Giao lưu trực tuyến "QUYẾT LIỆT CHỐNG BỆNH TAY - CHÂN - MIỆNG"

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:05, 28/03/2012

Sáng 28-3, báo Hải Dương điện tử tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề "Quyết liệt chống bệnh tay - chân - miệng"...



Từ đầu năm đến nay, bệnh tay - chân - miệng tăng đột biến trên địa bàn tỉnh. Cho đến nay, chưa có thuốc đặc trị phòng ngừa và trẻ em vẫn là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Trong khi đó, nhiều phụ huynh vẫn chưa có đầy đủ thông tin, kiến thức phòng tránh bệnh tay - chân - miêng.

Nhằm giúp bạn đọc có đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh, kiến thức phòng tránh bệnh hiệu quả, báo Hải Dương điện tử tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Quyết liệt chống bệnh bệnh - tay - chân miệng” từ lúc 8 giờ 30  giờ đến 11, ngày 28-3 với sự tham gia của các khách mời: bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Văn Chân, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Hải Dương; bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Hữu Thung, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Sau hơn 2 giờ giaolưu, các bác sĩ đã giải đáp hơn 40 câu hỏi bạn đọc gửi quamạng in-tơ-nét đề nghị làm rõ nguyên nhân, cơ chế lây bệnh cũng như cách phòng, trị hữu hiệu bệnh tay-chân-miệng.

DƯỚI ĐÂY LÀ TOÀN BỘ NỘI DUNG CUỘC GIAO LƯU


Xuân Vĩnh (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ: Bình Minh, TP Hải Dương
Nhiều trường mầm non đã xuất hiện chùm ca bệnh TCM? Ngành y tế có biện pháp gì xử lý thế nào? Kết quả ra sao? Xuân Vĩnh, Bình Minh, TP Hải Dương?

Bác sĩ Đặng Hữu Thung: Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh, bệnh chủ yếu phát triển rải rác, lẻ tẻ. Tuy nhiên, đã có 1 số trường mầm non có chùm ca bệnh. Đối với những nơi này, ngành y tế đã tổ chức bao vây, dập dịch. Cụ thể:

Thứ nhất, tuyên truyền cho các cô giáo về triệu chứng của bệnh, từ đó các cô giáo tham gia phát hiện các cháu bị bệnh để thông báo với các cơ quan y tế.

Thứ hai, cung cấp cho các cô giáo những kiến thức, những biện pháp phòng, chống bệnh để các cô giáo tư vấn cho các bà mẹ, đồng thời tham gia vào xử lý môi trường, xử lý các đồ chơi của các cháu, cũng như các chất thải của trẻ.

Thứ ba, phối hợp với ngành y tế tổ chức xử lý môi trường tại các nhà trẻ, mẫu giáo.

Ngoài ra, khi chưa có dịch xảy ra, ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục xây dựng kế hoạch phòng chống dịch; đồng thời tổ chức tập huấn cho các cô giáo những kiến thức về phòng, chống bệnh TCM.

Thu Hương (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:TT Lai Cách, Cẩm Giàng
Bệnh tay chân miệng có chu kỳ dịch không? Mấy năm lại có một đợt dịch lớn như năm nay?

Bác sĩ Đặng Hữu Thung: Bệnh TCM không có chu kỳ và bệnh thường xảy ra quanh năm nhưng tập trung cao điểm vào tháng 2 đến tháng 4 và tháng 9 đến tháng 12.

Tại sao năm nay dịch lại tăng, sự gia tăng của dịch có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, do thời tiết khí hậu.

Thứ hai, do điều kiện giao lưu giữa nhiều vùng, nhiều nơi.

Thứ ba, do điều kiện ăn ở, môi trường.

Thứ tư, do điều kiện vệ sinh cá nhân.

Thành Vinh (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Bình Hàn -TP Hải Dương
Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân chính của bệnh tây chân miệng ở trẻ em? Bệnh có triệu chứng thế nào? Bệnh có biến chứng gì?



Bác sĩ Bùi Văn Chân:
Nguyên nhân chủ yếu do vi-rút đường ruột, thường gặp do 2 loại: coxsacki virus và entero virus (EV71).

Biểu hiện chính là những tổn thương dưới dạng phỏng nước ở 2 vị trí:

- Ở da, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối.

- Niêm mạc miệng.

Biến chứng thường gặp là thần kinh, nặng hơn là biến chứng tim mạch, nặng nhất là suy đa phù tạng.

Minh Tuấn (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Bến Tắm, Chí Linh
Bệnh viện Nhi Hải Dương thường xuyên trong tình trạng quá tải, trong đó có cả những ca mắc TCM. Xin hỏi, bệnh viện có biện pháp gì ngăn chặn bệnh lây lan sang trẻ không mắc?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Bệnh viện thường xuyên quá tải, để khống chế không để bệnh lây lan sang các bệnh nhân khác bằng các biện pháp sau:

- Khoanh vùng, khi bệnh nhân mới đến y tá sẽ hỏi lý do đến khám, nếu có biểu hiện của bệnh tay - chân - miệng sẽ cho đưa trẻ đến khu vực chờ khám riêng cho trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng.

- Thực hiện chu trình khép kín: bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tay - chân - miệng sẽ tiến hành ngay các xét nghiệm cần thiết cho chẩn đoán; làm các thủ tục đăng ký nhập viện và các thủ tục khác ngay tại phòng khám (bệnh nhân không phải đi các phòng khác để làm các xét nghiệm), sau đó đưa vào khoa truyền nhiễm và cách ly tuyệt đối.

