dân còn hạn chế. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em nữ vùng sâu xa còn chịu nhiều thiệt thòi so với ở khu vực thành thị về cả cơ hội học tập, việc làm, cơ hội thông tin và thụ hưởng các thành quả của công cuộc đổi mới đất nước.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói: “Việc đảm bảo các quyền tiếp cận bình đẳng trong các lĩnh vực cho phụ nữ nông thôn là một trong những chiến lược quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và pháp triển bền vững quốc gia.”

Tại buổi đối thoại, bà Pratibha Metha, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải củng cố các điều luật và chính sách hiện hành về bình đẳng giới.

Bà Metha nói: “Việt Nam đã xây dựng được một khuôn khổ chính sách và pháp luật ấn tượng để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Bây giờ là lúc hành động để triển khai và củng cố những chính sách, pháp luật này ở cấp địa phương.”

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và Liên Hợp Quốc tại Việt nam tiếp tục cam kết cùng nhau hợp tác hỗ trợ việc thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và đảm bảo rằng phụ nữ và trẻ em gái nông thôn là một trong những nội dung ưu tiên của các chính sách và chương trình trong thời gian tới.

Hồng Kiều (Vietnam+)