Thu hút FDI: Cảnh giác những cái "bẫy"
Kinh tế - Ngày đăng : 08:39, 16/03/2012
Ông Nguyễn Xuân Trung, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: “Ở Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) giữ vị trí rất quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội khi nó đóng góp tới 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 19% GDP của đất nước, khoảng 40% giá trị sản lượng công nghiệp (2006-2010). Trong thời gian tới, khi các nguồn đầu tư gián tiếp không ổn định do tình hình kinh tế thế giới phức tạp, ODA có xu hướng giảm dần do Việt Nam đã gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình, thì FDI vẫn là nguồn vốn quốc tế quan trọng nhất đối với Việt Nam”. Tuy nhiên, không vì thế mà Việt Nam thu hút FDI bằng mọi giá.
Từ khát vọng phát triển…
Bên cạnh tiềm năng tự nhiên “trời phú” về tài nguyên khoáng sản, vị trí địa kinh tế, danh thắng và các kỳ quan thiên nhiên,… theo nhiều chuyên gia, môi trường đầu tư tại Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bằng xu thế xã hội.
Nhân lực dồi dào đang là một sức hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, TGĐ Investconsult Group cho rằng: “Sự đòi hỏi phát triển đã trở thành khát vọng phổ biến của xã hội Việt Nam hiện nay. Đây là một trong những đặc điểm xã hội quan trọng nhất tạo ra sự hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam”.
Ông Bạt lý giải, đầu tiên là khát vọng tiêu dùng. Các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để song hành vừa khai thác nhân công giá rẻ, vừa đón đầu thị trường tiêu dùng, vì thu nhập của người Việt Nam tăng lên làm cho sức mua của thị trường tăng lên và ngày càng hấp dẫn hơn, nhất là dân số Việt Nam đã xấp xỉ 90 triệu người.
Hơn thế, người Việt Nam đang có xu hướng "công nhân hóa" để thành người lao động trong những lĩnh vực công nghiệp, không mặn mà làm nông nghiệp nữa. Đồng thời, người Việt ngày càng "chịu chơi" hơn, đầu tư mua sắm phục vụ cuộc sống tiện nghi ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam, trong đó ngoài việc ban hành nhiều văn bản pháp luật về đầu tư, Việt Nam thường có những ưu đãi đặc biệt.
Trong câu chuyện về ưu đãi đặc biệt này, ông Phúc cho biết một thực tế rằng, chính sách pháp luật về đầu tư của Việt Nam cho phép các địa phương được tự chủ trong thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (trừ trường hợp đặc biệt). Từ đó, các tỉnh, thành đua nhau cạnh tranh kéo vốn FDI về mình. Cho nên, họ tung ra những ưu đãi đặc thù theo từng địa phương. Trong đó, nổi lên là cho thuê đất giá rẻ, ưu đãi thuế, hỗ trợ pháp lý tốt, nỗ lực cải cách hành chính, thậm chí có hiện tượng dễ dãi trong thẩm định, phê duyệt dự án…
Đến những cái bẫy...
Các chuyên gia cho rằng, môi trường đầu tư tại Việt Nam có nhiều hấp dẫn nên đã kéo được nhiều nhà đầu tư. Song, dòng chảy đầu tư này, bên cạnh những mặt tích cực, luôn tiềm ẩn những rủi ro cho Việt Nam.
PGS Phùng Xuân Nhạ, Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích: Nguồn nhân lực tại Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được các nhà đầu tư. Nhưng không vì thế mà dựa vào nhà đầu tư để họ đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao để phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, mà phải do Chính phủ Việt Nam đứng ra làm.
Bởi vì, nếu chúng ta tập trung vào đào tạo lao động kỹ thuật theo tính chất dạy nghề, đáp ứng nhu cầu trước mắt của các nhà đầu tư nước ngoài thì nếu không khéo, chúng ta sẽ thành một công xưởng của thế giới. Cạnh đó, công nghệ phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển, chưa hình thành được các chuỗi giá trị gia tăng nên sản phẩm sản xuất ra nhiều nhưng giá rất cao.
KCN mọc lên nhiều, đất dành cho sản xuất nông nghiệp sẽ giảm đi |
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội thì cảnh báo: Cần sớm điều chỉnh cơ chế về phân cấp đầu tư. Vì thực tế hiện nay, các địa phương đua nhau thu hút FDI, tạo những ưu đãi đặc biệt cho nhà đầu tư nước ngoài nên có ảnh hưởng đến các nhà đầu tư trong nước. Hơn nữa, cạnh tranh thu hút đầu tư ồ ạt, thậm chí có nơi giữ chân nhà đầu tư bằng mọi giá nên lạm dụng chính sách ưu đãi, chiều ý doanh nghiệp chọn địa thế nên lấy đi nhiều đất nông nghiệp chuyển sang cho công nghiệp,... Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, "trong dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam có thể có rất nhiều cái bẫy, những cái bẫy khổng lồ mà bất kỳ một người không chuyên nghiệp nào đều có thể rơi vào". Vì theo ông Bạt, chúng ta nghĩ là chúng ta cần tiền, chúng ta gọi vốn để cho tiền vào Việt Nam, nhưng tiền vào Việt Nam có thể làm giàu người Việt mà cũng có thể làm bẩn người Việt. Vậy đồng tiền nào thì làm giàu, đồng tiền nào thì làm bẩn chúng ta phải phân biệt được và phải có công nghệ lọc. Ông Bạt còn đặc biệt nhấn mạnh: "Trong khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta cũng phải sớm nhìn thấy việc Việt Nam có nguy cơ trở thành một bãi thải tất yếu của các vấn đề về môi trường, về công nghệ, về lao động. Sẽ có những dòng di chuyển lao động từ chính các quốc gia bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam thông qua các dự án khai thác tài nguyên trên quy mô lớn. Đấy là một trong những sự dịch chuyển của bốn dòng chảy tiêu cực từ những nền kinh tế phát triển. Dòng chảy thứ nhất là ô nhiễm môi trường, dòng chảy thứ hai là công nghệ lỗi thời, dòng chảy thứ ba là lao động, và cuối cùng, nghiêm trọng hơn cả là dòng chảy của những kinh nghiệm điều hành đã bị thải loại nhằm kìm hãm chúng ta ở một trạng thái để ba dòng chảy trên có thể đến được Việt Nam". Đồng quan điểm, GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cũng cảnh báo: Việt Nam gia tăng thu hút FDI nhưng còn lỏng lẻo trong kiểm soát chất lượng đầu tư công nghệ nên vẫn còn một số nhà đầu tư nước ngoài đã đưa vào nước ta máy móc, thiết bị lạc hậu đã qua sử dụng, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.
Có doanh nghiệp FDI còn hạch toán tăng giá đầu vào, giảm giá đầu ra, thậm chí khi bán cho công ty mẹ đã bán thấp hơn nhiều so với giá thành gây ra “ lỗ giả”, trốn thuế. Một số chủ doanh nghiệp FDI còn không tôn trọng quyền hợp pháp của người lao động về giờ làm việc, tiền lương, tiền thưởng, sinh hoạt vật chất và tinh thần.
Trong khi đó, xảy ra tình trạng dễ dãi trong lựa chọn nhà đầu tư, khu công nghiệp, khu kinh tế được xây dựng quá nhiều, không có mối liên kết vùng, gần như cùng một mô hình, tùy thuộc vào sự lựa chọn dự án của nhà đầu tư, gây ra tình trạng lãng phí đất đai, không thu được hiệu quả kinh tế- xã hội cần có.