- Xử lý diệt khuẩn: trước khi vào phòng bệnh có tấm thảm trải dưới nền luôn được tẩm ướt dung dịch cloramin B, bệnh nhân vào, ra phải chùi chân vào tấm thảm đó. Dung dịch sát khuẩn nhanh được treo trên tường để cho các cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân có thể sát khuẩn bất kỳ lúc nào. Quần áo của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được xử lý bằng cách giặt bằng cloramin B. Hằng ngày phun dung dịch cloramin B trong các buồng bệnh và khu vực phòng khám.

- Giáo dục sức khỏe: Để người dân có ý thức phòng tái phát cho con mình, phòng bệnh cho cộng đồng bằng cách: rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, chế biến thức ăn, trước khi ăn, đón ở nhà trẻ về, sau khi đi làm về, tẩy rửa đồ chơi của trẻ...

- Xử lý khi ra viện: Trước khi ra viện, kiểm tra lại các kiến thức đã được tuyên truyền.

Đức Anh (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Tân Bình, TP Hải Dương
Hải Dương là một trong những tỉnh có nhiều người mắc TCM, số bệnh nhân tiếp tục gia tăng. Xin hỏi tỉnh có phải công bố dịch không? Điều kiện để công bố dịch thế nào?



Bác sĩ Đặng Hữu Thung:
Hải Dương là tỉnh có nhiều bệnh nhân mắc TCM. Tính đến ngày 27- 3, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 941 ca mắc ở 188 xã, phường, thị trấn, ở 12/12 huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, bệnh mắc chủ yếu rải rác, ít có nơi có chùm ca bệnh, đồng thời bệnh dịch vẫn nằm trong tầm được khống chế (chưa ngoài tầm kiểm soát). Chính vì vậy, tỉnh ta chưa công bố dịch.

Điều kiện công bố dịch là vượt khỏi tầm kiểm soát.

Nguyễn Thị Thảo (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Hiệp Hòa, Kinh Môn
Khu vực có người mắc bệnh có phải phun thuốc khử trùng không, hiện thuốc khử trùng loại nào tốt nhất, hình thức phun thế nào?

Bác sĩ Đặng Hữu Thung: Khi trên địa bàn dân cư, các nhà trẻ, mẫu giáo có bệnh nhân mắc TCM thì phải được tổ chức xử lý môi trường (tại hộ gia đình, xung quanh gia đình có bệnh nhân và nhà trẻ, mẫu giáo).

Hiện nay, hóa chất khử trùng được sử dụng thông thường là Cloramin B. Tùy theo nơi khử trùng, dụng cụ cần khử trùng mà người ta pha tỷ lệ Cloramin B thích hợp. Ví dụ, làm sạch bề mặt và khử trùng các dụng cụ nhiễm bẩn chất tiết và bài tiết của bệnh nhân bằng dung dịch Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử trùng khác.

Phạm Hương (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Ứng Hòe, Ninh Giang
Trẻ bị mắc TCM có được tắm không? Chế độ ăn uống như thế nào để bảo đảm sức khỏe cho trẻ?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Khi trẻ mắc bất cứ bệnh gì đều phải tắm bằng xà phòng. Việc ăn uống phải ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ, không kiêng bất cứ thứ gì.

Nguyễn Thị Hoa (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:An Thanh, Tứ Kỳ
Bệnh có lây lan từ người sang người không? Tại sao chúng ta khuyến cáo rửa tay bằng xà phòng?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Đây là bệnh lây lan từ người sang người qua đường tiêu hóa, do những chất thải từ phân, vì vậy việc rửa tay bằng xà phòng là biện pháp phòng bệnh chính.

Hoàng Quân (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Gia Xuyên, Gia Lộc
Bệnh TCM tiến triển qua mấy giai đoạn? Hiện tại đã có vắc-xin đặc trị bệnh này chưa? Những người đã mắc bệnh TCM rồi có miễn dịch với bệnh không?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Bệnh tay - chân - miệng có 4 giai đoạn:

- Ủ bệnh từ 3-7 ngày không thấy triệu chứng.

- Khởi phát 2 ngày với biểu hiện sốt, nôn, biếng ăn và rối loạn tiêu hóa.

- Toàn phát kéo dài trong khoảng 10 ngày với tổn thương dưới dạng phỏng nước ở da, lòng bàn tay, chân, mông, gối, niêm mạc miệng, có thể có sốt cao, dễ có nguy cơ biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp...

Bệnh tay - chân - miệng không miễn dịch, do nhiều chủng vi-rút khác nhau vì vậy vẫn có thể tái phát hoặc mắc các chủng khác. Bệnh tay - chân - miệng hiện nay chưa tìm được vắc-xin. Do đó phòng bệnh là chính.

Vũ Thị Yến (yencamhung@gmail.com) - Địa chỉ: Cẩm Hưng , Cẩm Giàng
Con tôi xuất hiện nhiều nốt đỏ ở tay, nhiều nốt có bọng nước, ở miệng cũng xuất hiện nhiều mụn đỏ. Vậy con tôi có phải mắc bệnh TCM?



Bác sĩ Bùi Văn Chân:
Biểu hiện bệnh của con bạn là xuất hiện các nốt phỏng nước ở da, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối, niêm mạc miệng thì bạn nên đưa con mình đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán xác định bệnh.


