Cha mẹ hai VĐV rowing bỏ trốn tại Úc nói gì?

Trong nước - Ngày đăng : 16:02, 28/03/2012

"Sau này, nếu biết tin nó về được, không còn ở ĐTQG cũng đành chịu. Không được tập luyện và thi đấu thể thao thì chắc chắn sẽ phải tìm công việc khác mà làm."

>>2 VĐV đua thuyền VN bất ngờ bỏ trốn tại Úc

Giống như các cụ thân sinh của Phương Đông, bố mẹ của Lương Đức Toàn, một trong hai VĐV rowing bỏ trốn tại Australia nửa tháng trước vốn dĩ là những người nông dân chân lấm, tay bùn. Nếu không có sự kiện con trai của họ “đào ngũ” khỏi thành phần ĐTQG khi đi tập huấn tại nước ngoài thì có lẽ, ít người biết đến gia cảnh cùng những lời tâm sự của ông bà Lương Đức Na - Phạm Thị Toan.


Thôn Lương Ngọc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương, một vùng quê yên bình như bao làng quê khác ở Bắc Bộ Việt Nam vốn là một vùng đất thuần nông. Thế nhưng, tự nơi đây cũng sản sinh ra không ít người tài ở nhiều lĩnh vực khác nhau mà một trong số đó là VĐV rowing, Lương Đức Toàn đã là tuyển thủ QG, từng thi đấu và mang về rất nhiều huy chương tại các giải đấu trong nước cũng như quốc tế.


Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi đi, ông bà Lương Đức Na và Phạm Thị Toan sẽ vẫn cứ ngày ngày sống và làm những công việc đồng áng quen thuộc nếu không có chuyện cậu con trai út trong gia đình đi tập huấn cùng ĐT rowing QG tại Australia chuẩn bị cho vòng loại Olympic London 2012 nhưng lại không về nước cùng các thầy trong BHL cùng những đồng đội của họ.

Vẫn biết rằng, với việc tự ý rời khách sạn nơi ĐT đóng quân đêm trước ngày về nước, mặc quần áo cộc, bỏ lại tư trang, đồ đạc, hộ chiếu visa cũng chính là hành động bỏ trốn. Vậy nhưng, ông Na, bà Toan vẫn không tin hay không muốn tin con trai mình đã làm những việc dại dột và tai tiếng như thế.

Bố mẹ của VĐV Lương Đức Toàn. Ảnh: HĐ


“Gia đinh cho đến giờ phút này chưa biết gì cả. Chỉ mong muốn biết được tin cháu hiện nay như thế nào. Một là ra ngoài làm ăn, hai là thế nọ, thế kia. Gia đình chúng tôi lo thì rất lo nhưng không có cách nào khác cả. Lo thì lo thôi chứ không biết làm thế nào khác được. Toàn chưa liên lạc về và chúng tôi cũng không có cách gì liên lạc với em nó.

Gia đình nhận được tin rất sửng sốt mà cũng không biết là em nó trốn ra ngoài hay bị thế này thế kia. Mong muốn trước tiên của gia đình tôi là nhận được tin của cháu. Bây giờ không biết là bị bắt cóc hay trốn ra ngoài nên càng lo. Nếu trốn ra ngoài đã đành, còn bắt cóc thì lại là chuyện khác”
, ông Lương Đức Na thành thật trả lời.

Trong khi đó, với tâm lý của một người mẹ thì cậu con trai út Lương Đức Toàn dù đã lớn (sinh năm 1992), đã có thể quyết định mọi chuyện và không còn nông nổi nữa nhưng vẫn còn phải lo lắng. Nhắc đến Đức Toàn, bà Toan nói mà giọng như nghẹn lại:

“Em nó cứ về đến nhà có việc là làm ngay, việc gì cũng làm. Đang gặt em nó cũng bảo xếp đầy lúa vào cho nó gánh. Nó bảo chúng tôi ở ĐT gánh 100kg tập còn gánh được, lo gì. Trăm sự nhờ các anh các chú tìm giúp cháu. Bố mẹ chỉ biết thế thôi chứ chả làm thế nào được.

Cô chú rất mong muốn con về được giữ lại ĐT, giữ lại kết quả đã có mấy năm nay rồi. Chúng tôi thì rất mong muốn chứ không phải không nhưng tùy cháu thôi, bố mẹ không quyết định được, giờ cháu lớn rồi. Là người mẹ, tôi cũng không biết em nó bị bạn bè rủ rê hay như thế nào, bố mẹ ở nhà không biết. Em nó lớn rồi, tự nó quyết định thôi”.


Khi được hỏi, liệu có phải vì muốn giúp đỡ gia đình về kinh tế, kiếm thêm thu nhập mà Toàn đã cùng đồng đội của mình bỏ trốn để ra ngoài kiếm việc làm, ông Na nói:

“Em nó vừa đi học đi làm nên chúng tôi chả yêu cầu gì cả. Còn hỗ trợ thì nói thực sự gia đình chúng tôi cũng không có gì hỗ trợ em nó cả. Ăn, uống ngủ nghỉ mọi cái của em nó ĐT lo cả. Vừa rồi đi thi đấu về em nó được ít tiền đã biếu bố mẹ. Anh của Toàn làm công ty trên huyện, chị cũng làm công ty rồi. Liên lạc được với em nó khó lắm nhưng nếu có tin thì đã mừng.

Sau này, nếu biết tin nó về được, không còn ở ĐTQG cũng đành chịu. Không được tập luyện và thi đấu thể thao thì chắc chắn sẽ phải tìm công việc khác mà làm.

Dù sao tôi nghĩ ở ĐT vẫn là hay hơn. Nó đang theo học Đại học sau này ra trường có cái bằng làm giáo viên vẫn là hay nhất. Không mong muốn gì hơn, công việc, thu nhập đều đều chứ làm những việc bập bõm, nay thế này mai thế kia thì không hay lắm.

Nếu không có chuyện gì xảy ra thì với cá nhân gia đình tôi và ĐT vẫn là hay hơn cả. Nếu em nó ra khỏi ĐT hợp pháp thì vẫn hay hơn. Lao động chính đáng dù được ít tiền vẫn còn hơn được nhiều nhưng đó là lao động không chính đáng. Gia đình không bao giờ khuyên em làm chuyện bất hợp pháp”.


Hải Đăng (VNN)