Kinh Môn phát triển từ những luồng gió mới

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:05, 28/03/2012

Đến năm 1997, huyện Kinh Môn được tái lập. Tư duy được giải phóng thì sự sáng tạo được chắp cánh bay lên, con người thành năng động.



Nhà máy mọc lên trên cánh đồng Hiệp Thượng


Năm 1960, tôi xách vali về Kinh Môn nhận công tác. Qua đò Thái chúng tôi đi bộ về UBND huyện. Con đường nhựa nhỏ và gồ ghề, vắng người đi lại.

Cơ quan huyện nằm trên quả đồi giữa thị trấn Đồn Lưu, nơi đây cũng là cơ quan của bộ máy chính quyền huyện thời Pháp thuộc. Hai lối lên xuống đều là lối mòn. Mấy cây đa cổ thụ và gần chục cây phượng vĩ tạo cho quả đồi màu xanh và bóng mát. Đứng trên đồi, nhìn dòng sông Kinh Thầy lượn quanh, thuyền buồn xuôi ngược, bên kia là núi đá Trại Sơn cao, đồ sộ tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình. Tầm trưa, tiếng mìn phá đá ở núi Vạn Chánh và Trại Sơn thi nhau nổ. Bụi đá trắng mờ. Đá lăn rào rào. Cả huyện lúc ấy mới có ba cơ sở công nghiệp là khai thác cao lanh ở Tử Lạc, khai thác đá ở Phú Thứ và xí nghiệp vôi với sáu lò nung, mỗi lò có hai khẩu lò. Nói là công nghiệp nhưng máy móc chưa có gì đáng kể. Mấy chiếc ô-tô, mấy chiếc khoan đá để đặt mìn. Vậy thôi.

Có đến Kinh Môn mới hiểu thế nào là "hòn đảo Kinh Môn" như người ta vẫn nói vui. Song vui mà vẫn đúng sự thật vì bao quanh huyện toàn là sông lớn. Sông Kinh Môn bọc ở phía Nam. Sông Kinh Thầy bọc ở phía tây, phía đông và phía bắc. Không những thế, sông Kinh Thầy còn đi qua giữa huyện cắt 5 xã Minh Tân, Tân Dân, Phú Thứ, Hoành Sơn và Duy Tân thành đảo của đảo. Bất kỳ từ Kinh Môn sang huyện nào cũng phải đi đò. Sang Kim Thành thì đò Mây, đò Phủ, đò Thái. Sang Hải Phòng qua đò Dinh, đò Nống; sang Đông Triều thì đò Triều, đò La, đò Hạ Chiểu; sang Nam Sách thì đò Cuốc, đò Lê Ninh. Đấy là chưa kể những đò lớn, quen thuộc. Cảnh đò giang sông nước lúc gió to, nước cả, hay lũ về hoặc cảnh đêm hôm chợ búa, hoặc dịp Tết, hoặc ngày lễ… Đò nặng, sông sâu, sóng lớn… qua bờ mới hết lo sợ, mới biết mình còn sống. Sông nhiều, đầm bãi Kinh Môn cũng nhiều. Sau mỗi trận mưa nhiều làng ngập lụt.

Đường sá cũng thế. Duy nhất có con đường nhựa từ phà Mây đến bến Triều, về huyện lỵ rồi ra đò Thái. Nhưng đường nhỏ, nhiều đoạn bị phá trong kháng chiến chống Pháp nay đắp lại bằng đất lởm chởm, gồ ghề. Từ Minh Tân ra An Lưu là đường mòn bờ ruộng, mặt đường chừng một mét. Đi xe đạp còn sợ. Chưa bao giờ thấy bóng xe cơ giới.

Làng quê xơ xác, chủ yếu là tre. Nhà nào cũng tường đất, mái rạ. Hiếm hoi lắm mới có nhà trình tường vôi hoặc xây gạch. Cảnh làng quê miền đồi núi là thế.