Nguyễn Hoàng (lienhephongluu@gmail.com) - Địa chỉ:Phạm Ngũ Lão -TP Hải Dương
Xin bác sĩ cho biết Bệnh “tay chân miệng” lây truyền như thế nào? Có vắc xin phòng bệnh không? Bệnh “tay chân miệng” có phải là một bệnh truyền nhiễm mới không?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Bệnh tay - chân - miệng lây truyền từ người sang người qua đường tiêu hóa, đặc biệt là chất thải như phân...

Bệnh tay - chân - miệng không phải là bệnh truyền nhiễm mới, bệnh này đã xuất hiện từ lâu, thường gặp ở miền Nam Việt Nam và miền Nam Trung Quốc, gần đây dịch này mới xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam.

Nguyễn Thị Phương (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ: An Lưu, Kinh Môn
Xin hỏi bác sĩ là dùng cồn 70 độ để vệ sinh tay chân cho bé có tác dụng phòng ngừa bệnh tay chân miệng không, vì cháu bé nhà em rất khó để rửa tay bằng nước xà phòng.

Bác sĩ Đặng Hữu Thung: Trong công tác phòng chống bệnh TCM không sử dụng cồn để rửa tay mà chủ yếu hướng dẫn bệnh nhân rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và rửa tay sau khi thay quần áo hoặc tiếp xúc với đồ vật. Nếu con bạn không rửa tay được bằng xà phòng thì bạn có thể dùng hóa chất khác, ví dụ như dung dịch rửa tay, dung dịch Cloramin B, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

Nguyễn Văn Hiền (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương
Con gái tôi được 3 tháng tuổi. Đầu tuần tới, tôi có việc phải vào TP Hồ Chí Minh và đi bằng tàu hỏa. Vậy khi đi tàu và tiếp xúc với nhiều người thì cháu có nguy cơ bị bệnh tay chân miệng không? Cách phòng tránh thế nào, nhất là khi phải tiếp xúc với chỗ đông người?

Bác sĩ Đặng Hữu Thung: Bệnh TCM thường lây qua đường hô hấp, đường tiêu hóa. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ mắc cao nhất ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ mũi họng, nước bọt, dịch của các nốt phỏng dộp hoặc phân của những người bị nhiễm. Sự lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa, nhất là ở các trẻ trong cùng 1 gia đình sinh hoạt chung, hoặc các trẻ em ở nhà trẻ, mẫu giáo qua ăn uống, qua nước bọt do dùng chung muỗng, thìa.

Để phòng tránh sự lây nhiễm, thì phải tránh tiếp xúc với bệnh nhân hoặc khi tiếp xúc với bệnh nhân thì phải cách xa trên 1m.Vệ sinh cá nhân, như rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và vệ sinh răng miệng, đeo khẩu trang cho trẻ để tránh lây nhiễm qua đường hô hấp.


Nguyến Tùng (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Kẻ Sặt, Bình Giang
Bệnh CTM có biến chứng không? Những biến chứng có dẫn đến tử vong không? Đến thời điểm này, ở tỉnh ta có trường hợp nào tử vong chưa, ở đâu?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Bệnh tay - chân - miệng có biến chứng nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong. Ở tỉnh ta hiện chưa có bệnh nhân nào tử vong vì bệnh tay - chân - miệng.

Nguyễn Tường (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Minh Tân, Kinh Môn,
Nguyên nhân gây bệnh tay - chân - miệng là do có sự biến chủng của virus EV71 có độc lực cao. Vậy ngành y tế có phác đồ điều trị chưa? Nếu chưa thì phải giải quyết thế nào?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Hiện nay bệnh tay - chân - miệng diễn biến hết sức phức tạp do các loại vi-rút có thể biến chủng, nhưng bản chất dẫn đến các biến chứng như nhau. Nhưng hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho vi-rút. Vì vậy phác đồ điều trị của Bộ Y tế vẫn là điều trị các biến chứng. Đặc biệt, do sự biến chủng này, hình thái mắc bệnh của bệnh tay - chân - miệng thường không điển hình, những ca không điển hình này đều do EV71. Khuyến cáo phải cảnh giác với những cháu có biểu hiện lâm sàng không điển hình.

Đỗ Thị Dung (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Cẩm Chế, Thanh Hà
Cháu nhà tôi có những bóng nước hiện lên nhưng sốt không cao, bóng nước mới xuất hiện ở chân, tay nhưng chưa ở miệng, mông, hậu môn, vậy đã nên đưa bé đi bệnh viện chưa?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Nếu con bạn đã có các biểu hiện tổn thương da và niêm mạc như vậy thì bạn cần phải đưa con bạn đến bệnh viện ngay. Sốt có thể có, có thể không, sốt không phải là căn cứ để chẩn đoán bệnh tay - chân - miệng.

Hoàng Thị Mai (hoangmaipt@gmail.com) - Địa chỉ:Cầu Giấy, Hà Nội
Bệnh tay chân miệng có để lại di chứng thần kinh hay không? Tỷ lệ di chứng là bao nhiêu?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Bệnh tay - chân - miệng là bệnh có thể xuất hiện nhiều biến chứng thần kinh, nhưng nếu được điều trị và chữa trị kịp thời thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn và không để lại biến chứng.

Nguyễn Thị Nguyệt (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Kim Lương, Kim Thành
Xin bác sĩ cho biết hiện tượng "run tay chân" trong bệnh tay chân miệng biểu hiện cụ thể thế nào?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Bệnh tay - chân - miệng có thể xảy ra biến chứng về rối loạn vận động. Dấu hiệu run tay, chân trong bệnh tay - chân - miệng xuất hiện khi không sốt, trẻ đứng im, nằm im. Ở trẻ lớn hơn biểu hiện đi loạng choạng.

