Sợ chất cấm, người dân quay lưng với thịt lợn

Thị trường - Ngày đăng : 09:12, 14/03/2012

Dù đã giảm giá và luôn miệng giới thiệu "thịt lợn quê bảo đảm " nhưng phản thịt của chị Trung (chợ xóm Xếp, Cầu Diễn, Hà Nội) vẫn ế ẩm...

Ảnh: Nam Phương.
Lo sợ thịt lợn không an toàn, nhiều người tiêu dùng ngần ngại khi lựa chọn thực phẩm này

"Mấy hôm nay ế quá, nếu cứ như vậy chắc phải tìm việc khác làm mất", cặp vợ chồng trẻ mặt buồn thiu trước phản thịt ê hề tại chợ cóc xóm Xếp, Cầu Diễn, Hà Nội, nói.

Chỉ là một chợ cóc phục vụ cho dân cư mấy ngõ nhỏ xung quanh, nhưng thường ngày, vào buổi sáng và cuối giờ chiều, chợ luôn tấp nập, và 6-7 hàng thịt lợn thường hết veo vào khoảng 6 rưỡi tối. Nhưng hôm qua, tới sát giờ này, hầu như hàng thịt lợn nào cũng vẫn còn ề hề, mặc dù giá đã giảm khá sâu, thăn từ 12 nghìn đồng một lạng xuống còn 10-11 nghìn, ba chỉ, mông cũng chỉ còn 9 nghìn đồng thay vì 10-11 nghìn như trước... Tương phản với cảnh ế ẩm ở các hàng thịt lợn, những sạp bán tôm, cá... tấp nập hơn hẳn.

Tình trạng này được ghi nhận ở không ít chợ tại thủ đô. Thực tế, trước thông tin nhiều mẫu thịt lợn tại TP HCM nhiễm chất tạo nạc bị cấm, không ít bà nội trợ lo lắng. Không thể phân biệt được thịt lợn độc hại, nhiều người chọn cách hạn chế ăn, thậm chí “tẩy chay”, có người thay thế bằng thịt gà, thịt bò, cá...

Sáng nào trước khi đi làm, chị Hân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đi chợ mua thịt, rau về bỏ tủ lạnh để tối nấu. Trong đó, thịt lợn là món ăn thường xuyên vì có thể chế biến được nhiều món, giá cả lại không qua đắt so với các loại thịt khác. Một tuần nhà chị có 3-4 bữa ăn thịt lợn. Thế nhưng từ sau khi có thông tin thịt lợn nhiễm chất siêu nạc độc hại, mỗi lần đi chợ chị không dám mua thịt lợn nữa mà phải tính toán túi tiền xem hôm nay ăn thịt bò hay thịt gà...

“Cứ tưởng đơn giản thế mà hoá nhức đầu. Thịt bò thì đâu phải rẻ, 18.000 đồng một lạng, một bữa cả nhà ăn cũng phải 2-3 lạng mà đấy chỉ là mua để xào thêm chứ không phải món mặn chính. Nhưng quan trọng là ăn nhiều cũng thấy ngán”, chị Hân thở dài nói.

Còn chị Xuân (Đội Cấn, Hà Nội) thì chọn cách nhờ bố mẹ mua thịt lợn ở quê rồi gửi xuống. “Ở chợ, thịt lợn xẻ rồi chả biết thế nào mà lần. Thế nên tôi cứ nhờ bố mẹ ở quê để ý xem nhà nào chuẩn bị bán lợn, mà thấy nuôi đảm bảo thì mua cho một vài cân, cất tủ lạnh ăn dần. Lúc nào nhỡ quá thì vào siêu thị mua”, chị Xuân nói.

Người phụ nữ này cho rằng, nếu không biết đâu là thịt lơn an toàn thì tốt nhất chọn cách an toàn là không ăn.

Có những bà nội trợ khác thì chọn cách chuyển sang ăn cá, đậu phụ, tôm… hoặc chọn mua loại thịt có nhiều mỡ.

Một khảo sát mới đây về phản ứng của người tiêu dùng trước tin lợn được nuôi bằng bột siêu nạc cũng cho thấy xu hướng này.

