Bồi thường tai nạn lao động
Phản hồi - Ngày đăng : 06:26, 27/03/2012
Hỏi: Con tôi chẳng may bị tai nạn lao động (TNLĐ) cụt mất một ngón tay, công ty đã trả toàn bộ viện phí. Ngoài số tiền này, con tôi có được bồi thường thiệt hại gì nữa không?
Trần Văn Trung(Tứ Kỳ)
Trả lời: Theo khoản 2, điều 107 Bộ luật Lao động, người sử dụng LĐ phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị TNLĐ. Người LĐ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) về TNLĐ. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình BHXH bắt buộc, thì người sử dụng LĐ phải trả cho người LĐ một khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ BHXH (Luật BHXH).
Do vậy, ngoài số tiền viện phí chữa trị thương tích, con của ông còn được hưởng chế độ BHXH về TNLĐ. Con của ông có thể liên hệ với công ty đề nghị lập hồ sơ giải quyết chế độ BHXH về TNLĐ. Công ty có trách nhiệm giới thiệu con của ông đi giám định mức suy giảm khả năng LĐ tại Hội đồng giám định y khoa sau khi thương tật đã được điều trị ổn định.
Người LĐ bị suy giảm khả năng LĐ từ 5% trở lên do bị TNLĐ thì được hưởng chế độ TNLĐ.
- Người LĐ bị suy giảm khả năng LĐ từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần (suy giảm 5% khả năng LĐ thì được hưởng năm tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung).
- Người LĐ bị suy giảm khả năng LĐ từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng (suy giảm 31% khả năng LĐ thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung).
Ngoài mức trợ cấp quy định trên đây, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH.
Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng người LĐ điều trị xong, ra viện. Trường hợp thương tật bị tái phát, người LĐ được đi giám định lại mức suy giảm khả năng LĐ thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.