Vũ Thanh Vân (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Tân Trường, Cẩm Giàng
Xin bác sĩ cho biết, nếu chỉ rửa tay bằng nước sạch có diệt khuẩn được không? Con tôi bảo trong trường học cô giáo ít nhắc rửa tay, vậy trung tâm y tế dự phòng có biện pháp nào phối hợp với Sở Giáo dục không?



Bác sĩ Đặng Hữu Thung: Rửa tay bằng nước sạch thì hiệu quả phòng bệnh không cao. Để phòng bệnh TCM thì phải rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi mặc, thay tã hoặc sau khi tiếp xúc với những vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bệnh.
Hiện nay, ngành y tế và ngành giáo dục đã có kế hoạch phối hợp về công tác phòng, chống bệnh TCM trong các trường học. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cho các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức tập huấn cho các  giáo viên mầm non và mẫu giáo về công tác  phòng, chống dịch (trong đó có công tác phát hiện bệnh, tư vấn, tuyên truyền và phối hợp tổ chức, bao vây, dập dịch).

Thanh Xuân (luuthanhxuan@yahoo.com.vn) - Địa chỉ:Pham Ngu Lao, TP Hai Duong
Ở các cổng trường học thường có những quán ăn rất đông các cháu nhỏ. Làm thế nào để phong t c m o những nơi này?Chúng tôi là công nhân, không có ai trong cháu ở nhà. Ở những lớp học, trường học có chùm ca bệnh t c m có đưa các cháu đến gửi được không?Việc điều trị bệnh t c m có được miễn phí hoàn toàn với tất cả các trường hợp trẻ mắc?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Trong lúc bệnh - tay - chân - miệng đang xảy ra, không nên cho trẻ ăn bốc, cầm tay trực tiếp các thức ăn, vì đường lây truyền chủ yếu của bệnh là qua đường tiêu hóa. Tốt nhất không nên cho trẻ ăn quà ở cổng trường học.

Khi nhà trẻ có chùm ca bệnh thì nhà trẻ đó phải đóng cửa để xử lý bệnh, sau 10 ngày sẽ mở cửa lại.

Trẻ em mắc bệnh tay - chân - miệng dưới 6 tuổi khi vào viện sẽ được miễn phí hoàn toàn. Trẻ trên 6 tuổi nếu đóng bảo hiểm y tế được hưởng các chế độ hiện hành của Bảo hiểm y tế.

Đỗ Thị Quỳnh (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ: Văn Tố, Tứ kỳ
Bệnh chân tay miệng sẽ gây ra biến chứng khi nào, trong trường hợp nào? Và có cách nào điều trị dự phòng các biến chứng hay không?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Bệnh tay - chân - miệng đa số là điều trị ở nhà, nhưng có thể có các biến chứng về thần kinh, tuần hoàn, hô hấp và đặc biệt suy đa phủ tạng. Để hạn chế tỷ lệ tử vong, bạn cần theo dõi khi thấy trẻ có các dấu hiệu sau đây phải đưa ngay đi bệnh viện:

- Rối loạn tri giác, biểu hiện là ngủ gà, lơ mơ.

- Rối loạn vận động, run chân, tay, đi lại loạng choạng ở trẻ lớn.

- Sốt cao, không đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt.

Đặng Quyền (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ: Phạm Kha, Thanh Miện
Nếu không xảy ra biến chứng, bệnh có tự khỏi hay không và khi nào thì kết luận là đã khỏi bệnh?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Bệnh tay - chân - miệng thường tự khỏi nếu không có biến chứng. Vì vậy, khi trẻ bị mắc bệnh tay - chân - miệng cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, thực hiện nghiêm ngặt chế độ vệ sinh. Từ lúc khởi phát, sau 10 ngày nếu không có dấu hiệu gì thì được coi là khỏi bệnh.

Phạm Thị Loan (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Lam Sơn, Thanh Miện
Hiện nay ở khu vực gia đình tôi ở có 6 trẻ dưới 3 tuổi đều đã bị mắc căn bệnh này, những trẻ này ở ngay gần sát nhà tôi. Con tôi đã 6 tuổi. Tôi rất lo lắng con mình sẽ bị lây nhiễm. Vậy cho tôi hỏi trẻ 6 tuổi trở lên có thể bị mắc bệnh không?

Bác sĩ Đặng Hữu Thung: Bệnh TCM mắc ở mọi lứa tuổi nhưng thường tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi vì vậy con bạn có thể mắc bệnh nếu con bạn có tiếp xúc với nguồn lây (trẻ mắc bệnh).

Nguyễn Văn Quý (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Ngô Quyền, Thanh Miện
Cho tôi hỏi loại hóa chất nào phù hợp nhất và phải làm bao nhiêu lần trong tuần, với liều lượng như thế nào? Nếu ở nhà thì cần chú ý dự phòng nhất ở những khu vực nào? Có thể dùng hóa chất để khử khuẩn quần áo, khẩu trang cho con không? Việc khử khuẩn quần áo, khẩu trang cho trẻ có cần thiết để phòng bệnh không?



