Lễ hội chùa Trông

Di tích - Ngày đăng : 16:34, 01/04/2012

Năm nay, lễ hội có ý nghĩa đặc biệt, quan trọng vì được ghi hình để củng cố hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia.



Chùa Trông sẵn sàng bước vào mùa lễ hội 2012


Chỉ còn vài ngày nữa là vào mùa Lễ hội truyền thống chùa Trông, xã Hưng Long (Ninh Giang). Địa phương đang khẩn trương hoàn thành công tác trang trí khánh tiết, bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường để lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn. Năm nay, lễ hội có ý nghĩa đặc biệt, quan trọng vì được ghi hình để củng cố hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Chính vì vậy công tác chuẩn bị được ban tổ chức chú trọng hơn. Ông Bùi Trác Nghiên, cán bộ văn hóa xã Hưng Long cho biết: “ Năm nay, Ban tổ chức thành lập 3 tiểu ban gồm: tiểu ban lễ, tiểu ban hội và tiểu ban an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể. Các tiểu ban sẽ kết hợp chặt chẽ với nhau để lễ hội được diễn ra trang nghiêm, thành kính. Ban tổ chức sẽ nắm chắc mọi hoạt động tôn giáo trong khu vực nhà chùa và trên địa bàn xã để ngăn chặn những hoạt động mê tín dị đoan, những hoạt động văn hóa không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến lễ hội. Rút kinh nghiệm từ các lễ hội khác, ban quản lý di tích sẽ kiên quyết loại trừ những trò chơi có tính chất ăn tiền, sát phạt, những đồ chơi mang tính bạo lực, nguy hiểm và sách báo có nội dung xấu”.     

Như mọi năm, Lễ hội chùa Trông sẽ kéo dài từ 15 đến 26-3 âm lịch với nhiều khoá lễ khác nhau, trong đó có 3 lễ tiết quan trọng là lễnrước nước (ngày 15-3), lễ xuất Đông nhập Tây (ngày 20-3) và  lễ tế Thánh về trời (ngày 26-3).

Từ sáng sớm 15-3 âm lịch, nhân dân trong xã sẽ ra chùa để làm lễ xuất hành rước nước ở sông Luộc về thờ cúng quanh năm. Nghi lễ tổ chức rất trọng thể, nhân dân tập trung rước kiệu long đình từ chùa ra đê sông Luộc. Tiếp theo ban tổ chức bố trí 2 chiếc thuyền rước, mỗi thuyền gồm 20 người. Những người tham gia rước nhất thiết phải chay tịnh trước hàng tuần, đầu đội khăn đỏ, mặc áo nâu, lưng thắt bối hậu, chân đi giày. Phương tiện mang theo mỗi thuyền có 2 choé sứ, 2 thau đồng, 2 gáo đồng, 1 bộ bát bửu, 1 trống cái, 1 trống con, 1 cờ thần… Thuyền nước xuất bến đi ngược sông khoảng 500m rồi dừng lại giữa dòng lấy nước "Thanh thuỷ" vào chính ngọ (12 giờ trưa). Nước đưa về đền chùa được dùng vào việc bao sái tượng thờ và đồ tế tự, thay áo mới cho Thánh, áo cũ được xé thành nhiều mảnh nhỏ chia cho các giáp mang về nhà lấy "khước" cả năm.

Đến ngày ngày 20- 3, dân làng sẽ tổ chức lễ xuất Đông, nhập Tây. Đoàn rước gồm 9 kiệu đi theo đường  "Nghênh thần" từ cổng phải chùa đi qua địa phận thôn Hào Khê đến cổng Tam Viên (tục gọi là Mả Thầy) rồi trở về thôn Hán Lý và vào cổng bên trái di tích. Cũng như rước nước, những người tham gia khiêng kiệu đều phải trang phục theo quy định và chay tịnh. Thông thường lễ rước kéo dài khoảng 2 giờ từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30. Buổi chiều ngày hôm đó sẽ diễn ra lễ Thánh tại sân đền. Theo điều lệ, lễ tế phải dâng 6 lễ gồm: hương, đăng, hoa, quả, trà, oản. Thời gian tế thường từ 2 - 3 giờ, đến cuối giờ tế mới đọc chúc văn. Người đọc chúc văn phải là người có chức sắc trong làng, xã.

Một trong ba lễ trọng của mùa hội chùa Trông là lễ tế Thánh về trời được tổ chức ngày 26-3. Lễ tế Thánh về trời được tổ chức rất trang nghiêm. Nghi lễ tế cơ bản như lễ tế ngày 20- 3 song lễ tế phải được kết thúc trước giờ ngọ vì tương truyền rằng vào chính ngọ là "Giờ thiêng" Thánh sẽ về trời.

Ngoài 3 lễ chính của mùa hội đền, chùa Trông kể trên, xen kẽ các ngày lễ, nhân dân địa phương còn tổ chức nhiều trò diễn dân gian như: Rối nước, vật, võ, hát chèo, múa hoa đăng… Những năm gần đây du nhập thêm kéo co, bóng đá, bóng chuyền, chọi gà…. làm cho lễ hội truyền thống càng thêm phong phú về hình thức, sâu sắc về nội dung.

HẠO NHIÊN

Chùa Trông tên hiệu là Hưng Long Tự, một trong những Thánh tích Phật Giáo với những hạng mục mang nhiều nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo được Nhà nước xếp hạng "Di tích quốc gia" vào năm 2003. Nơi đây thờ Phật và thờ 3 vị Thiền Sư Cao Tăng nổi tiếng thời Lý (1010-1225) là Thiền Sư Nguyễn Minh Không, Thiền Sư Giác Hải và Thiền Sư Từ Đạo Hạnh. Hàng năm, kỷ niệm ngày hoá nhật của Thiền Sư Nguyễn Minh Không (ngày 26- 3 Giáp Tuất niên hiệu Đại định thứ 2 (1141) đời Vua Lý Anh Tông), nhà chùa cùng với các cấp chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội truyền thống để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn và hạnh nguyên độ sinh của ngài.