Vợ ơi...!
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 14:30, 27/03/2012
Tôi đã nhiều lần đọc bài thơ có tựa đề “Vợ ơi…” của Nguyễn Duy với nhiều cung bậc cảm xúc. Quả thực, hình ảnh những người vợ trong thơ xưa nay tuy không nhiều, nhưng có thể nói bài nào cũng gây những ấn tượng sâu sắc. Riêng với Nguyễn Duy - một con người tài hoa về nhiều mặt, không chỉ có một bài thơ mà có hẳn cả một tập thơ viết về vợ. Tôi đồ rằng, hẳn sẽ có rất nhiều nhà thơ của chúng ta hiện nay đã thảng thốt giật mình khi đọc được những vần thơ đầy tâm sự của Nguyễn Duy: “Ta mơ màng ta uốn éo ta lả lơi/ Để mặc kệ mái nhà xưa dột nát/ Mặc kệ áo quần thằng cu nhếch nhác/ Mặc kệ bàn tay mẹ nó xanh xao/ Ta rất gần bể rộng với trời cao/ Để xa cách những gì thân thuộc nhất/ Nồi gạo hết lúc nào ta chả biết/Thăm thẳm nỗi lo trong mắt vợ u sầu/ Viên thuốc nào dành để lúc con đau/Vợ nằm đó xoay xở mần răng nhỉ/Cơn hoạn nạn bỗng làm ta tĩnh trí/Ngọn gió tha hương lạnh toát da gà…(Bán vàng). Vâng, họ thảng thốt giật mình bởi họ nhận ra được chân dung của mình, hoàn cảnh của gia đình mình trong đó. Tôi cũng đồ rằng, là đàn ông đã có vợ, nếu không may gặp đại nạn “vợ ốm”, khi cái hạn đã qua đi, tất thảy đều thấu hiểu hết vị trí cũng như giá trị của người vợ trong cuộc đời mình. Vị trí đó, giá trị đó của người vợ đã được Nguyễn Duy bộc bạch qua những vần thơ rất thật, rất cụ thể, rất đời trong bài thơ có tựa đề “Vợ ốm”: “Vừa một xuân lại một xuân/Vợ ơi đại hạn đã gần một năm/Một nhà là sáu mồm ăn/Một thi nhân hóa phăm phăm ngựa thồ/Cái lưng em sụm bất ngờ/Tứ chi anh, lõng thõng quơ rụng rời/ Thông thường thượng giới rong chơi/Trần gian choang choác sự đời tùy em/Nghìn tay nghìn việc không tên/Mình em làm cõi bình yên nhẹ nhàng/Thình lình em ngã bệnh ngang/Phang anh xát bát xang bang sao đành/Cha con chúa Chổm loanh quanh/Anh như nguyên thủ tanh bành quốc gia/ Việc thiên việc địa việc nhà/Một mình anh vãi cả ba linh hồn…”.
Những vần thơ viết về hình ảnh những người vợ gây ấn tượng mạnh như thế đâu chỉ riêng có ở nhà thơ Nguyễn Duy. Tôi cũng đã từng đọc và rất thích bài “Thơ tình tặng vợ” đầy tình nặng nghĩa của nhà thơ Hoàng Đình Quang: “Tơ hồng một sợi này đây/Mình ơi, anh buộc cổ tay cho mình/Neo đời nhau một chữ tình/ Duyên thì anh giữ, nợ mình em mang/Vận vào cái nghiệp đa đoan/Bao nhiêu sấp ngửa, đá vàng bấy nhiêu/Đắm say nào kể ít nhiều/Những khuya khao khát, những chiều đam mê/ Số trời thân ngự cung thê/Ngả nghiêng, xô lệch trăm bề… lại yên!/Phong trần đậu bến thuyền quyên/Phong lưu thì lắm, bạc tiền thì không…/Em cho anh cả tấc lòng/Anh đem trao lại cái không có gì/Đường chiều nặng gánh tình si/Hai bàn tay nắm một vì sao xa/Nỗi buồn như gió thoảng qua/Thương yêu, anh gọi mình là… vợ anh!”.
Rồi cũng có nhiều nhà thơ “nịnh vợ” không bằng cách thốt lên hai tiếng “vợ ơi …”, mà “nịnh vợ” bằng chiêu thức hết sức tinh nghịch, hóm hỉnh và hết sức thú vị. Đó là việc họ phong vương miện hoa hậu cho vợ: “Hoa hậu của nhà”. Một trong những bài thơ cảm động tặng vợ có tựa đề như thế của nhà thơ Vương Trọng đã được nhiều người thuộc và thường hay đọc cho vợ nghe với tất cả tấm lòng đằm thắm, yêu thương: “Nhà có ba trai: hai con một bố/Chỉ mình em độc đắc nữ thôi mà/Anh bạc đầu chưa qua thời nhí nhố/Cứ gọi em là hoa hậu của nhà!/Hoa hậu của nhà không đánh phấn/Quạt bếp than bén lửa, má đỏ hồng/ Chưa từng diện mốt áo dài, áo tắm/Áo bà ba em mặc đủ thong dong/Thong dong đạp xe ngày mấy lượt/Tuột xích, tay lem lấm vẫn cười/Đi làm về gặp nhà có khách/ Chiếc làn đi chợ đợi em thôi/Hoa hậu của nhà ngày giỗ Tết/Chẳng thích ngồi cùng phim ảnh Đông, Tây/ Tay đũa, tay muôi nấu xào dưới bếp/Tiếng mỡ xèo nổi khúc nhạc êm say!/Mâm dọn ra, chồng và con như khách/Chỗ em ngồi mấy phía nồi niêu/Vừa xong bữa, cả nhà đi sạch/Hoa hậu cùng mâm bát nhìn theo/Tất bật chưa xong đà hết Tết/Suốt mấy hôm chưa ra ngõ một lần/Vẫn vui vẻ nói cười bên bể nước/Mấy chậu đầy quần áo giặt khai xuân!”.
Thơ viết cho vợ, thơ tình tặng vợ, những vần thơ “vợ ơi…” thì hẳn cũng còn nhiều. Nhưng để khép lại bài viết này, tôi xin phép được trích dẫn ra đây bài thơ “Nhớ vợ” của nhà thơ Cầm Vĩnh Ui người dân tộc Thái, viết trong thời kỳ chống Pháp với những vần thơ ngồ ngộ nhưng rất chân thật, cảm động và đáng yêu: “Tôi nhớ vợ tôi lắm/ Xin được về hai ngày/ Nhà tôi ở Mường Lay/Có con sông Nậm Rốm/Ngày kia tôi sẽ đến/Lại cầm súng được ngay/ Tôi càng bắn đúng Tây/Vì tay có hơi vợ/Cho tôi đi, đừng sợ/Tôi không chết được đâu/ Vì vợ tôi lúc nào/Cũng mong chồng mạnh khỏe/ Cho tôi đi, anh nhé/Về ôm vợ hai đêm/Vợ tôi nó sẽ khen/ chồng em nên người giỏi/ Ngày kia tôi về tới/Được đi đánh cái đồn/ Hay được đi chống càn/ Là thế nào cũng thắng/Nếu có được trên tặng/ Cho một cái bằng khen/ Tôi sẽ rọc đôi liền/ Gửi cho vợ một nửa”.
NGUYỄN VIẾT CHÍNH