Bác sĩ Đặng Hữu Thung:
Hiện nay, hóa chất dùng cho phòng, chống bệnh TCM là Cloramin B hàm lượng 25- 30% clo hoạt tính. Việc dùng Cloramin B trong công tác phòng, chống dịch TCM thì tùy theo khu vực, đồ vật, dụng cụ mà người ta sử dụng nồng độ Cloramin B cho phù hợp.

Ví dụ: Sát trùng bề mặt, vật dụng thì dùng dung dịch nồng độ 0,25%- 0,5% clo hoạt tính để lau nền nhà, bề mặt đồ vật, vật dụng...

Khử trùng tay ở khu vực điều trị cách ly bệnh nhân: tại điểm ra vào khu vực cách ly, nếu không có cồn hoặc các dung dịch diệt trùng nhanh khác thì phải có chậu đựng dung dịch 0,125% clo hoạt tính để cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân, khách đến thăm khử trùng tay mỗi lần ra vào (ngâm tay 1 phút, sau đó tráng bằng nước sạch).
Khử trùng bô, chậu ô nhiễm mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: ngâm bô, chậu ô nhiễm vào dung dịch nồng độ 0,5% clo hoạt tính trong ít nhất 30 phút trước khi đem rửa bằng nước sạch.

Khử trùng môi trường xung quanh: dùng cloramin B phun, phun 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày.

Trong gia đình, cần chú ý dự phòng ở những nơi ẩm thấp, những nơi có bệnh nhân ở và sinh hoạt, nơi đổ chất thải của bệnh nhân (nhà tiêu, nhà vệ sinh)...

Bạn nên dùng hóa chất để khử khuẩn (quần áo, khẩu trang) và cần thiết để phòng bệnh cho con. Khi con bạn bị bệnh thì phải dùng hóa chất để khử khuẩn quần áo, khẩu trang.

Trần Văn Huy (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Việt Hòa, Tp Hải Dương
Tôi thấy các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng thường diễn biến rất nhanh. Triệu chứng trong giai đoạn đầu thường rất khó phân biệt được với sốt thông thường. Do đó việc phát hiện đúng bệnh là rất khó. Bác sỹ có thể cho biết khi nào và với những triệu chứng nào thì nên cho trẻ đến cơ sở y tế là kịp thời nhất để đảm bảo không ảnh hưởng đến tính mạng trẻ?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Khi trẻ sốt với bất kỳ nguyên nhân gì, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị. Bệnh tay - chân - miệng thường chỉ chẩn đoán được ở giai đoạn khởi phát (xuất hiện tổn thương các nốt phỏng ở da và niêm mạc).

Đỗ Văn Đại (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Ninh Hải, Ninh Giang
Hiện tại, bệnh TCM đã xuất hiện chủng vi-rút mới có tên EV71, thuộc tiểu nhóm B thay vì nhóm C như những trường hợp đã thấy ở Việt Nam trước đây. Bác sỹ nói rõ hơn về loại vi rút mới này? Tại sao lại xuất hiện loại chủng vi-rút mới? Việc xuất hiện những chủng vi-rút mới đồng nghĩa với việc càng khó khăn hơn trong việc tìm ra 1 loại vắc-xin đặc trị loại bệnh này?

Bác sĩ Đặng  Hữu Thung: Bệnh TCM do nhóm vi rút đường ruột (enterovirus) gây nên. Nhóm vi rút đường ruột gây bệnh cho người gồm: Poliovirus, Coxsackievirus A (24 chủng), Coxsackievirus B (6 chủng), Echovirus và enterovirus 68-71. Trong đó các virut gây bệnh TCM: 11 chủng thuộc Coxsackievirus A (từ 2 đến 8, 10, 12, 14, 16); 4 chủng thuộc Coxsackievirus B (1,2,3,5) và enterovirus 71, phổ biến là Coxsackievirus A16 và enterovirus 71.

Bệnh TCM do các chủng enterovirus khác thường ở thể nhẹ, ít có biến chứng; do Enterovirus 71 nguy hiểm hơn và thường gây các biến chứng thần kinh nặng và có thể dẫn đến tử vong. Vậy chủng EV71 không phải chủng vi rút mới.

Đỗ Lâm (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Khoái Châu, Hưng Yên
Con trai của tôi năm nay 18 tháng tuổi hiện đã đi khám và đang điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên các bác sỹ ở đây khám và bảo cháu bị chân tay miệng. Từ hôm điều trị tới nay đã 6 ngày nhưng từ ngày thứ tư cháu không ăn được gì, cứ ăn vào là bị nôn. Xin hỏi bác sỹ có phải đưa cháu lên bệnh viện tuyến trên không?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Bệnh tay - chân - miệng thường có dấu hiệu gây tổn thương niêm mạc miệng, làm cho trẻ không dám ăn, vì vậy bạn phải xử lý vệ sinh răng miệng bằng cách lau rửa dung dịch Natridicacbonnat sau 1, 2 ngày trẻ sẽ ăn được. Khi trẻ nôn nhiều mà không ăn được cần tìm các nguyên nhân gây nôn và truyền dịch bằng đường tĩnh mạch tại bệnh viện bạn đang điều trị.

