Mụn vá
Truyện ngắn - Ngày đăng : 10:25, 15/04/2012
Thơm buồn bã nhìn bóng nắng loang lổ nơi cái sân đã rộp lên từng mảng. Chị như đoán được thời gian từ cái vệt nắng lấm láp ấy. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, chị cất vội hai chiếc áo vào hòm, tất tả đạp xe xuống phố huyện. Nắng xiên khoai vẫn oi nồng bởi có tin bão xa. Bóng dáng Thơm đong đưa nơi mặt đê. Chiếc xe không bàn đạp nghiến vào gan bàn chân Thơm đau nhói. Thơm chợt nhận ra mình không đi dép khi xuống phố.
Phố huyện nằm lọt thỏm giữa khu dân cư của cả huyện, nên nghề mổ lợn ở đây được coi như nghề phát triển. Chợ sáng, chợ chiều gần 20 phản thịt mà bán vẫn hết. Dường như trời đất còn phù hộ cho mẹ con Thơm. Vừa đến đầu phố, Thơm đã gặp ngay Bình béo, người cùng làng, bạn học với Thơm thời phổ thông. Thực ra chồng Bình mới là dòng dõi gia truyền. Nhưng vì nghiện hút mà vỡ nợ, bởi vậy Bình mới phải nhảy vào cuộc. Mới có mấy năm làm nghề này mà những đường cong mềm mại của cô gái nông thôn vốn gầy gò đã bắt đầu khép kín. Bình béo ít vốn nên cũng ít người gọi bán lợn cho nó. Nó thường bắt lợn xong vài ba ngày mới trả tiền.
Nhưng lúc này, Bình béo như một vị cứu tinh không những với Thơm mà còn cả với những nhà không có khả năng nuôi lợn to. Bình béo mua lợn, mổ giao móc hàm cho những người bán lẻ ở chợ, còn mình thì bán tiết canh cháo lòng. Cái quán chạy Nghị định 36 CP của Bình béo là đôi quang gánh và cái bàn gấp. Cứ đặt quang gánh xuống, ngả bàn ra là chỗ nào cũng thành quán. Nó có tài bắt lợn. Người ta nói về tài bắt lợn hay đánh tiết canh chỉ trong nháy mắt đã đông xoắn của Bình béo như một giai thoại. Ví như khi đi bắt lợn, nó chỉ cười hì hì, đôi mắt ti hí nhưng nhìn rất rõ 4 chân con lợn. Đến khi tiếng cười thắt ngẫng cũng là lúc điếu thuốc trên tay Bình đỏ rực tưởng như bốc lửa, mọi tia khói nhỏ nhoi không lọt qua được kẽ mép chặt chẽ ấy. Quẳng mẩu thuốc xuống đất, rút dây thừng đã buộc sẵn ngang lưng, tròng vào chân trước con lợn, xua nhẹ một cái, kéo chéo qua kẽ chân, đưa bàn chân son đạp kiểu cách vào mông lợn. Thế là, dù nó có nặng hàng tạ cũng đổ chổng bốn vó lên trời. Cái thời bảo vệ và công an còn đi bắt thuế sát sinh, Bình béo đi mua lợn thường mang theo cái rọ mõm bằng cao su để chụp vào mõm lợn. Nó bảo: "Nghe nó kêu thương lắm". Bình béo nghiện thuốc lá nặng. Kẽ tay nó ám khói thuốc vàng khè. Nó bảo: "Suốt ngày mày mò thịt rồi máu lợn nên phải hút cho đỡ ngấy".
Thơm vừa trông thấy "vị cứu tinh" mừng cuống lên:
- Bình... trời ơi... tìm suốt từ sáng đến giờ... xuống bắt hộ tớ con lợn.
Bình béo rít một hơi thuốc rồi quẳng mẩu thuốc xuống đất, lấy chân di di như giết một con vật gì dưới đó đoạn cất giọng ồm ồm hỏi lại:
- Mấy chục cân?