Trong gần 1.700 người được hỏi thì hơn một phần ba khẳng định sẽ tẩy chay thịt lợn chợ, chỉ mua hàng có thương hiệu. Bên cạnh đó, hơn một ba số độc giả chọn cách giảm ăn thịt lợn tối đa, kể cả thịt lợn siêu thị, còn 1/5 nói sẽ không ăn thịt lợn mà chuyển qua món khác, chỉ có khoảng 10% số người tham gia cho rằng vẫn phải ăn vì đó là thực phẩm quan trọng.

Thực tế, sức mua thịt lợn ở các chợ tại Hà Nội đã giảm mạnh. Giá cũng bắt đầu giảm 10-15% so với trước và sau Tết chỉ trong những ngày qua.

Chị Yến, một người bán thịt lợn tại chợ Vĩnh Tuy cho biết, trước kia một ngày chị lấy đến 2 con lợn và chỉ bán từ đầu buổi sáng đến hơn 10h là hết veo. Thế nhưng, mấy ngày gần đây có rất ít người hỏi mua.

“Có hôm lấy có một con lợn mà ngồi từ sáng đến quá trưa mới hết, mà đôi lúc toàn phải gọi người quen mua hộ. Dù mình đã nói đi nói lại là thịt lợn này đảm bảo, không cho ăn bột siêu nạc nhưng nhiều nhiều người vẫn lắc đầu bỏ đi”, chị Yến buồn bã nói.

Vấn đề thịt lợn nhiễm chất tạo nạc cũng là một chủ đề “nóng” tại buổi họp ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 13/3.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: “Không phải tất cả thịt lợn, kể cả thịt nạc tiêu thụ trên thị trường hiện nay đều nhiễm chất cấm. Các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn mà chúng tôi kiểm tra đều không phát hiện”.

Cũng theo ông, thời gian vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện một số đại lý bán thuốc và một số cơ sở chăn nuôi lợn sử dụng những chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, đây là kết quả giám sát tại một số tỉnh miền Nam. Vì thế, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi tiếp tục đi kiểm tra, lấy mẫu để đánh giá một cách chính xác hơn.

“Chúng tôi hy vọng cuối tháng này sẽ có kết quả công bố chính xác tỷ lệ nhiễm chất cấm trên đàn lợn hiện nay. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, đến cùng các cơ sở chăn nuôi, buôn bán chất cấm này”, ông Sơn nói.

Các chất kích thích tăng trưởng gốc B- Agonist chủ yếu là Sallbutamol, Clenbuterol... đều là những chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ở Việt Nam, Salbutamol đã bị cấm dùng từ năm 2002 vì có thể gây rối loạn chức năng tim phổi nếu con người ăn phải thực phẩm có tồn dư lớn chất này. Còn Clenbuterol sử dụng trên gia cầm kích thích đẻ trứng, cho lợn ăn để tăng trọng nhanh...

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công Nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, hầu hết thịt lợn bán ngoài thị trường đều rất nạc và người dân không thể biết thịt nào là an toàn. Thực tế, có giống lợn siêu nạc trong chăn nuôi và loại thịt này cũng rất nạc, nhưng khác với lợn thông thường được cho ăn “bột siêu nạc”.

Từ những năm 1974, Việt Nam đã nhập những giống lợn siêu nạc, nếu chăm nuôi tốt tỷ lệ nạc đạt đến 56-58%. Còn chất tạo nạc thì mới xuất hiện gần đây.

Việc phân biệt hai loại thịt lợn này không hề đơn giản. Tuy nhiên, theo phó giáo sư Thịnh, loại thịt lợn “bẩn” tích nước nhiều, có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, trơn láng, độ săn chắc kém (do mô mỡ biến thành mô nạc). Thịt ít mỡ, nạc sát da. Tại bắp vai, đùi cho thấy lượng thịt phát triển bất thường, thịt u lên, màu đỏ au giống màu đỏ của thịt bò.

Khi đi chợ, chị em nên nên chọn miếng thịt tươi ngon: màng ngoài khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Các thớ thịt đều.

Phương Trang (VnE)