Vũ Thị Tuyết (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Thái Hòa, Bình Giang
Trước hết tôi xin cảm ơn báo Hải Dương điện tử đã có chương trình giao lưu rất bổ ích về đề tài "Tay chân miệng". Tôi xin hỏi, tôi có bé gái được gần 6 tháng. Hiện nay, trên người cháu có một số nốt đỏ, gần giống rôm sảy, mọc lấm tấm ở mông, vùng trán, đầu và sau má. Bé không bị sốt, vẫn ăn và chơi bình thường. Vậy thì, tôi phải làm những gì để tránh cho bé nguy cơ bị tay chân miệng ngoài việc chăm sóc vệ sinh tay, thân thể bé, lau chùi nhà cửa bằng Cloramin B?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Bệnh tay - chân - miệng cần được phân biệt với bệnh sốt phát ban mùa xuân, bệnh thủy đậu, dị ứng và các bệnh sẩn ngứa khác. Nếu con bạn có các biểu hiện đấy, bạn nên đưa con bạn đến các cơ sở y tế để chẩn đoán nguyên nhân.

Trần Thị Hạnh (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Thống Nhất, Gia Lộc
Tỉnh có lập các đoàn kiểm tra về dịch TCM? Trách nhiệm của ngành Y tế như thế nào nếu dịch bệnh này bùng phát trên địa bàn?



Bác sĩ Đặng Hữu Thung:
Để phòng, chống bệnh TCM trên địa bàn toàn tỉnh thì tỉnh ta đã có kế hoạch phòng, chống các loại dịch bệnh năm 2012 nói chung và phòng, chống dịch TCM nói riêng. Đồng thời, đã tổ chức thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người từ tỉnh đến xã. Các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch đã tổ chức triển khai các hoạt động đồng thời kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương. Ngành y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch tham gia kiểm tra, tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ làm công tác phòng, chống dịch từ tỉnh tới cơ sở, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc; phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi có dịch xảy ra, phối hợp với các ngành, các đơn vị trong ngành y tế tổ chức bao vây, dập dịch kịp thời.

Phạm Thanh Hoàn (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Thanh Thủy, Thanh Hà
Đề nghị bác sỹ hướng dẫn cách phân biệt bệnh tay chân miệng với bệnh loét miệng do vi rút vì theo tôi được biết, bệnh tay chân miệng có trường hợp chỉ có vết loét ở miệng?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Ở nước ta trẻ em thường bị mắc bệnh viêm loét miệng vào tháng 3, 4 và tháng 10, 11. Bệnh này khác hẳn bệnh tay - chân - miệng ở điểm cơ bản là không có biến chứng và chỉ có tổn thương ở miệng với các vết loét trợt đỏ hoặc nốt rộp màu trắng ở miệng của trẻ, làm cho trẻ chảy nhiều nước dãi, trẻ bị đau miệng và không ăn được nhưng không có tổn thương phỏng nước ở các vị trí khác. Bệnh này theo đông y nên cho trẻ ăn các thức ăn có tính mát như nước hoa quả, bột sắn dây... là được.

Phan Thanh Hà (hathanh@gmail.com) - Địa chỉ:Phường Nhị Châu, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương
Gia đình tôi có nhận trông và chăm sóc 5 trẻ từ 2 đến 4 tuổi (đa số là cháu họ). Do không hiểu biết nên 1 em đã mắc bệnh tay-chân-miệng sau đó lây nhiễm sang 1 bé khác, hiện tôi đã cho các cháu nghỉ. Xin bác sĩ cho biết tôi phải làm gì với môi trường nhà mình? Thời gian bao lâu thì đón các bé đến để trông nom?

Bác sĩ Đặng  Hữu Thung: Hiện nay gia đình bạn đang trông giữ các cháu và đã có cháu bị mắc bệnh TCM, bạn đã cho các cháu nghỉ. Để thực hiện công tác phòng chống dịch, bạn báo cáo với cơ quan y tế gần nhất, họ sẽ tư vấn và phối hợp về công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nội dung bạn hỏi thì xin được trả lời:

- Đồng ý với bạn là để các cháu nghỉ. Thời gian cách ly và không đến lớp ít nhất 10 ngày kể từ khi khỏi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các nốt phỏng.

- Tại nơi trông giữ cháu phải xử lý môi trường bằng hóa chất

- Tất cả các dụng cụ, đồ chơi của các cháu cũng được xử lý bằng hóa chất.


Nguyễn Liên (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Kỳ Sơn, Tứ Kỳ
Tôi có con gái 11 tháng tuổi bị mắc bệnh chân tay miệng. Khi đi xét nghiệm thì Bệnh viện Nhi Hà Nội nói dương tính với virus EV nhưng không nói rõ là thuộc loại chủng nào. Hiện nay tôi rất băn khoăn về bệnh của cháu, rất mong các bác sỹ cho tôi lời khuyên và cách phòng ngừa sau khi khỏi bệnh?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Như bạn đã biết, bệnh tay - chân - miệng nguyên nhân chủ yếu do vi-rút đường ruột, rất nhiều chủng EV, mà chủng nguy hiểm nhất là EV71. Bệnh không có miễn dịch, vì vậy con bạn rất dễ bị tái nhiễm do chính chủng vi-rút EV và các loại vi-rút khác. Tốt nhất bạn nên thực hiện chế độ vệ sinh nghiêm ngặt cho con bạn.

Phạm Nhung (phamnhunggl@gmail.com) - Địa chỉ:Yết Kiêu, Gia Lộc
Nếu người lớn chăm bé bị bệnh tay chân miệng thì có cần cách ly người lớn này luôn không và thời gian cách ly an toàn nhất để tránh không lây bệnh cho bé khác là bao nhiêu ngày? Có khi nào người lớn bị lây bệnh nhưng không biểu hiện bệnh ra ngoài mà vẫn khả năng lây cho bé khác không?

