Giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng NTM

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:54, 11/03/2012

Một trong những mục tiêu xây dựng nông thôn mới là tăng thu nhập cho người dân và xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn.

Song cũng có không ít người đã bày tỏ sự lo ngại trước xu thế hiện đại hóa nông thôn có thể làm phá vỡ nền tảng văn hóa truyền thống làng xã đã tồn tại hàng nghìn năm qua. Nó được thể hiện trong mỗi gia đình với gia phong đã được chuẩn mực hóa từ lâu. Nó còn được thể hiện bởi một nền văn học dân gian phong phú, cuộc sống lễ hội sống động... Những giá trị truyền thống ấy chính là cội nguồn sức mạnh từ hàng nghìn năm nay của dân tộc ta, đất nước ta. Chính nhờ văn hóa nông thôn đó mà suốt một nghìn năm Bắc thuộc, họ mới không đồng hóa ta được. Nó là pháo đài vững chắc chống sự xâm lăng của kẻ thù thời kỳ chiến tranh và là "bức tường lửa" ngăn chặn các tệ nạn và thói xấu từ bên ngoài vào trong nếp sống hiện đại ngày nay. Trong khi đó, bản thân mỗi người dân đều mong muốn giữ được những nét đẹp truyền thống xưa trong bộ mặt NTM của mình.

Cần nhìn nhận một cách hết sức thiết thực và cụ thể rằng, nhà cửa nông thôn có thể rất đẹp, đời sống nông thôn có thể gần ngang bằng thành thị nhưng đời sống ở nông thôn là gắn với ruộng đồng, chuồng trại chăn nuôi, khác hẳn với đời sống thành thị. Vì vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn không phải là "bê-tông hóa" tất cả. Nó vẫn phải giữ lại những phong tục tập quán, những di tích của làng xã, nhà thờ họ, những ngôi nhà cổ hàng trăm năm, những nơi mang tính truyền thống như cây đa, giếng nước, cổng làng, đền chùa... Vì những cái đó là đặc điểm riêng của nông thôn Việt Nam, không thể xóa bỏ đi mà thay vào đó là công viên hay tàu điện ngầm được. Xây dựng mới những không có biện pháp bảo tồn, giữ gìn truyền thống văn hóa, cảnh quan làng xã thì chúng ta có nguy cơ phá vỡ nền tảng văn hóa truyền thống quý giá này.

Khi làm quy hoạch xây dựng NTM với triết lý phát triển không thể quên yếu tố "nông dân". Người kiến trúc sư phải có những kiến thức sâu và rộng về cội nguồn của văn hóa làng xã, của cái đối tượng mà ta sẽ phải nghiên cứu và hoạch định nó trong từng nét bút. Xây dựng NTM để người nông dân được sống trong môi trường tự nhiên trong lành, giữ được tình nghĩa cộng đồng, đồng thời được hưởng những giá trị ưu việt của văn minh đô thị. Phải theo đúng các tiêu chí đã quy định và phù hợp với điều kiện từng nơi. Đặc biệt, việc nâng cấp điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sạch, các công trình văn hóa... cần cân nhắc kỹ lưỡng, không thể nóng vội.

Mặt trái của cơ chế thị trường cùng những sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đang hằng ngày xâm nhập vào các gia đình làm suy đồi đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các tệ nạn xã hội đang len lỏi đến tận vùng quê, nhất là những nơi bị thu hồi ruộng đất, nông dân chưa có việc làm. Quá trình đô thị hóa thiếu quy hoạch cũng đang phá vỡ cảnh quan gắn bó với thiên nhiên của làng quê. Đô thị hóa cùng với các khu công nghiệp mọc lên khiến cho không ít vùng nông thôn bị ô nhiễm môi trường.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững, giữ được diện mạo, môi trường lành mạnh của làng quê, đồng thời xây dựng người nông dân mới vừa có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến vừa có bản lĩnh, cốt cách của con người Việt Nam là trách nhiệm của mọi người trong xã hội, mà bước đi đầu tiên là của các nhà quản lý và các nhà kiến trúc.

SƠN TRÀ