Cơ quan quản lý vẫn "bó tay"!

Công nghiệp - Ngày đăng : 14:33, 21/03/2012

Việc tìm ra các giải pháp chống chuyển giá nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng đầu tư đang là nhiệm vụ bức xúc đặt ra cho các Bộ, ngành và cơ quan quản lý.

Nhiều doanh nghiệp may mặc FDI khai báo lỗ. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet


Những báo cáo lỗ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng phổ biến đến mức khó hiểu nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được bằng chứng cụ thể để kết luận chính xác hành vi gây thiệt hại kinh tế rất lớn này.

Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp chống chuyển giá nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng đầu tư đang là nhiệm vụ bức xúc đặt ra cho các Bộ, ngành và cơ quan quản lý.

Nhiều hình thức chuyển giá

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hiện có hơn 13.500 doanh nghiệp FDI, tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng hiện trong số này có nhiều doanh nghiệp đang kê khai lỗ và nợ thuế.

Các cuộc khảo sát doanh nghiệp FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư một số năm gần đây đều cho thấy, các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ hàng năm chiếm tỷ lệ trung bình tới trên 70%. Một số doanh nghiệp FDI có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cũng không đáng kể.

"Chúng tôi đã cùng với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan họp rất nhiều lần về vấn đề này, rồi lập ra đề cương, kế hoạch hành động nhưng khi tiếp cận vấn đề thực tế thì thấy không hề đơn giản", ông Hoàng giãi bày.

Theo TS Vũ Đình Ánh, chính vì Việt Nam cho phép ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp FDI, ưu đãi về tiếp cận đất đai, cho phép chuyển lỗ năm trước sang năm sau,… nên có không ít trường hợp doanh nghiệp FDI sau khi tận dụng hết những ưu đãi thì cũng đã hoàn vốn đầu tư, có lợi nhuận nên đã giải thể hoặc là chuyển hướng kinh doanh hoặc tiếp tục thua lỗ để không phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp từ những khoản đầu tư khổng lồ.

Chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng này, ông Ánh cho rằng, chuyển giá làm “đội giá” máy móc thiết bị và nguyên nhiên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp FDI đồng thời “phá giá” sản phẩm đầu ra khiến cho doanh nghiệp FDI bị thua lỗ giả tạo. Không ít trường hợp các doanh nghiệp liên doanh có vốn FDI liên tục thua lỗ (do chuyển giá) đã khiến cho phần vốn góp của phía Việt Nam (chủ yếu là góp vốn bằng quyền sử dụng đất) bị “bào mòn”, thậm chí mất hẳn, buộc phía Việt Nam phải nhượng lại phần vốn góp do không chịu nổi thua lỗ, biến doanh nghiệp liên doanh thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Trên thực tế, các hành vi chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI phức tạp hơn nhiều và không chỉ thông qua các giao dịch liên kết như lâu nay vẫn hiểu. Đã có doanh nghiệp FDI chuyển giá lãi bằng cách chuyển đổi thành công ty cổ phần và trong quá trình này họ đã định giá không xác thực tài sản, làm tăng lợi nhuận để niêm yết trên sàn chứng khoán; rồi lợi dụng việc chuyển đổi để “tư bản hóa tài sản”, bán bớt cổ phần, thậm chí chuyển toàn bộ vốn ra khỏi Việt Nam...

Rõ ràng, do tác động của chuyển giá mà hai mục tiêu quan trọng nhất trong thu hút FDI là vốn và công nghệ hiện đại lại không thực hiện được hay ít nhất là chỉ được thực hiện nửa vời. Bên cạnh đó, do lợi nhuận của nhà đầu tư FDI đã được hiện thực hóa thông qua chuyển giá nên nhà quản lý doanh nghiệp FDI cũng không có động lực nâng cao hiệu quả quản lý, cắt giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động.

Theo đó, mục tiêu quan trọng thứ ba trong thu hút FDI là góp phần nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp cũng khó trở thành hiện thực. Hơn nữa, vai trò tạo việc làm cho người lao động với thu nhập cao hơn cũng bị ảnh hưởng do doanh nghiệp FDI luôn ở tình trạng thua lỗ hay có lợi nhuận không đáng kể. Đó là cái cớ để doanh nghiệp FDI hạn chế tuyển dụng lao động và tăng lương cho người lao động mặc dù thực tế vẫn thu được lợi nhuận lớn nhưng lại báo cáo lỗ nhờ chuyển giá.

Lực bất tòng tâm

Theo ông Hoàng, chuyển giá của FDI giống như chuyện mà ai cũng biết, cũng thấy, cũng rõ như ban ngày, nhưng với quân số, kinh nghiệm của cán bộ rồi khung pháp lý Việt Nam hiện nay, xem ra lại là bài toán hóc búa, lực bất tòng tâm.

Ông nói: "Khi nhận định một doanh nghiệp cụ thể, mình đoán là đúng có chuyển giá thật nhưng muốn kết tội, phải có bằng chứng cụ thể. Tìm được bằng chứng lại là việc không đơn giản vì khi có hành vi gian lận thì họ rất tinh vi, còn ta thì thiếu nhiều thứ."

Cũng theo tâm sự của người đứng đầu cơ quan quản lý FDI này, ngay cả những cơ quan chuyên môn có nghiệp vụ như thuế cũng còn phải thừa nhận là vấn đề rất khó, không đơn giản.

Trong cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, bên cạnh những doanh nghiệp FDI làm ăn rất nghiêm túc thì vẫn có một số doanh nghiệp không trung thực trong khâu hạch toán kinh doanh, khai lỗ giả để trốn tránh trách nhiệm nộp thuế.

Ông Vinh cho biết, khi xuất hiện tình trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành địa phương đã tích cực xem xét để giải quyết. Bộ cũng đã xây dựng đề án chống chuyển giá và sau khi trình, Chính phủ đã quyết định giao Bộ Tài chính chủ trì chương trình này vì liên quan nhiều đến thuế, hải quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng một cơ sở dữ liệu để so sánh giá các mặt hàng trong nước và quốc tế.

"Chúng tôi nghĩ rằng việc chống chuyển giá không chỉ từ khâu cuối cùng, mà còn có trách nhiệm của các bộ, ngành ở mọi khâu, từ đó phát hiện sớm để ngăn chặn," ông Vinh khẳng định.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, biện pháp quan trọng nhất để chống chuyển giá không phải là chỉ trông chờ vào sự kiểm soát giá nhập khẩu của cơ quan hải quan mà phải là kết hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng trong việc quản lý kiểm soát giá máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu để chống chuyển giá ngay từ khâu kêu gọi đầu tư, xét duyệt thẩm định dự án, cấp phép cho dự án đến quá trình thực hiện dự án và thanh tra kiểm tra, kiểm toán, thu thuế thực hiện dự án.

Nói cách khác, toàn thể bộ máy liên quan đến FDI cần nắm vững về thị trường giá cả các hàng hoá dịch vụ nhập khẩu của doanh nghiệp FDI thì mới đảm bảo được khả năng chống chuyển giá, thông qua đó nâng cao được chất lượng thu hút FDI.

Minh Thúy (Vietnam+)