Bác sĩ Đặng Hữu Thung: Bệnh TCM mắc ở mọi lứa tuổi, vì vậy người lớn vẫn có thể mắc bệnh. Khi đã bị bệnh thì phải cách ly. Nếu bệnh nhân được điều trị tại nhà theo quy định thì phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh. Đồng thời, nếu bạn chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.

Nguyễn Thị Thúy (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương
Con trai tôi 5 tuổi, học lớp mẫu giáo lớn, thời gian của cháu ở trường từ 7h30 đến 17h trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7. Ở trường có một số bạn bị mắc tay chân miệng học cùng lớp thì tôi phải làm sao? Có cần đưa cháu đi khám không?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Trong trường hợp này, vì con bạn đã 5 tuổi, bạn có thể hướng dẫn cho cháu bằng cách rửa tay bằng xà phòng, không cho tay vào miệng, không cầm trực tiếp các thức ăn đưa vào miệng... Khi con bạn chưa có biểu hiện tổn thương da và niêm mạc miệng do các nốt phỏng thì chưa cần đưa cháu đi khám.

Nguyễn Thành Phong (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Lương Tài, Bắc Ninh
Với cháu bé 1,5 tháng tuổi bị bệnh chân tay miệng thì phác đồ điều trị như thế nào? Xin cám ơn bác sỹ?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Ở những trẻ dưới 2 tháng, sức đề kháng rất kém, khi bị mắc bệnh tay - chân - miệng hoặc thủy đậu... thường diễn biến phức tạp, vì vậy nếu như chưa có biến chứng chỉ cần điều trị tại nhà với chế độ vệ sinh và bú đầy đủ. Cần theo dõi các dấu hiệu để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời như trẻ ngủ cả ngày không chịu bú hoặc trẻ khóc liên tục, vô cớ mà không chịu bú, đặc biệt ở trẻ này thường không sốt cao, nếu bị bệnh nặng thường hay xảy ra hạ thân nhiệt. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu này cần đưa trẻ đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

Trung Kiên (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Thúc Kháng, Bình Giang
Bộ Y tế đã phát động chiến dịch quốc gia phòng chống dịch TCM. Tỉnh Hải Dương hưởng ứng như thế nào?

Bác sĩ Đặng Hữu Thung: Để làm tốt công tác phòng, chống dịch TCM, Bộ Y tế đã tổ chức mít tinh chiến dịch quốc gia phòng chống bệnh TCM. Hưởng ứng chiến dịch quốc gia phòng chống bệnh TCM, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch nguy hiểm ở người tỉnh Hải Dương đã tổ chức mít tinh hưởng ứng chiến dịch quốc gia phòng, chống bệnh TCM ngày 27- 3-2012 tại thị trấn Gia Lộc, bao gồm: mít tinh, diễu hành hưởng ứng chiến dịch, thực hành rửa tay bằng xà phòng.

Trường Giang (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Phú Thái, Kim Thành
Thưa bác sĩ, có khi nào trẻ em lại lây bệnh cho người lớn không? Uống vitamin C có được coi là cách phòng bệnh không?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Bệnh tay - chân - miệng có thể lây sang cả người lớn, đặc biệt là cha mẹ trẻ mắc bệnh. Hiện nay, để tăng cường sức đề kháng cho trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng, các bậc cha mẹ nên dùng các loại vi-ta-min dạng si-rô chứ không nên dùng vi-ta-min C đơn thuần, khi không có chỉ định của bác sĩ; đặc biệt là loại vi-ta-min C dạng kẹo bán trên thị trường không phải do cơ sở y tế sản xuất, loại này có nguy cơ dễ gây đái đường.

Văn Dương (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Bình Minh, TP Hải Dương
Trường Mần non Bình Minh (TP Hải Dương) đã xuất hiện học sinh mắc bệnh CTM, tôi cũng có con theo học trường này, tôi rất lo lắng, tôi có nên cho con tôi nghỉ học?

Bác sĩ Đặng Hữu Thung: Khi ở các trường mầm non, mẫu giáo có các cháu bị mắc TCM với số lượng 2 trường hợp mắc bệnh trở lên, trong vòng 7 ngày có liên quan dịch tễ với nhau được gọi là ổ dịch. Nếu trường của con bạn có ổ dịch thì bạn nên cho con bạn nghỉ để cách ly. Sau 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày khởi phát của trường hợp mắc bệnh cuối cùng thì bạn có thể cho con đi học trở lại.

Nguyễn Thị Oanh (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Kim Đính, Kim Thành
Khi đã xét nghiệm dương tính với virus chân tay miệng, bệnh nhi đang có triệu chứng của viêm họng/phế quản/ho đờm thì có nên dùng kháng sinh liều cao để điều trị và ngăn ngừa việc "lẫn triệu chứng" với biến chứng của chân tay miệng hay không?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Bệnh tay - chân - miệng thường làm giảm sức đề kháng cho trẻ, vì vậy khi trẻ bị mắc bệnh viêm phế quản, viêm họng, viêm phổi... cần phải đưa đến các cơ sở y tế để khám và điều trị tích cực như dùng kháng sinh và các thuốc hỗ trợ khác song song với việc điều trị tay - chân - miệng.

