Quản chặt VĐV ở nước ngoài 'khó như ... lên giời'

Trong nước - Ngày đăng : 14:26, 21/03/2012

Các cán bộ nhận nhiệm vụ đưa các đội tuyển ra nước ngoài tập huấn luôn sống trong tâm trạng lo ngay ngáy và chỉ thở phào nhẹ nhõm khi toàn đội về đến Việt Nam an toàn.
>>
>>

Đội tuyển rowing quốc gia lần đầu tiên dính scandal VĐV bỏ đội ở nước ngoài. Ảnh: Nguyễn Quang.

Trong vòng 10 năm qua, làng thể thao Việt Nam đã có 13 trường hợp VĐV bỏ trốn trong các chuyến tập huấn nước ngoài. Vật là đội tuyển có nhiều VĐV trốn đi nhất - 8 người. Rowing - môn thể thao vừa có 2 VĐV bỏ đội ở lại Australia trong chuyến tập huấn kết thúc ngày 11-3 - lần đầu tiên vướng phải sự cố kiểu này.

Mỗi lần xảy ra chuyện VĐV bỏ trốn, ngành thể thao đều coi là scandal. Việc những người bỏ trốn khi đang làm nhiệm vụ dưới màu cờ sắc áo của Tổ quốc gây ra phản ứng mạnh gấp đôi so với một trường hợp tìm đường mưu sinh thông thường.

Không chỉ ảnh hưởng đến niềm tự hào của các thành viên đội tuyển quốc gia đối với nhiệm vụ mà họ đang thực hiện, hủy hoại những hy vọng thành công mà thể thao Việt Nam đang ấp ủ, hiện tượng này còn khiến dư luận đặt dấu hỏi về chế độ, cuộc sống của các VĐV đỉnh cao và là nỗi ám ảnh đối với những cán bộ thể thao nhận nhiệm vụ trực tiếp quản lý VĐV.

Ông Nguyễn Hải Đường, Trưởng bộ môn Đua thuyền (Tổng cục TDTT) cho biết ở Australia, đội tuyển đã cố gắng phân chia trách nhiệm quản lý VĐV cho hợp lý. Thành phần đội tuyển đi tập huấn được cơ cấu gọn nhẹ, gồm một HLV, tám VĐV cộng với chuyên gia người Australia Zoedonne đã chờ sẵn ở Sydney với vai trò người giúp đỡ đội tuyển trong mọi vấn đề di chuyển, ăn ở và tập luyện tại đây.

Trong sinh hoạt, ngoài HLV Đỗ Mạnh Tùng quản lý chung, đội nam 4 người do VĐV kỳ cựu Nguyễn Văn Nguyên - tuổi và thời gian gắn bó với đội tuyển cũng ngang ngửa HLV Mạnh Tùng - tham gia quản lý và giám sát. Nhưng sự cố vẫn đến vào phút chót.

Chia sẻ khó khăn này, ông Vũ Sơn Hà, Trưởng bộ môn Karatedo nhận xét việc quản lý chặt VĐV 24/24 trong thời gian đi tập huấn và thi đấu quốc tế "khó như lên giời". Một mình HLV quay chóng mặt với nhiều mảng công việc, còn bản thân VĐV cũng cần có những lúc thư giãn và nghỉ ngơi riêng tư để hồi phục và lấy lại cảm hứng với buổi tập tiếp theo.

Ngay cả những nỗ lực giám sát VĐV trong sinh hoạt riêng như siêu thị hoặc dạo phố của các HLV cũng cho thấy sự vô hiệu. Đội tuyển vật từng mất người khi VĐV lấy cớ xin đi vệ sinh giữa siêu thị để trốn. Thực tế này cho thấy vấn đề quan trọng và cốt lõi nhất chính là ý thức và trình độ hiểu biết của VĐV trước vấn đề nhập cư và pháp luật của nước sở tại.

Những người cán bộ quản lý thể thao coi việc VĐV bỏ trốn là một nỗi ám ảnh trong nghề nghiệp. Trong quá khứ, khi chuyện xảy ra, các HLV đều bị kiểm điểm và phân trách nhiệm nặng. Sau chuyến tập huấn dài ngày trở về, họ thêm mệt mỏi vì phải dự những cuộc giải trình, gặp gỡ các bên và cả những cuộc họp phê bình của cấp quản lý cứ thế nối tiếp nhau.

Ông Đỗ Đình Kháng, Trưởng bộ môn Cử tạ cho biết: "Ai cũng bảo chúng tôi sướng, suốt ngày đi đây đi đó. Sự thực là lần nào nhận nhiệm vụ dẫn đội tuyển đi tập huấn hay thi đấu, lần ấy chúng tôi sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng không yên. Bao nhiêu chuyện có thể xảy ra kể từ lúc nhận việc. Chỉ đến khi cả đoàn đi tới nơi, về tới chốn mới có thể thở phào nhẹ nhõm rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ".

Anh Hoàng (VnE)