Gia Lộc đầu tư cho nước sạch

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:33, 09/04/2012

Việc cung cấp nước sạch đã đáp ứng mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi, người dân chưa được sử dụng nước sạch.


Đơn vị thi công công trình cấp nước sạch liên xã Lê Lợi - Yết Kiêu thi công đường ống đưa nước sạch tới các hộ dân. Dự kiến công trình hoàn thành vào tháng 6 năm nay

Đáp ứng mong mỏi của người dân

Vài năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Gia Lộc đã được sử dụng nước sạch. Toàn huyện đã có 6 xã, thị trấn sử dụng nước sạch, gồm: Thống Nhất, Trùng Khánh, Phạm Trấn, Gia Tân, Gia Xuyên, thị trấn Gia Lộc. Ngoài ra, công trình cấp nước ở xã Yết Kiêu và Lê Lợi cũng chuẩn bị hoàn thành. Huyện Gia Lộc có 2 nguồn cung cấp nước sạch chính. Nguồn thứ nhất là các công trình cấp nước xây dựng bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu, vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và doanh nghiệp đầu tư. Nguồn thứ 2 là lấy nước của Công ty Kinh doanh nước sạch Hải Dương từ TP Hải Dương về cung cấp cho các địa phương gần địa bàn thành phố như thị trấn Gia Lộc, các xã Gia Xuyên và Gia Tân.

Việc cung cấp nước sạch đã đáp ứng mong mỏi của người dân. Trước khi có nước sạch, gia đình anh Hoàng Văn Cao ở thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn sử dụng nước giếng khoan. Do nước giếng khoan có nhiều sắt nên anh đã phải làm đến cái giếng thứ 3 mới tạm yên tâm sử dụng. Hằng năm, anh Cao phải nhiều lần thay cát ở bể lọc để nước lọc nhanh hơn mới đủ dùng. Mặc dù nước qua bể lọc tương đối trong nhưng anh vẫn lo không biết có bảo đảm chất lượng hay không. Khi xã có chủ trương xây dựng công trình nước sạch, anh đã đăng ký sử dụng. Sau hơn 3 tháng được dùng nước sạch, anh Cao cho biết: "Tuy nước sạch có đắt hơn so với nước giếng khoan nhưng bảo đảm chất lượng".


Người dân xã Phạm Trấn đã có nước sạch để sử dụng từ đầu nămnay


Công trình nước sạch ở xã Phạm Trấn được hoàn thành vào cuối năm 2011. Để xây dựng công trình này, người dân trong xã đã đóng góp 750 triệu đồng, ngân sách xã đầu tư 650 triệu đồng (10% vốn đối ứng của công trình). Theo lãnh đạo UBND xã Phạm Trấn, đến ngày 5-4, toàn xã có khoảng 1.100 số hộ sử dụng nước sạch, chiếm 69% tổng số hộ dân. Nhiều hộ khác đang đề nghị được cấp nước sạch. Giá bán nước sạch không cao (5.300 đồng/m3, chưa có thuế giá trị gia tăng) nên người dân hài lòng. Hằng tháng, Công ty CP Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn Hải Dương đều lấy mẫu kiểm nghiệm nước để phân tích, sau đó gửi kết quả về địa phương. Hiện nay, trong một ngày, công ty cấp nước 2 lần: buổi sáng từ 10 giờ đến 11 giờ 30; buổi chiều từ 4 giờ 30 đến 5 giờ 30.

Chính quyền và người dân xã Lê Lợi cũng mong đợi sớm được sử dụng nguồn nước sạch. Công trình cấp nước sạch liên xã Lê Lợi - Yết Kiêu đang trong giai đoạn hoàn thiện đấu nối vào hộ dân, dự kiến hoàn thành vào tháng 6 này. Hiện nay, người dân địa phương sử dụng nước giếng khoan, nước mưa cho sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, nguồn nước giếng khoan ở nhiều gia đình có hàm lượng sắt cao nên không bảo đảm chất lượng. Nhiều hộ phải bỏ tiền mua nước sạch từ nơi khác vận chuyển về với chi phí cao. Sau khi Nhà nước có chủ trương xây dựng công trình nước sạch tại địa phương, đa số người dân đồng tình ủng hộ. Theo khảo sát ban đầu, hơn 1.400 hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch, chiếm 95% số hộ dân trong xã. Mỗi hộ dân đóng góp 350 nghìn đồng để tham gia xây dựng công trình.

Những khó khăn, bất cập

Theo ông Đỗ Văn Sáng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong huyện còn nhiều nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế do chưa có đủ nguồn vốn đầu tư. Nhiều địa phương khác ở Gia Lộc vẫn chưa được sử dụng nước sạch.

Tại xã Phương Hưng, nhu cầu sử dụng nước sạch đã rất bức thiết. Nguồn nước mặt trên tuyến kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng qua địa bàn đã bị ô nhiễm trầm trọng. Ông Nguyễn Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Hưng cho biết: Toàn xã có 3 thôn nhưng chỉ có thôn Ngà có thể sử dụng nước giếng khoan. Nguồn nước ngầm ở thôn Chằm và thôn Tó rất khó sử dụng vì có vị mặn, màu vàng. Đến mùa đông, mùa xuân, nhiều hộ dân ở 2 thôn này phải bỏ tiền mua nước sạch từ nơi khác vận chuyển bằng ô-tô về dùng với giá đắt. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng cung cấp nước sạch cho dân. Tuy nhiên, đến nay, người dân Phương Hưng vẫn chưa được dùng nước sạch.

Việc thi công xây dựng công trình, quản lý và vận hành hệ thống cấp nước ở một số địa phương còn bất cập. Theo ông Phạm Bá Đang, Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn, đơn vị quản lý công trình cấp nước sạch chậm khắc phục tình trạng một số nắp đậy hố ga (để điều tiết lượng nước tới các khu vực khác nhau) bị vỡ, hỏng, việc khôi phục hiện trạng đường giao thông khi đào đường ống chưa tốt, một số điểm rò rỉ nước chưa được khắc phục kịp thời. Một số người dân ở xã Trùng Khánh và Phạm Trấn đề nghị đơn vị quản lý cần thường xuyên thông báo giờ bơm nước để người dân chủ động sử dụng, khắc phục tình trạng một số thời điểm nguồn nước có màu vàng, cấn cặn nhiều.

NINH TUÂN