Hiệu quả thiết thực của quỹ nhân đạo
Việc tử tế - Ngày đăng : 07:35, 15/03/2012
Chương trình hỗ trợ vốn sản xuất đã giúp hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo, có vốn tái đầu tư vào sản xuất, nhờ đó đời sống ngày càng ổn định...
Bà Nguyễn Thị Sen ở phường Sao Đỏ (thị xã Chí Linh) thoát nghèo nhờ nguồn vốn
hỗ trợ của quỹ nhân đạo
Từ nguồn quỹ nhân đạo, trong những năm qua, Hội CTĐ các cấp đã tặng vốn sản xuất không hoàn lại hoặc tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay từ 2 - 4 triệu đồng trong thời gian 2 năm không lấy lãi. Chương trình hỗ trợ vốn sản xuất của Hội CTĐ các cấp trong tỉnh đã giúp hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo, có vốn tái đầu tư vào sản xuất, nhờ đó thu nhập và đời sống ngày càng ổn định.
Thông qua dự án Ngân hàng bò (do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam triển khai) và trích từ nguồn quỹ nhân đạo, đến nay, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã hỗ trợ vốn sản xuất, tặng bò sinh sản cho 55 gia đình nghèo thuộc các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách… với tổng trị giá trên 300 triệu đồng. Chị Lê Thị Khánh ở thôn Đồng Xuyên, xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) bị câm điếc từ nhỏ do ảnh hưởng của chất độc da cam cũng là một trong những người được hỗ trợ kịp thời. Ông Vũ Đăng Khoa, bố chị Khánh xúc động: “Cháu Khánh năm nay đã gần 40 tuổi, cuộc sống gặp không ít khó khăn do bản thân sức yếu, lại không có vốn để phát triển sản xuất. Hội CTĐ huyện Cẩm Giàng đã tặng bò sinh sản cho gia đình với số vốn ban đầu là 7 triệu đồng.Từ ngày được hỗ trợ, cuộc sống của con gái tôi bớt khó khăn”.
Thị xã Chí Linh phát động xây dựng quỹ nhân đạo
Công tác xây dựng quỹ nhân đạo trong những năm qua thực hiện theo phương châm “phân cấp, phân tuyến, phân quyền” và “vận động theo địa chỉ”, đưa công tác vận động, xây dựng, quản lý, sử dụng quỹ vào nền nếp với nguyên tắc công khai, dân chủ, giúp đỡ đúng đối tượng. Các cấp hội đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể. Một số mô hình gây quỹ hiệu quả đã hình thành, điển hình như phong trào “Hũ gạo tình thương” phát huy nội lực của cộng đồng làng xã, phong trào “Tuần lễ tấm lòng vàng”, “Áo lụa tặng bà”… hay thông qua hình thức tiết kiệm, đặt hòm quỹ tại khu danh lam thắng cảnh, đền, chùa, siêu thị, giao lưu văn nghệ “Nối vòng tay lớn”… Những hình thức vận động trên đã giúp đỡ gần 60 nghìn lượt đối tượng học sinh nghèo vượt khó, nạn nhân chất độc da cam, gần 3 tỷ đồng cùng nhiều sách vở, đồ dùng học tập khác.
Tuy nhiên, trên 10 năm nay, Hội CTĐ các cấp chưa tổ chức vận động xây dựng quỹ tập trung nên nguồn quỹ hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu của các hoạt động nhân đạo, tỉnh ta quyết định phát động xây dựng quỹ nhân đạo sâu rộng ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Đây là đợt vận động nhằm phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, để giúp đỡ các đối tượng dễ bị tổn thương về vật chất và tinh thần, giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng.
MINH HẠNH - VIỆT CƯỜNG