Trồng mộc nhĩ không khó
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:38, 05/04/2012
Vì vậy, chúng ta cần hiểu cách thức làm để tránh ngại ngùng khi quyết định trồng mộc nhĩ.
Chúng tôi đã đi gần khắp cả nước để hướng dẫn cách trồng mộc nhĩ. Ngay bà con dân tộc Mông ở tận những đỉnh núi cao của Sơn La mà cũng trồng được mộc nhĩ thì ở đâu cũng có thể làm được.
Mộc nhĩ là một loại nấm được con người sử dụng từ lâu. Đó là một loại thực phẩm quý và có những đặc tính độc đáo. Ngày xưa, nó được coi là một loại lâm thổ sản vì được khai thác chủ yếu ở trong rừng. Nhưng tới nay, mộc nhĩ được sản xuất ở khắp nơi.
Mộc nhĩ có nghĩa là “tai gỗ” (mộc là gỗ, mà nhĩ là tai). Ở phía Nam, bà con gọi nó là nấm tai mèo vì cánh nấm rất giống với tai của con mèo.
Không chỉ ở ta mà Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực rất ưa chuộng mộc nhĩ. Gần đây, lượng tiêu thụ mộc nhĩ qua các nước châu Âu cũng tăng cao. Vì vậy, nghề trồng mộc nhĩ có đủ điều kiện để phát triển.
Nguyên liệu để trồng mộc nhĩ không phải chỉ có các cây gỗ mà ngay cả mùn cưa cũng làm được. Về nguyên tắc, cứ là xen - lu - lô là ta có thể trồng được mộc nhĩ. Chính tôi cũng đã thử cấy mộc nhĩ vào rơm và cũng thu được kết quả tốt.
Hiện nay, phổ biến nhất vẫn là biện pháp dùng gỗ hoặc mùn cưa để sản xuất ra mộc nhĩ. Các đơn vị sản xuất với công suất lớn thường dùng mùn cưa. Mùn cưa để làm mộc nhĩ cần tránh các loại mùn cưa của các cây có độc tố và cần được bảo quản tốt.
Trước khi trồng, ta phải xử lý để loại bỏ tất cả các loại nấm và bào tử đang có trong mùn cưa. Ta đóng gói mùn cưa vào các túi nylon chịu nhiệt và đem đi hấp để khử trùng. Sau đó sẽ cấy giống vào từng bịch. Sau vài tuần, sợi nấm sẽ lan ra kín bịch. Ta khía một vài vết xung quanh bịch. Mộc nhĩ sẽ mọc ra từ đó, lúc này ta phun ẩm cho cánh nấm. Nó lớn rất nhanh. Nếu giống tốt, cánh mộc nhĩ có thể to bằng bàn tay, ta sẽ lần lượt thu hái tới khi bịch nấm nhẹ tênh. Lúc đó, toàn bộ xen - lu - lô đã biến thành nấm hết.
Nếu làm bằng gỗ cây thì phải làm với cây tươi. Nên chọn các loại cây có nhựa mủ, không độc và gỗ mềm như sung, vả, ngái, mít, duối, si, đa, bồ đề, sau sau... Gỗ cao su trồng mộc nhĩ rất tốt. Ta lưu ý, lấy các đoạn thân có đường kính từ 15-20cm là tốt nhất. Ta cắt chúng thành từng đoạn 2-1,5m. Sau đó để trong râm khoảng 1 tuần cho nhựa ra bớt.
Ta phải tìm mua một loại búa chuyên dụng để đục lỗ. Lúc này ta đưa cây gỗ ra và dùng búa chuyên dụng để đục lên thân cây các lỗ sâu từ 1-1,5cm. Lỗ cách lỗ 10cm và hàng lỗ cách nhau khoảng 7-10cm. Ta lấy giống và nhét vào lỗ đó. Lấy phoi gỗ lấp vào làm nút. Ta bê các cây gỗ đã cấy giống vào nơi mát mẻ. Để độ 25 ngày thì mộc nhĩ bắt đầu mọc ra. Ta dựng cây gỗ lên và phun ẩm cho nó. Nấm mộc nhĩ sẽ ra kín cây gỗ. Nó ra nhiều đợt, ta tha hồ hái, lúc này là lúc sướng nhất...
Hãy tìm đọc cuốn “Nghề trồng nấm mùa hè” mà chúng tôi đã viết để bắt tay ngay vào việc trồng mộc nhĩ.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng