Dân sợ thuế và phí tăng, doanh nghiệp ôtô điêu đứng

Thị trường - Ngày đăng : 18:03, 24/03/2012

Một số DN ô tô FDI cho biết, hiện họ đang ngập trong khó khăn với lượng hàng tồn kho tăng cao, tài chính bất ổn và sản xuất bị ngừng trệ.

Giảm doanh số, tạm ngừng sản xuất

Ông Hoàng Văn Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam cho biết, do tình hình kinh tế quý I/2012 vẫn gặp khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cộng với việc tăng lệ phí trước bạ lên 20% tại Hà Nội và 15% tại TP.HCM cũng như phí cấp biển số xe tại Hà Nội tăng lên 20 triệu đồng và thêm thông tin ô tô phải đóng phí bảo trì đường bộ vào 1/6/2012, cùng thông tin sẽ thu phí lưu hành xe  từ 20-50 triệu đồng/năm đã làm cho nhu cầu về ô tô mấy tháng qua giảm mạnh.

Lượng xe tiêu thụ của các DN thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nói chung và  Ford Việt Nam nói riêng thời gian qua giảm mạnh chỉ bằng 50% so với cuối năm 2011.

Ford Việt Nam hiện đang phải đối mặt với lượng xe tồn kho ở mức cao, tài chính khó khăn và trong tháng 2 vừa qua đã phải cho công nhân nghỉ việc 2 tuần, dây chuyền ngừng hoạt động.

Ông Akito Tachibana, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho biết, việc tăng các loại thuế, phí hiện có và xu hướng áp dụng thêm các khoản lệ phí mới đối với ô tô làm tăng chi phí để sở hữu một chiếc xe, đồng nghĩa với sự sụt giảm mạnh của lượng cầu thị trường. Có thể thấy rõ điều đó qua số liệu bán hàng trong tháng 1 và tháng 2 năm 2012, khi kết quả của toàn thị trường giảm tương đương 44% so với cùng kỳ năm 2011 sau khi lệ phí trước bạ và  phí cấp biển số tăng mạnh tại 1 số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM từ 1/1/2012.

Doanh số bán trong tháng 1/2012 của Toyota Việt Nam  giảm gần 50% so với doanh số bán cùng kỳ 2011 và giảm 17% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái .

Theo VAMA, bình quân 1 tháng các DN thành viên sản xuất khoảng 10.000 xe, nhưng từ đầu năm 2012 đến nay xe không bán được dẫn đến tồn kho tăng cao. Tháng 1/2012 các DN bán chưa tới 4.000 xe và tháng 2 được 6.000 xe.

Chẳng hạn như Ford Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2012 sản xuất 550 xe, nhưng chỉ bán được 392 xe, trong đó tháng 1/2012 sản xuất 400 xe và tháng 2/2012 chỉ sản xuất 150 xe. Như đã nói vào tháng 2 vừa qua, Ford đã điều chỉnh kế hoạch, cho dây chuyền ngừng 2 tuần và giảm lượng xe sản xuất xuống còn rất thấp nhưng vẫn ế ẩm. Mẫu xe rất ăn khách của Ford là Fiesta, ra mắt vào tháng 6/2011 luôn thiếu xe cung cấp cho khách hàng, đến cuối năm 2011 đã bán tới hơn 2.000 xe, nhưng sang năm 2012 thì ngược lại, đang trong tình trạng không có người mua.

Một DN khác cũng có lượng xe tồn kho cao là GM Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm 2012 DN này sản xuất hơn 1.500 xe, nhưng chỉ tiêu thụ được 1.094xe. Xe lắp ráp ra không bán được để chật kín sân trước nhà máy của DN này tại Hà Nội. Những năm trước GM thường có doanh số bán khoảng 1.000xe/tháng, với lượng xe tiêu thụ như vậy thì sản xuất cũng phải đạt ít nhất 1.000 xe/tháng. Nay 2 tháng mới sản xuất 1.500 xe là đã giảm khoảng 25% rồi vậy nhưng vẫn không tiêu thụ hết.

Mercedes Benz Việt Nam cũng trong tình cảnh tương tự, 2 tháng  đầu năm  2012 sản xuất 395 xe chỉ tiêu thụ được 202 xe, tồn kho gần 1 nửa.

Không chỉ các DN ô tô FDI gặp khó khăn, các DN nhập khẩu xe chính hãng cũng trong tình cảnh tương tự khi lượng xe tiêu thụ giảm mạnh. Các nhà phân phối xe Renault,  Citroen... cho biết số lượng xe bán ra từ đầu năm 2012 quá thấp, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngay như Hyundai cũng có lượng xe tiêu thụ giảm. Một nhân viên bán hàng tại đại lý Huyndai trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho biết từ Tết nguyên đán đến nay cả đại lý bán chưa tới 30 xe, lương nhân viên bị chậm gần 3 tháng rồi.