- Gần 80 cân. Thơm nói quá lên chứ thực ra chỉ khoảng 60 cân, lại bỏ ăn cả ngày nay chắc gì còn được 60 cân?
- Chiều bắt. Bình béo nói gọn lỏn.
- Mấy giờ? Thơm hỏi lại.
- Muộn đấy... 7 giờ... mà đừng cho ăn, tớ không mua no.
Thơm không hỏi gì thêm, chỉ hẹn lại: Đúng 7 giờ nhé. Nói rồi lại vội vàng trở về.
Từ khi ở phố huyện gặp và hẹn Bình béo về, Thơm lúc nào cũng đứng diệt ở cửa chuồng lợn. Thơm sợ như mình không ở đấy thì nó chết mất. Thời gian từ 5 giờ đến 7 giờ mà như dài bằng cả ngày. Chốc chốc, hễ có tiếng xe máy là Thơm lại chạy ra cổng xem có phải Bình béo đến không? Thế rồi cái điểm thời gian may rủi với mẹ con Thơm cũng tới. 7 giờ hơn nó đến. Trời nhá nhem. Cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng. Chỗ bạn bè không mặc cả, cò kè giá cả. Con lợn được bắt ra cân lên, Bình béo tay cầm cân, kéo xoạt quả cân ra tận đầu rồi nhích mãi vào trong... Cuối cùng thì quả cân cũng dừng lại được khi cái cần cân chưa kịp ngẩng lên, nó tốp lại rồi xướng to:
- 54 cân, tính tiền 18 nghìn đồng một cân. Không ăn không phải trừ nhé.
Thơm thấy trong lòng nhè nhẹ bởi con lợn khi bắt ra hãy còn kêu to được một tiếng như chào Thơm. Bình béo buộc chặt con lợn vào xe rồi bất chợt quay hỏi Thơm:
- Lợn có ốm không đấy?
Thơm giật mình trả lời nhỏ hẳn:
- Không... không sao.
- Đếch mang tiền, vài hôm nữa xuống mà lấy - Bình béo lại nói tiếp.
Tiếng xe máy chở lợn đi xa hẳn Thơm mới dám thở mạnh. Rồi như tự chấn an mình: "Thôi thế cũng là may" .
Đêm ấy hai mẹ con thơm ngủ ngon như thoát được cuộc rượt đuổi. Trăng mười bốn thật thà nấp vào những tảng mây xám xịt bởi tin bão gần. Mới hơn bốn giờ sáng, Thơm đã phải bật dậy vì tiếng đập cửa và Bình béo oang oang:
- Lợn ốm mà mày không bảo tao, 9 giờ đêm qua nó chết. Nay rằm tao không bán thịt lợn chết. Phải tội. Với lại vệ sinh thực phẩm nó bắt. Tao mang trả mày, mày liệu mà bán. Lợn đã cạo lông rồi. Lòng sỏ tao đổ đi...
Có lẽ Bình béo cũng muốn giành lại chút ít tiền công cho cái mớ lòng sỏ ấy, nhưng thấy Thơm không nói gì nó vứt con lợn xuống hè, nói tiếp giọng nhẹ nhàng hơn:
- Khổ quá... tao cũng thương mày, nhưng có ai thương tao đâu, với lại tao còn phải nuôi con tao... Thôi mày thông cảm, tao về kẻo nhỡ chợ. Nói rồi nó cun cút dắt xe ra cổng.
Thơm đứng lặng đi nhìn con lợn trắng nhờ nhờ, đang rịn ra cái thứ nước hồng hồng từ cái bụng trống hoác, giơ xương sườn. Trên giường, đứa con trai tội nghiệp của Thơm đã dậy, nó nhướng đôi mắt lờ đục về phía cửa.