Ở Kinh Môn, có lẽ chỉ có các làng Hạ Chiểu, Bích Nhôi, Tử Lạc (xã Minh Tân) có nhiều người sang làm công nhân mỏ than Mạo Khê và mỏ cao lanh. Ở Vạn Chánh có một số làm công nhân mỏ đá. Còn lại hầu hết là làm ruộng đơn thuần. Đời sống đã nghèo lại gặp chiến tranh chống Mỹ, trai tráng lên đường. Còn lại làm hợp tác là người già, phụ nữ và trẻ em. Hạt thóc chia ba. Nghèo lại càng nghèo, khó lại thêm khó.

Tiếp sau chiến tranh là thời kỳ bao cấp. Một ngày công người dân được hai ba lạng thóc. Ngoài ra chẳng có chế độ hàng hóa gì. Dân đói cơm, thái rau muống phơi khô ăn độn. Mở nồi cơm, hơi bốc lên ngai ngái. Cơm độn sắn khô, khoai khô. Nhiều nhà không cả có sắn khoai mà độn cho no bụng. Tết vừa xong, nhà nào, nhà ấy nào bao, nào bì, đòn gánh, dây buộc lên tàu đi Bắc Giang mua sắn khô về chống đói tháng ba. Nhiều người đi bộ qua Đông Triều hoặc Chí Linh lên Bắc Ninh, Bắc Giang mua sắn. Gánh sắn nặng, đường dài, bụng đói mà vẫn đi bộ hàng trăm cây số để có miếng ăn. Cơ cực hết chỗ nói. Cán bộ cũng chẳng hơn gì. Hầu hết là lương thấp, gạo 13 cân rưỡi, nửa cân thịt, nửa ký đường mỗi tháng.

Tháng 2-1979, Kinh Môn lại nhập với Kim Thành tạo ra huyện mới Kim Môn. Một loạt nhà làm việc của cơ quan đóng cửa để đấy. Khu vực UBND huyện rêu bắt đầu mọc, cỏ và dây hoang bò vào tận cửa, leo lên tường. Dơi đến làm tổ. Mùi ẩm mốc lạnh lẽo xông lên. Cán bộ sang huyện mới làm việc cảm thấy lạ lùng như đi làm cho ai. Tờ mờ sáng đã gò lưng đạp xe đi để còn kịp qua đò. Có người phải qua hai đò. Ngày nào cũng nơm nớp sợ nhỡ đò, sợ xe hỏng săm, tuột xích…

Không cam chịu mãi đói nghèo, thiếu thốn và sự tù túng, chật hẹp trong không khí bao cấp, cuộc sống đã vận động tìm ra lối đi mới mà Đảng ta đã có chính sách mở cửa bắt đầu từ năm 1986. Đến năm 1997, huyện Kinh Môn được tái lập. Luồng gió mới ào ạt thổi vào Kinh Môn. Tư duy được giải phóng thì sự sáng tạo được chắp cánh bay lên, con người thành năng động. Con người được làm chủ đất đai của mình, làm chủ sức lực của mình thì năng suất lên cao. Ruộng đồng được giải phóng, con số 5 tấn thóc/ha đã thành lạc hậu. Lúa bạt ngàn. Thóc thừa ăn. Đã thế, vụ đông lại mở ra thành vụ chính bạt ngàn hành, tỏi, rau, dưa… Cơm no, sắn không dùng đến, đồi núi Kinh Môn thành rừng xanh bát ngát. Bao nhiêu vườn đồi, vườn bãi xuất hiện. Vải thiều từ Thanh Hà sang sinh sống ở Kinh Môn mà vẫn trĩu cành quả ngọt. Rồi na, ổi, nhãn, táo, chuối… vô vàn, bán không xuể, ăn không thấu, rẻ như cho.

Góp thêm vào ngọn gió đổi mới là luồng gió sản xuất lớn, khoa học và hiện đại. Máy cày, máy bừa loại to, loại nhỏ đã quá nhiều. Nữ nông dân phóng xe máy, mang máy bơm nước ra đồng. Gặt xong, xếp lúa lên bờ, lấy di động gọi ô-tô ra chở về rồi lại gọi máy tuốt đến, loáng cái là xong. Nông dân mở trang trại nuôi gà, vịt, cá sấu, ba ba, chim cút. Cây măng tây mãi nước Úc, con đà điểu mãi châu Phi…vậy mà nông dân Kinh Môn đưa về đây nuôi, trồng rất kết quả. Con cá sấu hung dữ, con rắn độc cắn chết người vẫn phải ngoan để nông dân Kinh Môn khai thác… Bao nhiêu cái mới, cái hay, cái tốt đẹp của nông nghiệp Kinh Môn làm sao nói hết được.

