“Bói mưa”- Đa cảm và da diết
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 08:56, 08/04/2012
Sau gần chục cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, nữ nhà văn quê làng Mộ Trạch (Tân Hồng, Bình Giang) lại cho ra tập thơ thứ hai “Bói mưa” (nxb Hội Nhà văn quý 3-2011). Khác một số chị em “tự lập thân” khi sáng tác hay lấy cái tôi đơn lẻ như cái “cớ” để “suy ra” kiếp người với những cung bậc thường là trầm lặng đến cô đơn, Vũ Thảo Ngọc qua “Bói mưa” và cả tập thơ trước của chị “Điều em chưa nói” (2007) lại không đi theo hướng ấy, mà trái tim đa cảm của chị như lặn ngụp giữa biển đời mênh mông, rồi từ đó thoát ra bằng cách của mình. Cuộc lặn ngụp này khác chi trò chơi đuổi bắt bong bóng giữa buổi trời mưa: “Cả trời bong bóng long lanh/Trò chơi đuổi bắt vòng quanh rõ tròn”. Đến khi thoát ra được, có lối đi cho mình, thì còn vui nào vui hơn: “Em ngồi bói hạt mưa thưa/Nghe cơn bão nổi như vừa sang sông”. Bài “Bói mưa” với những câu vừa dẫn được lấy đặt tên tập thơ, chưa hẳn là bài thật hay, nhưng có lẽ lại là nỗi niềm thơ Vũ Thảo Ngọc, là cách chị muốn thơ mình hòa vào dòng đời xối xả ngoài kia, chứ không đơn lẻ đứng trong nhà nhìn ra ngoài trời tầm tã mưa rơi. Người làm thơ và người công dân như quyện làm một trong thơ chị. Đây là nỗi niềm nhà thơ, nỗi niềm bất cứ người công dân nào ít nhiều gắn bó với vùng vàng đen, khi nghe tin dữ sập hầm lò hẳn cũng xao xuyến nỗi lòng như thế này: “Đêm cuối đông anh không trở về/Từ lò sâu hơn hai trăm mét/Mặt trời hôm nay quên mọc/Biển hôm nay quên hát/Lời ru em cho anh ca ba/Ôi những người thợ lò/thầm lặng ngàn năm/Cho than chảy” (Khúc tưởng niệm). Còn đây lại là tâm trạng người vợ có chồng đang đi vào hầm lò: “Anh vào lò/Núi sông ở trên đầu/Trăng cũng thế/Và sao trời cũng thế/Chỉ có em/Đợi anh/Ở phía cửa lò…” (Thợ lò). Cái da diết ngóng trông như truyền sang cả người đọc. Sinh ở tỉnh Đông, nhưng lại trưởng thành từ công nhân mỏ than Cọc 6 (Quảng Ninh), Vũ Thảo Ngọc dường như không bỏ sót tin tức vui, buồn nào về vùng vàng đen này, từ mỗi con người: “Chỉ có người của mỏ mới hiểu người ở mỏ/Giấu mọi cung trầm khát vọng sâu xa”; đến một ánh nhìn cũng mông lung nỗi nhớ: “Con đường nhỏ trồi lên từ than cháy/Tán bàng non e ấp mắt ai nhìn”. Thế nên, trong tập “Bói mưa” chị có tới hơn chục bài thơ viết về vùng đất biết bao gắn bó này, với một niềm da diết mông lung của một nhà thơ - công dân vùng mỏ, chứ không chỉ bằng sự rung cảm thông thường, bởi điều giản dị này chăng: “ở nơi đây, lòng ta luôn được rọi sáng/Từ những ánh đèn lò đêm đêm/ở nơi đây ta gặp em/ánh mắt đen giấu sau vuông khăn kín/được ngắm em trong hoàng hôn màu da em/Như sữa trắng” (Bâng khuâng nhớ mỏ). Thơ chân thật, giản dị, không chút tỉa tót, làm duyên nhưng vẫn có cái mông lung, da diết xoáy vào lòng người đọc. Ngay cả khi chị bồi hồi bước chân trở lại quê nhà thì ký ức về một làng quê ngày nào với biết bao đằm thắm nghĩa tình như lại hiện về gần gũi biết bao: “Nhớ bông hoa bưởi trắng ngà/Nhớ ao rau muống nhớ bà xỏ kim/Nhớ mưa xuân vãi lim dim/Đường quê mòn mỏi mẹ vin những chiều”. Thế nhưng, làng bây giờ đã khác, một cái khác không biết nên vui hay nên buồn: “Làng giờ không bờ tre/Không mõ trâu lốc cốc/Nhà tầng chen chen mọc/Nắng đổ dài bê tông” (Ngoại ô). Bài thơ như một lời cảnh báo về sự xuống cấp của văn hóa làng trước thử thách của cơ chế thị trường: “Ngoại ô giờ là phố/Tiếng người cũng lạ huơ/Chỉ cổng làng ngẩn ngơ/Thương những mùa quê kiểng/Giờ như bóng mây qua”. Thơ như cứa vào lòng người đọc sự tiếc nuối về làng quê một thời sầm uất và chan chứa nghĩa tình.