Trời đã sáng, mây đen vần vũ. Phía chân trời đang ủ những luồng gió lớn. Tin bão khẩn cấp đang được đọc từ cái loa truyền thanh của xã treo gần trước cổng nhà Thơm... "Cơn bão khẩn cấp... sẽ đi vào... đề phòng gió giật cấp 12". Tiếng loa khi rõ, khi tắt bởi gió đã bắt đầu mạnh lên. Mưa ràn rạt xé toạc những tàu lá chuối như bị ai tước nhỏ ra. Thơm không còn tâm trí nghĩ đến việc chống bão.
Cơn bão quái đản, gầm rít gần một ngày trời. Nhà thơm cái nóc vẫn còn lợp bằng rạ, gió lật trống trơn. Hơn 10 buồng chuối mới vỗ mà Thơm đã vun xới, toan tính gẫy gục hết lượt như bị người chặt ngang thân.
Cả đêm hôm bão, Thơm không ngủ. Nghĩ đến cuộc sống kinh tế... đến người ấy, người đã cho Thơm đứa con tội nghiệp, Thơm tự trách mình đã không làm gì được cho con, chưa dám hy sinh cho con. Mấy hôm nay nó kêu nóng trong người, đòi tắm. Người đã mọc mụn, đôi mắt đục lờ đến ruồi bâu cũng không biết đuổi. Thơm ôm con vào lòng, ghì chặt nỗi đau, ghì chặt niềm hy vọng lớn nhất đời Thơm. Đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ bỗng lóe lên khác lạ. Một ý nghĩ mụ mị chợt đến trong Thơm.
Hơn 8 giờ sáng, ủy ban xã mới làm việc. Thơm lại tất tưởi đạp xe lên ủy ban, gương mặt chị lạ hẳn. Dường như chị vừa có một quyết định gì quá với bản tính của mình. Thơm tìm gặp người trưởng ban thương binh xã, nói với người trưởng ban, giọng gấp gáp như không nhanh thì không thể nào nói ra được.
- Em đến để đề nghị các anh giải quyết chế độ chính sách cho con em. Người phụ trách mở to cặp mắt nhìn Thơm như nhìn một người lạ ngoài trái đất.
- Chị nói gì tôi không hiểu?
-Dạ... con tôi chính là con anh Tự ở xóm 4. Anh Tự là người nhiễm chất độc da cam. Em nghe Nhà nước đã giải quyết chế độ trợ cấp cho anh ấy và các con anh ấy?
Người phụ trách thương binh đã hiểu ra, anh như động lòng trắc ẩn. Anh nói:
- Chị phải bảo anh ấy nhận là con anh ấy thì chúng tôi mới giải quyết được.
Thơm nấc lên, nước mắt ứa ra từ hai tròng mắt thâm quầng vì mất ngủ.
- Nhưng anh ấy đã biến chứng, còn biết gì nữa mà nhận.
Người trưởng ban thương binh nói như bày cách cho Thơm:
- Chị thử nói với vợ anh ấy xem có thông cảm được không?
Thơm giẫy nẩy: Chết... bà ấy ghen lắm... Biết thì bà ấy không xé xác tôi ra...?
Vậy thì chị phải từ từ để chúng tôi lựa xem có được không?
Thơm đã nhận ra sự bế tắc. Chị tự trách mình vội vàng nói ra điều bí mật ấy. Ba đứa con của anh đều tật nguyền. Thương anh... Thơm đã sinh cho anh một đứa con, hy vọng... nhưng...
Bước ra khỏi ủy ban, nỗi lòng Thơm tan nát. Mưa đền cây sau bão như xối nước. Mặt đường đầy bong bóng nối đuôi chạy dài theo dòng chảy...
Như để lấp đi nỗi buồn, Thơm lại tự mang hai chiếc áo cũ ra. Chị xé chiếc áo tím lấy một mảnh vá cho chiếc áo xanh như để chắp màu hy vọng...
Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Hiền