Những "ngân hàng máu sống" tại bệnh viện
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:28, 07/04/2012
Những hành động hiến máu cứu người kịp thời của một số y, bác sĩ đã mang lại kết quả cao trong công tác điều trị.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiến máu nhân đạo
Nhờ được truyền 2 đơn vị máu kịp thời, chị Quyên đã qua cơn nguy kịch. Ngay sau khi truyền máu cứu sống bệnh nhân, 2 nữ hộ sinh lại tiếp tục quay lại kíp trực, theo dõi diễn biến bệnh nhân, dù cả đêm hôm trước các chị phải trực, thức suốt đêm thực hiện nhiều ca đỡ đẻ.
Chị Trần Thị Thúy (hiện là điều dưỡng trưởng Khoa Sản) chia sẻ: “Bệnh viện thường xuyên có các trường hợp bệnh nhân cấp cứu. Những lúc như vậy, dù y, bác sĩ có mệt mỏi đến mấy cũng tự nhiên quên hết, tập trung toàn bộ tâm sức để cứu sống bệnh nhân, theo sát diễn biến của bệnh nhân đến khi tình trạng ổn định”. Được biết, chị Trần Thị Thúy và chị Lê Thị Châm đã từng hiến máu nhiều lần trong thời gian là sinh viên trường y.
Bác sĩ Mạc Văn Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn cho biết: “Hành động hiến máu cứu bệnh nhân của hai nhân viên Khoa Sản đã góp phần xóa bỏ áp lực tâm lý vốn đè nặng lên các cán bộ y tế Khoa Sản. Bởi trước đó, gặp trường hợp bệnh nhân bệnh tình quá nặng, không thể qua khỏi, các cán bộ y tế phải chịu áp lực từ phía gia đình bệnh nhân. Đồng thời, việc làm đó góp phần thay đổi thái độ của bệnh nhân, gia đình bệnh nhân đối với các cán bộ y tế. Ngoài ra, từ khi Ban Vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) huyện triển khai vận động các cán bộ, công nhân, viên chức, lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện tham gia HMTN, bệnh viện cũng phát động lực lượng y, bác sĩ tham gia, mỗi năm có khoảng 5 - 8 người. Trong đó, nhiều người đã từng hiến máu 2 - 3 lần như các bác sĩ Trần Huy Mạnh ở Khoa Tai, mũi họng, bác sĩ Vũ Văn Đương ở Khoa Hồi sức cấp cứu, điều dưỡng viên Nguyễn Văn Hưng ở Khoa Khám bệnh… Năm nay, bệnh viện phát động cán bộ, nhân viên đăng ký nhóm máu, sẵn sàng hiến máu trực tiếp trong các trường hợp cấp cứu”.
Khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị đầu mối cung cấp máu cho các bệnh viện trong toàn tỉnh. Mỗi năm, nhu cầu truyền từ 5.000 - 6.000 đơn vị máu. Căn cứ vào đó, khoa thông báo với Ban Vận động HMTN tỉnh để thống nhất chỉ tiêu phát động các đợt HMTN trong năm. Tuy nhiên, lượng máu thu về chỉ đáp ứng được khoảng 50 - 60% nhu cầu. Vì vậy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên phát động cán bộ, nhân viên, đặc biệt là lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) của các khoa, phòng tham gia HMTN. Nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu phải huy động cán bộ y tế trực tiếp hiến máu.
Anh Nguyễn Văn Kiên, điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và anh Nguyễn Thế Hùng, kỹ thuật viên Khoa Huyết học truyền máu kể lại: Có trường hợp bệnh nhân ở Việt Trì (Phú Thọ) bị tai nạn giao thông được đưa vào viện. Bệnh nhân bị đa chấn thương, tổn thương động mạch đùi, mất nhiều máu. Lúc đó, Khoa Huyết học truyền máu không có đủ đơn vị máu thuộc nhóm máu của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân lại chưa đến. Ngay lập tức, hai anh quyết định hiến máu cứu bệnh nhân. Bản thân anh Kiên ngay sau khi hiến máu tiếp tục tham gia kíp cấp cứu cho bệnh nhân liên tục 4 giờ liền. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức và hồi phục nhanh do Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã kịp thời cấp cứu ban đầu.
Trực tiếp tham gia hiến máu và huy động ĐVTN bệnh viện hiến máu cứu bệnh nhân, bác sĩ Hà Quang Tạo, Bí thư Chi đoàn bệnh viện nhớ lại: Bệnh nhân Đỗ Thị Mai Loan (TP Hải Dương) bị tai nạn giao thông, nhập viện vào buổi tối, lúc này nhiều y, bác sĩ đã được nghỉ. Khi nhận được thông báo, gần 100 người đã ngay lập tức trở về bệnh viện, sẵn sàng truyền máu. Bệnh nhân cần hàng chục đơn vị máu, trong 2 giờ, 30 y, bác sĩ truyền máu liên tục với hy vọng cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, do bị đa chấn thương quá nặng nên bệnh nhân đã không qua khỏi.
Vài năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phát động ĐVTN đăng ký nhóm máu tại Khoa Huyết học truyền máu, hình thành “ngân hàng máu sống”. Hiện tại có khoảng 300 ĐVTN sẵn sàng hiến máu khi có thông báo. Nhiều người trực tiếp đến Khoa Huyết học truyền máu hiến máu khi nguồn máu dự trữ còn ít. Ngoài ra, nhiều trường hợp bệnh nhân đang mổ cấp cứu, cần truyền máu gấp, Đoàn Thanh niên bệnh viện huy động theo từng chi đoàn nên số lượng người tham gia hiến máu rất đông, đáp ứng kịp thời nhu cầu của bệnh nhân. Hưởng ứng các đợt vận động HMTN do Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Thành đoàn phát động, mỗi đợt bệnh viện có khoảng 100 người tham gia HMTN.
Những hành động hiến máu cứu người kịp thời đó đã mang lại kết quả cao trong công tác điều trị. Các bệnh viện nên nhân rộng hình thức “ngân hàng máu sống” vừa bảo đảm chất lượng truyền máu vừa cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh viện cũng cần quan tâm đến những người trực tiếp tham gia hiến máu về chế độ nghỉ dưỡng hợp lý.
MINH HẠNH