Điêu đứng vì phí tăng

Các DN ô tô DFI phàn nàn, chính sách thuế, phí với ô tô thời gian qua liên tục thay đổi, là đối tượng chịu nhiều tác động, nhưng họ không hề được tham vấn từ các cơ quan chức năng. Hình như các cơ quan chức năng đang bằng mọi cách hạn chế ô tô cá nhân mà không hề quan tâm tới sản xuất, tới DN bị ảnh hưởng, bị tác động như thế nào.

Người mua không có, trong khi người bán ngày càng nhiều chính là thảm cảnh trên thị trường ô tô hiện nay. Không chỉ có DN bán xe mà nhiều người dân đang sở hữu ô tô cũng tham gia vào thị trường, bán xe. Theo tính toán nếu bỏ 1 tỷ đồng để mua 1 chiếc ô tô, thì  mỗi tháng phải chi cho nó khoảng 10 triệu đồng, một năm phải chi 120 triệu đồng,  tới đây phải nộp thêm phí lưu hành xe thì chi phí sẽ lên đến 150 triệu đồng/ năm, đấy là chưa tính nếu số tiền 1 tỷ đồng này gửi vào ngân hàng với lãi suất hiện nay 13%/năm thì mỗi năm thu về 130 triệu đồng. Như vậy bỏ ra 1 tỷ đồng mua xe ô tô, mỗi năm sẽ mất gần 300 triệu đồng. Với số tiền này có thể thoải mái đi taxi hoặc thuê xe tự lái... mà đỡ phải mệt mỏi lo tìm chỗ đỗ xe, gửi xe, bảo quản xe hàng ngày hàng tháng.


Nói về kế hoạch sản xuất, lắp ráp ô tô trong thời gian tới, ông Akito Tachibana cho biết,  với chính sách hạn chế tiêu dùng ô tô như hiện tại, chắc chắn các nhà sản xuất ô tô sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2012. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải xem xét kỹ lưỡng và điều chỉnh kế hoạch sản xuất cũng như kinh doanh trong thời gian tới. Sự không ổn định của chính sách thuế, phí đồng nghĩa với việc thị trường suy giảm mạnh như 2 tháng vừa qua sẽ buộc các DN sản xuất lắp ráp ô tô như chúng tôi phải thay đổi chiến lược và kế hoạch kinh doanh.

Trao đổi với một số DN ôtô FDI, họ cho biết, nếu tiêu thụ khó khăn sẽ phải giảm sản xuất và cắt giảm nhân công.

Hiện 18 thành viên của VAMA tạo ra trên 60.000 việc làm ( tính cả nhân công của các DN cung cấp linh kiện tại Việt Nam và các đại lý bán xe). Nếu lượng xe tiêu thụ giảm mạnh và kéo dài, các DN bắt buộc phải giảm sản xuất, những nhân lực dư thừa sẽ bị cắt giảm và nó sẽ tác động dây chuyền đến các nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam cũng như các đại lý bán hàng. Những lao động thời vụ được xem là thiệt thòi nhất bởi đây là đối tượng đầu tiên được đưa ra xem xét cắt giảm.

Các phân tích cho thấy vào năm 2008 khi kinh tế thế giới khủng hoảng tác động đến Việt Nam, tiêu thụ giảm, thì nhiều DN lắp ráp ôtô tại Việt Nam như Toyota, Honda, Ford đã phải cắt giảm nhân lực, dù cho thời điểm đó Chính phủ đã có những hỗ trợ lớn như giảm 50% thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ với ôtô.

Thời điểm hiện nay, kinh tế được cho là còn khó khăn hơn 2008, các DN không được hỗ trợ gì, ngược lại lệ phí trước bạ với ôtô còn tăng mạnh tại 2 thành phố lớn, vì vậy DN ôtô cho rằng khó khăn với họ là rất lớn và kéo dài.

Các DN cho biết, đang theo dõi sát tình hình, nếu vài tháng tới lượng xe tiêu thụ vẫn thấp, tồn kho tăng cao thì sẽ phải xem lại kế hoạch sản xuất.

Ông Laurent Charpentier, Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam cho rằng việc tăng mạnh lệ phí trước bạ và phí cấp biển số xe tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã khiến cho thị trường ô tô thêm ảm đạm trong những năm tới. Việc tăng phí trước bạ và cấp mới biển xe cũng như đưa thêm các khoản phí mới đánh vào ôtô nhằm hạn chế xe cá nhân tiếp tục cho thấy sự không ổn định trong chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô.

Theo các DN ôtô, Việt Nam đang đạt tỷ lệ 18 xe/1.000 dân. Dự báo từ năm 2020 trở đi, kinh tế phát triển mạnh, mức thu nhập bình quân đầu người được nâng cao và hạ tầng giao thông phát triển, thì nhu cầu về ôtô cá nhân (xe dưới 10 chỗ) sẽ tăng mạnh. Đây quả thực là cơ hội rất lớn, tuy nhiên nhiều DN không còn mặn mà đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam nữa.

TRẦN THỦY (VNN)