Vẫn quá sức doanh nghiệp
Công nghiệp - Ngày đăng : 07:09, 12/04/2012
Lãi suất huy động vốn thực tế có thể vẫn cao hơn 12%/năm
Đại diện Công ty TNHH Huy Phong (xã Bình Xuyên, Bình Giang) cho biết, với gần 3.000 công nhân, mỗi năm công ty xuất khẩu khoảng 3 triệu đôi giày sang thị trường Mỹ, Tây Âu... Công ty có nhu cầu vay từ 30 - 40 tỷ đồng để mở rộng quy môi sản xuất. Tuy nhiên, công ty mới vay được gần 10 tỷ đồng. Trước thông tin hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, công ty vẫn chưa dám đặt vấn đề vay thêm, bởi tình hình tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Mức giảm từ 1 - 1,5% theo công bố của các ngân hàng không bảo đảm lợi nhuận của công ty.
Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Thời điểm hiện tại, các ngân hàng đặt ưu tiên an toàn tín dụng lên hàng đầu. Vì vậy, các doanh nghiệp được vay vốn buộc phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp lại đã thế chấp tài sản ngân hàng từ những năm trước. Khi lãi suất giảm thì các doanh nghiệp không thể tiếp cận được bởi không có tiền trả nợ cũ để vay mới. Chưa kể nhiều điều kiện các tổ chức tín dụng đưa ra khiến các doanh nghiệp gặp khó, nên khi lãi suất cho vay giảm, nhiều doanh nghiệp chỉ biết "đứng nhìn".
Lý giải về thực trạng này, một lãnh đạo ngân hàng tại huyện Kinh Môn cho biết, mặc dù các tổ chức tín dụng đồng loạt giảm lãi suất cho vay, nhưng trên thực tế, các tổ chức tín dụng vẫn phải huy động cao hơn mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước do cạnh tranh giữa các ngân hàng. Đây là nguyên nhân lãi suất cho vay không thể giảm sâu. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thanh khoản và khả năng thu hồi vốn, các ngân hàng phải rà soát rất chặt chẽ các dự án cho vay.
Cùng quan điểm, ông Phạm Mạnh Thắng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) chi nhánh Hải Dương cho biết, những tháng đầu năm, nguồn của VCB Hải Dương khá dồi dào, đơn vị có thể đáp ứng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn Hải Dương. Tuy nhiên, ngoài một số lĩnh vực ưu tiên theo quy định, những lĩnh vực khác khách hàng vẫn phải chịu lãi suất tương đối cao. Đặc biệt, từ 2 - 5, Thông tư số 03/2012/TT-NHNN ngày 8-3-2012 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực khiến khả năng cho vay ngoại tệ của các tổ chức tín dụng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến khả năng nhập khẩu các mặt hàng trong nước chưa sản xuất hoặc khả năng cung cấp còn hạn chế. Theo thông tư này, tất cả các doanh nghiệp (trừ những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ) khi vay ngân hàng để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Từ ngày 10-4 đến 31-5, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) dành nguồn tín dụng 4.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất 15%/năm. |
VỊ THỦY