Cách làm hiệu quả ở Tân Hồng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:05, 27/03/2012

Được sự hỗ trợ của Viện Di truyền nông nghiệp, nông dân Tân Hồng đẩy mạnh làm nấm, mang lại thu nhập thêm cho nhiều gia đình...



Liên kết "4 nhà" trồng nấm sò tại thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang)


Năm 2010, nhân một lần đọc bài viết giới thiệu về những mô hình trồng nấm trên cơ sở liên kết "4 nhà" tại một số địa phương của Hải Phòng trên báo Nông nghiệp Việt Nam, thấy mô hình hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho nông dân nên không đắn đo suy nghĩ, đồng chí Dương Hữu Nội, Chủ tịch UBND xã Tân Hồng (Bình Giang) đã cùng những cán bộ chủ chốt của xã tìm cách đưa mô hình này về cho nông dân thực hiện. Nói là làm, lãnh đạo UBND xã đã đi tìm hiểu mô hình trồng nấm tại Hải Phòng, rồi tìm đến Viện Di truyền nông nghiệp đề nghị được hỗ trợ khoa học, kỹ thuật và cung cấp giống nấm. Ngoài việc đồng ý hỗ trợ giống, tư vấn khoa học, kỹ thuật, Trung tâm Nấm thuộc Viện Di truyền nông nghiệp còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân Tân Hồng.

Mô hình trồng nấm rơm của Trung tâm Nấm (Viện Di truyền nông nghiệp) đã được triển khai tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch từ tháng 11-2011, với diện tích gần 1 ha nấm mỡ và nấm sò. Hiện nay, mô hình trồng nấm của thôn được giao cho Chi hội Phụ nữ đảm nhiệm. Sau gần 4 tháng triển khai mô hình, đến nay, đội trồng nấm có 14 chị em tham gia, thu nhập từ trồng nấm đạt hơn 60 triệu đồng, cao gấp ba lần so với cấy lúa. Chị Vũ Thị Đào, đội trưởng đội trồng nấm của thôn Mộ Trạch cho biết: “Trước đây, đã có một số hộ dân trong xã trồng nấm nhưng không tìm được đầu ra thường xuyên cho sản phẩm. Giá bán nấm lên xuống thất thường theo thị trường. Có thời điểm nấm đã đến kỳ thu hoạch nhưng không bán được, nông dân phải bán với giá quá rẻ hoặc làm thức ăn cho cá. Tuy nhiên, từ khi Trung tâm Nấm ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm nấm cho bà con ai cũng muốn làm. Ưu điểm của mô hình này là người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Giống và các vấn đề về kỹ thuật đều được các kỹ sư của Trung tâm Nấm và HTX Dịch vụ nông nghiệp phổ biến, hướng dẫn nên các hội viên trong đội cũng yên tâm. Mô hình trồng nấm ở Mộ Trạch không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tận dụng nguồn rơm rạ thừa sau thu hoạch, giảm ô nhiễm môi trường... Sắp tới, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình".

Chúng tôi đến thăm cánh đồng lúa lai Việt Nhật (DS1) đang lên xanh tốt được thực hiện theo mô hình liên kết "4 nhà" tại thôn My Cầu. Chủ tịch UBND xã Tân Hồng Dương Hữu Nội cho biết: Để thực hiện mô hình này, UBND xã phối hợp với Công ty TNHH An Đình chuyên thu mua và xuất khẩu lúa, gạo ở Hưng Yên cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm. Toàn bộ kỹ thuật trồng lúa được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đứng ra tập huấn cho nông dân. Vụ chiêm xuân năm 2011, mô hình được thực hiện tại 2 HTX Tân Phong và Mộ Trạch với diện tích hơn 40 ha. Giống lúa này có nhiều ưu điểm như: kháng rầy nâu, ít sâu bệnh, chịu rét, chịu thâm canh và cho năng suất cao. Năng suất lúa DS1 đạt 300-330 kg/sào, cao hơn giống Bắc thơm số 7 từ 10 - 20 kg. Đặc biệt, tham gia mô hình này, nông dân bán lúa tươi tại ruộng nên không mất công phơi, sấy sau thu hoạch. UBND xã Tân Hồng đã ký hợp đồng với Công ty TNHH An Đình thu mua lúa tươi tại ruộng với giá 6.500 đồng/kg. So với trồng các giống lúa hàng hóa khác như: Bắc thơm số 7, Hương thơm hay T10, lợi nhuận thu được từ mô hình trồng lúa DS1 cao hơn 200 - 250 nghìn đồng/sào. Đặc biệt, nông dân Tân Hồng có thể tận dụng lượng rơm rạ thừa sau thu hoạch làm nguyên liệu trồng nấm hoặc xử lý thành phân vi sinh. Vụ chiêm xuân năm nay, toàn xã đã có hơn 200 hộ trồng loại lúa lai này với diện tích gần 200 ha.

Vụ mùa 2012, mô hình trồng nấm và lúa lai DS1 tiếp tục được UBND xã Tân Hồng mở rộng trên quy mô toàn xã. Nông dân tham gia mô hình sẽ được cán bộ của Viện Di truyền nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ. Ngoài ra, UBND xã còn phối hợp với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đưa vào trồng thử nghiệm thêm một số giống nấm mới như: mộc nhĩ, kim châm... Đối với mô hình trồng lúa DS1 sẽ được giao cho 2 HTX Dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch và Tân Phong thực hiện.

Ông Nguyễn Phương Vụ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, từ mô hình ở xã Tân Hồng, thời gian tới, phòng sẽ xây dựng những mô hình liên kết "4 nhà" tại một số địa phương trong huyện.

LAN ANH