Phải xây dựng được đội ngũ cán bộ thanh liêm

Tin tức - Ngày đăng : 14:48, 26/03/2012

Đảng viên “không cần tham nhũng” khi tạo ra được cơ chế để cán bộ cơ quan nhà nước có thể sống đàng hoàng mà không cần phải tham nhũng...

Những gì Nghị quyết Trung ương 4 đặt ra đã đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đông đảo đảng viên, đáp ứng được nhiệm vụ của Đảng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong thời kỳ mới. Để thực hiện thắng lợi nghị quyết, điều quan trọng là phẩm chất của người đảng viên và phẩm hạnh của người có chức quyền. Khi nhận nhiệm vụ thì kiên quyết không nghĩ là được lợi về vật chất mà đó là điều kiện để phát huy sở trường, để làm được việc cho nhân dân. Bản thân mỗi đảng viên phải có dũng khí khi không chỉ đấu tranh với tiêu cực xã hội mà còn phải đấu tranh với chính mình. Theo tôi, điều quan trọng là cần phân biệt rõ cơ chế trong tập thể, cá nhân. Cá nhân khi được bổ nhiệm thì phải chịu trách nhiệm, không thể “núp bóng” tập thể và đổ thừa cho tập thể hoặc… thiên tai. Bởi vì tập thể ra chủ trương, còn anh là người đứng đầu là người ra quyết định thì phải chịu trách nhiệm trước tiên. Có một điều đáng buồn là tình trạng “bổ nhiệm thì dễ, miễn nhiệm thì khó” vẫn đang diễn ra. Nếu như vị quan chức nào đó trong sạch thì mọi người gọi là “thanh liêm” - lại bị coi là bất bình thường. Thực sự điều đó rất là bình thường vì cán bộ được dân bầu ra, ăn cơm của dân thì phải làm việc cho dân chứ? Nhưng những vị nhận phong bì đút lót để làm việc thì mọi người coi đây là điều bình thường!? Mong sao, khi Nghị quyết Trung ương 4 đi vào thực tiễn thì sẽ trả lại sự thật: điều bình thường trở về bình thường và điều bất bình thường là đáng lên án. Các cấp ủy đảng, địa phương  cần quyết liệt thực hiện nghị quyết một cách công khai, dân chủ và minh bạch. Vì Đảng mạnh, trong sạch thì niềm tin của nhân dân vào Đảng ngày càng lớn hơn và ủng hộ nhiều hơn đối với Đảng, kiên quyết không để những kẻ cơ hội có điều kiện luồn lách “chui” vào Đảng, hòng “kiếm chác”.

Trung ương cũng phải đưa ra, hướng dẫn một số cơ chế để cán bộ đảng viên thực hiện như: đảng viên “không muốn tham nhũng”, khi tuyển chọn những người vào bộ máy phải có đạo đức, lập trường vững vàng. Đảng viên “không cần tham nhũng” khi tạo ra được cơ chế để cán bộ cơ quan nhà nước có thể sống đàng hoàng mà không cần phải tham nhũng; cán bộ “không dám tham nhũng” khi cơ quan chức năng nghiêm trị những ai tham nhũng và đặc biệt là không có “vùng cấm”.

NGUYỄN SỰ(Quảng Nam)