Nhớ thời còn thiếu niên, học cấp 2, chúng tôi phải đi bộ lên thị xã Hải Dương mới xem được cái kính hiển vi, sang thị trấn Ninh Giang mới được xem nhà máy xay. Bây giờ thì Kinh Môn thành huyện công nghiệp rồi. Mở đầu cho thời kỳ công nghiệp hiện đại, đúng vào sinh nhật Bác 19-5-1977 đã khởi công xây dựng Nhà máy Xi-măng Hoàng Thạch, dây chuyền 1. Tháng 11-1983, mẻ xi-măng đầu tiên ra đời. 9 năm sau (1993) lại khởi công xây dựng dây chuyền 2. Xi-măng Hoàng Thạch trở thành nhà máy xi-măng lớn nhất Đông Nam Á. Khu đồi núi Hoàng Thạch, Tử Lạc từ ngàn năm heo hút, hoang vu nay bừng lên sức sống, sức trẻ, sôi động, mạnh mẽ. Từ đó, xi-măng gọi xi-măng, công cuộc xây dựng lên tiếng gọi. Hàng loạt nhà máy xi-măng như Duyên Linh, Vạn Chánh cùng hàng chục nhà máy xi-măng tư nhân đồng loạt xuất hiện. Gần đây, Nhà máy xi-măng Phúc Sơn lại mọc lên trên cánh đồng Vạn Chánh. Kinh Môn thành trung tâm xi-măng của cả nước. Rồi các cụm công nghiệp Long Xuyên, Hiệp An ra đời với nhiều nhà máy chế tạo phân bón, bê-tông dự ứng lực, giày da… Rồi liên hợp thép Hòa Phát về Hiệp Sơn với nhiều nhà máy sản xuất lớn và gần đây nhất là khởi công Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương tại xã Phúc Thành, ven sông Kinh Thầy, một nhà máy có công suất lớn hơn Nhiệt điện Phả Lại vốn đã từng nổi tiếng. Có công nghiệp thì phải có cầu, đường. Vì thế, ngày 5-5-2003 lễ khởi công làm đường 188 từ Phú Thái qua Kinh Môn sang Mạo Khê cùng hai cây cầu lớn: cầu Hiệp Sơn qua sông Kinh Thầy, cầu Đá Bạch qua sông Đá Bạch đã được tiến hành. Trước đó, tháng 1-2000, cầu An Thái đã thông xe. Đến tháng 2-2008, cầu Hiệp Sơn cũng được khánh thành. Tiếp theo, cầu Đá Bạch cũng hoàn tất. Ba cây cầu lớn đã xóa đi khái niệm hòn đảo Kinh Môn. Đường rộng, cầu to, xe bon bon xuôi ngược. Công nghiệp và giao thông phát triển kích thích thị trường tiêu dùng đi lên, thương nghiệp và dịch vụ mở mang rộng lớn. Kinh Môn từ chỗ chỉ có một thị trấn An Lưu (năm 2004, được đổi thành thị trấn Kinh Môn) đã được thành lập hai thị trấn Minh Tân, Phú Thứ theo Nghị định 131 của Chính phủ. Thị tứ mọc lên khắp nơi. Phố làng xuất hiện đâu đâu cũng có. Siêu thị, hàng ăn, nhà nghỉ, chợ lớn, chợ nhỏ đua nhau mọc lên, hàng hóa tràn ngập, tấp nập người mua kẻ bán từ sáng đến tối.

Bất kỳ đi vào làng nào, từ ven đường đến tít mù trong xóm núi, nhà cao tầng đua nhau mọc đủ kiểu, đủ dáng, đủ màu. Đường làng bê-tông. Điện giăng tận hẻm núi. Cuộc sống như thế khỏi phải nói đến văn hóa, y tế, giáo dục phát triển như thế nào.

Thêm một mùa xuân nữa, mùa xuân đưa Kinh Môn đến gần cái đích "thị xã Kinh Môn". Lại một luồng gió mới sắp về.

VĂN DUY