Thưa thớt người mua

Thị trường - Ngày đăng : 14:27, 11/04/2012

Nhiều tháng qua, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn trong tình trạng ế ẩm triền miên.


Nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng vắng khách


Từ các cửa hàng kinh doanh, buôn bán nhỏ tới các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này đều đang chật vật tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm để tồn tại trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.

Không khí mua, bán tại đại lộ Trường Chinh, tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực VLXD trên địa bàn TP Hải Dương khá trầm lắng. Chị Nguyễn Thị Hường, chủ Công ty TNHH Minh Hường, đơn vị đang sở hữu 2 cửa hàng kinh doanh VLXD, một tại đại lộ Trường Chinh, một tại Lê Thanh Nghị, cho biết: "Thông thường sau Tết Nguyên đán 1-2 tháng là thời kỳ cao điểm của mùa xây dựng. Chủ đầu tư thường tổ chức khởi công xây dựng các công trình công cộng, dân sinh nên thị trường tiêu thụ VLXD khá sôi động. Tuy nhiên, năm nay, thị trường rất ế ẩm, lượng hàng tồn kho lớn. Doanh thu bán hàng của công ty liên tục sụt giảm, nhất là 3 tháng gần đây, lượng bán hàng giảm mạnh. Có ngày công ty không bán nổi một cân thép. Thời điểm này năm trước, trung bình mỗi tháng công ty bán khoảng 250- 300 tấn thép, nhưng nay chỉ còn khoảng 150 - 160 tấn".

Theo chị Hường, nguyên nhân chính dẫn tới thị trường thép xây dựng nói riêng, VLXD  nói chung suy giảm là do thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, thị trường tín dụng chưa được “mở van”, người dân giảm nhu cầu xây, sửa chữa nhà. Thêm vào đó, giá VLXD như sắt, thép vẫn còn ở mức cao, thậm chí mỗi kg thép hiện còn cao hơn trong Tết khoảng 100 - 200 đồng/kg, khiến nhiều người có tâm lý ngại giá cao nên vẫn chưa quyết định đầu tư xây dựng...

Anh Trần Văn Hùng chuyên kinh doanh xi-măng ở số 139 Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) cho biết: "Cùng thời điểm này năm trước, trung bình mỗi tháng tôi bán khoảng 200 tấn xi-măng, nhưng hiện tại lượng hàng bán ra đã giảm tới 50%. Kinh doanh ế ẩm trong khi đó chi phí cho vận chuyển thì ngày càng tăng. Vì vậy, với các hợp đồng của khách ở gần với lượng tiêu thụ nhỏ, cửa hàng đều thuê xích lô, xe cải tiến chuyên chở, còn khách xa trên 5km mới sử dụng ô-tô để giảm chi phí trong thời điểm kinh doanh khó khăn như hiện nay".

Cùng với sắt, thép, xi-măng, nhóm hàng gạch ốp lát, thiết bị sứ vệ sinh, sơn tường cũng trong tình trạng ảm đạm không kém.

Anh Nguyễn Công Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Hải Plaza, một trong những nhà cung cấp VLXD, nội thất lớn nhất trên địa bàn TP Hải Dương cho biết: “Chưa bao giờ kinh doanh VLXD lại khó khăn như hiện nay. Cùng kỳ này năm trước, trung bình mỗi tháng công ty phải nhập hàng về kho từ 8 - 10 lần, nhưng hiện nay chỉ còn 2 - 3 lần. Số lần nhập hàng giảm nhưng lượng hàng tồn kho lại có xu hướng tăng. Điều này khiến cho doanh nghiệp hết sức khó khăn trong việc luân chuyển vốn lưu động. Hơn một năm trước, trung bình mỗi tháng doanh thu bán hàng của công ty khoảng 16 - 17 tỷ đồng thì nay giảm chỉ còn khoảng 6 - 8 tỷ đồng. Hiện nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trên thị trường đã giảm khoảng 30 - 40%”.


Thép xây dựng trên thị trường đang tiêu thụ chậm

Ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát cho biết: “Tình hình tiêu thụ thép sau dịp Tết Nguyên đán của công ty đến nay vẫn hết sức khó khăn. 3 tháng đầu năm nay, Công ty sản xuất được hơn 80 nghìn tấn thép, tiêu thụ hơn 70 nghìn tấn. Lượng thép tồn kho khoảng 10 nghìn tấn. 3 tháng đầu năm 2012, doanh thu của công ty mới chỉ đạt hơn 500 tỷ đồng, tương đương khoảng 19% kế hoạch năm.  Do thị trường tiêu thụ khó khăn, công ty hiện chỉ vận hành khoảng 70 - 80% công suất thiết kế”.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh VLXD, thị trường VLXD vẫn chưa thể cải thiện trong ngắn hạn bởi lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào của lĩnh vực này vẫn ở mức cao, đặc biệt là kinh tế còn khó khăn, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, người dân thắt chặt chi tiêu... Vì vậy, các nhà sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này sẽ còn tiếp tục khó khăn.

NGÂN HÀ