Thơ Vũ Thảo Ngọc là thế, đa cảm và da diết. Dường như bập vào đâu chị cũng có thể nảy ra thơ. Đến non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh) chị có thơ về Trần Nhân Tông với nét đặc tả khá gợi: “Cỏ hoa chen chân nở/Chim chóc hót vang lừng/Loáng thoáng bóng tiền nhân/Vằng vặc trăng ghé núi”. Khi chuyển công tác từ Quảng Ninh lên Hà Nội, chị có bài “Tôi ở thành phố nghìn năm tuổi” với đoạn kết ấm và gợi: “Tôi ở thành phố nghìn năm tuổi/Mẹ còn ăn trầu bên mẹt bánh đúc thơm/Có hương cốm và cả hương hoa sữa/Cứ nồng nàn như muôn thuở/Nghìn năm…”. Đến Bát Tràng với nghề làm gốm nổi tiếng, chị có bài thơ lục bát khá hay: “ừ thì tỉnh, ừ thì mê/ừ thì ngang dọc vẫn về dân gian/để cho thợ đất Bát Tràng/ngổn ngang đủ mặt xếp hàng buồn vui/chỉ là nắm đất làng thôi/mà ra hội đủ mặt người mặt ta”. Rồi lên Đền Hùng, ra cửa Bạch Đằng Giang hay vào Đà Nẵng, Hội An đến đâu trái tim đa cảm của chị cũng ngập tràn thi hứng. Nhưng ở mạch thơ mang dáng dấp kiểu “nhật ký” này chị ít có bài hay, nếu không muốn nói đôi bài chỉ mang sự đãi đằng như “Về xứ Quảng”, “Phó Hội”. Rung động trước những gì mới lạ, những người mới quen cũng là cần thiết với người làm thơ, nhưng cứ mặc sự rung động trào dâng mà thiếu sự kìm nén, tiết chế thì cũng dễ trôi đi tuồn tuột, thơ trở nên nhiều chữ mà vẫn loãng, như các bài: Tháng Chín, Chiều Côn Sơn, Đối diện, Hành trình ngược. Có lẽ cũng do chưa làm chủ được cảm xúc nên ở một số bài thơ lục bát chị chỉ mải rung động đến quên rằng mình đang đi vào một thể thơ rất cần vần điệu, niêm luật, như các bài “Quê mẹ”, “Thưa với em gái”, “Tháng ba”. Chỉ khi nào nhà thơ hòa quyện sự rung động tình cảm với lý trí một cách chân thực và da diết, khi ấy thơ trở nên lung linh hồn cốt, giản dị, mộc mạc mà lại đi vào lòng người. Chẳng hạn bài “Mặt trời ở phía quê hương”, chị viết về Hải Dương quê chị, với những câu chân-mộc mà khá gợi: “Xứ Đông như mặt trời ở lại/Trong chiếc bánh gai quê nghèo/Trong ô vuông bánh đậu xanh dịu ngọt/Trong câu hát chèo thẳm sâu”.
Trân trọng một giọng thơ đa cảm và da diết, người đọc trông đợi ở nhà thơ Vũ Thảo Ngọc những sáng tác mới có sự tìm tòi, chắt lọc thành công hơn nữa.
CAO NĂM