Lê Kin (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:TP Hải Dương
Thưa các bác sĩ, bệnh TCM nguy hiểm, mọi người đều biết. Nhưng ở một số trường mầm non tại TP Hải Dương đã và đang xuất hiện tình trạng giấu bệnh của học sinh. Tôi biết tại 1 trường mầm non, nhiều phụ huynh đã đến to tiếng với giáo viên do không thông báo về tình trạng dịch bệnh của học sinh để phụ huynh phòng, chống. Vậy theo các bác sĩ, cơ quan chức năng đã (hoặc sẽ) có hình thức tuyên truyền, hay xử lý thế nào đối với tình trạng này?

Bác sĩ Đặng Hữu Thung: Để phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả khi có bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm thì phải báo cáo với các cơ quan chức năng để tổ chức điều tra, giám sát. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, cơ quan thường trực phòng, chống dịch của tỉnh chưa nhận được thông tin về hiện tượng, tình trạng giấu dịch. Vì vậy, nếu bạn phát hiện những triệu chứng có biểu hiện của bệnh TCM thì bạn phản ánh với cơ sở y tế gần nhất hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (điện thoại đường dây nóng: 03203 846408) để kịp thời xử lý.

Vũ Thị Hòa (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ: Đồng Lạc, Chí Linh
Con tôi năm nay 6 tuổi, đang học lớp 1. Con tôi bị loét miệng, có 1 chấm nhỏ bằng hạt đỗ. Cháu không bị sốt và chân tay không có vấn đề gì. Cháu vẫn đi học và ăn uống bình thường. Xin bác sỹ cho hỏi bệnh đó là bệnh tay chân miệng hay chỉ là nhiệt miệng thông thường?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Hiện tại con bạn chưa có biểu hiện của bệnh tay - chân - miệng, bạn cần thực hiện tốt các chế độ vệ sinh nghiêm ngặt và theo dõi, nếu con bạn có sốt cao, không chịu chơi, bạn nên đưa con bạn đến cơ sở y tế để khám.

Hoàng Văn Thùy (hoangthuy@gmail.com) - Địa chỉ:Cổ Mệnh, Bắc An, Chí Linh
Xin hỏi bác sĩ tôi ở xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi. Cháu nhà tôi 18 tháng tuổi có triệu chứng bệnh tay-chân-miệng, tôi đưa cháu đến Trạm y tế xã khám và điều trị có được không? Nếu không được thì phải đưa đi tuyến nào?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Khi con bạn có những biểu hiện nghi ngờ về bệnh tay - chân - miệng, bạn có thể đến Trạm y tế xã khám và điều trị tại nhà. Nhưng trong quá trình điều trị, bạn cần theo dõi, nếu như có các dấu hiệu sau đây thì phải đưa đi bệnh viện:

- Rối loạn tri giác như ngủ gà.

- Rối loạn vận động như run chân, tay.

- Sốt cao mà không đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt.

Đinh Thành Phát (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Tân Bình, TP Hải Dương
Qua công tác phòng, chống bệnh TCM vừa qua, tỉnh ta đã rút những bài học gì trong công tác phòng, chống dịch nguy hiểm ở người nói riêng và phòng chống dịch bệnh nói chung?

Bác sĩ Đặng Hữu Thung: Trong thời gian qua, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh đã thu được một số kết quả, không để dịch bùng phát nhanh và không có tử vong.    

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là, sự quan tâm, vào cuộc của các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành chưa cao; nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch hạn chế.

Trong thời gian tới, đặc biệt trong 3 tháng tới, tỉnh ta đặt ra mục tiêu giải quyết được bệnh dịch TCM trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tử vong do dịch TCM. Trong đó, tập trung vào một số hoạt động trọng tâm như: tăng cường vai trò chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch. Ban chỉ đạo tham mưu cho UBND xây dựng kế hoạch tăng cường phòng, chống bệnh dịch TCM, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch; tạo mọi điều kiện bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực bảo đảm các hoạt động phòng, chống dịch chủ động tại các địa phương. Ngành giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường, quản lý sức khỏe của học sinh, thông báo ngay cho các đơn vị y tế khi phát hiện có trẻ mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời...

Hữu Định (giaoluubhd@gmail.com) - Địa chỉ:Đức Xương, Gia Lộc
Khi bệnh nhân mắc TCM đến bệnh viện quá đông thì Bệnh viện Nhi Hải Dương xử lý thế nào?

Bác sĩ Bùi Văn Chân: Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về vấn đề điều trị bệnh tay - chân - miệng tại bệnh viện, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các thuốc thiết yếu để điều trị bệnh tay - chân - miệng của từng giai đoạn bệnh như: máy thở, thuốc tăng cường miễn dịch Gammaglôbulin (Bảo hiểm y tế thanh toán 100%). Vừa qua, khi lưu lượng bệnh nhân tay - chân - miệng lên tới 60 trẻ hằng ngày, chúng tôi đã có các phương án cụ thể như: dành buồng của nhân viên và tận dụng những nơi có thể để xếp bệnh nhân. Nếu trường hợp xấu, bệnh nhân quá đông chúng tôi đã có phương án căng bạt ra nhà xe nhân viên, Công ty CP Dược Hải Dương sẵn sàng cho mượn 100 giường khi có yêu cầu của Bệnh viện Nhi Hải Dương. Trong trường hợp bất khả kháng khi bệnh nhân tay - chân - miệng cần phải lọc máu tại chỗ trong trường hợp không thể chuyển bệnh nhân lên trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương sẵn sàng ứng cứu và mang các thiết bị cần thiết cho Bệnh viện Nhi Hải Dương.

Thời gian giao lưu đã hết. Xin chân thành cảm ơn các vị khách mời và bạn đọc!