Hồn nhiên “Dắt biển lên trời”

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:31, 15/04/2012



Suốt mấy chục năm nay, nhà thơ Hoài Khánh vẫn chuyên cần đeo đuổi con đường thơ thiếu nhi, đơn giản vì đó là sở thích của anh. Từ khi còn học Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội đến nay, Hoài Khánh có hàng trăm bài thơ viết cho thiếu nhi. Cả bốn tập thơ của anh ra đời trong vòng 20 năm qua đều là thơ dành cho thiếu nhi. Hoài Khánh luôn hòa mình vào cuộc sống của các em, trải lòng cùng cái vui, cái buồn của các em. Vì thế, ở tập thơ mới “Dắt biển lên trời” (NXB Kim Đồng-2012) của anh, người đọc luôn gặp cách nói, cách nghĩ rất hợp với tuổi thơ. Không thế, hẳn khó có cái nhìn thơ ngây, trong trẻo này trong bài “Xuân trên đảo Bạch Long Vĩ”: "Tết ùa lên từ đại dương/Làng chài nức mùi cá nướng/Cánh buồm cuộn ngủ khiêm nhường/Lòng thuyền còn say ngất ngưởng".


Còn đây lại là ý nghĩ hồn nhiên, tươi trẻ và ngộ nghĩnh của em nhỏ về thành phố của mình, bài “Nếu Hải Phòng chỉ toàn người lớn”: "Nếu Hải Phòng chỉ toàn người lớn thôi/Không còn đâu Trường Mầm Non, Sao Sáng/Chuyện cổ tích ngủ lì trên cánh võng/Ai nhặt nắng rơi trong giấc mơ hồng/Phố Cát Cụt mưa rào không người tắm/Biển Đồ Sơn con sóng bớt nhong nhong”.

Như nhiều nhà thơ trưởng thành ở thời kỳ đổi mới, thơ viết cho thiếu nhi của Hoài Khánh đa dạng về đề tài, phong phú về cách thể hiện, hồn nhiên và sâu đằm, không hề thấy dáng dấp sự sắp đặt khiên cưỡng ý tứ, câu chữ, vần điệu. Dường như anh chỉ thỏ thẻ, nhẹ nhàng đưa cho các em đọc những bài thơ anh viết, qua đó có thể giúp các em hiểu thêm điều gì đó về tình yêu thương và lòng vị tha, sự bao dung và nhân ái, tính cương trực và sự quả cảm, chứ không làm thay các thầy, cô giáo giảng giải điều này lẽ kia. Thơ anh vì thế gần gũi, gắn bó với đời sống, suy nghĩ của các em, nói nên tâm tư, tình cảm và cả ước vọng của các em. Đây là ngày nghỉ bố mẹ đưa bé đi vườn trẻ chơi mà chính bố mẹ cũng như được trở lại tuổi thơ, dưới cái nhìn của con trẻ: “Theo bé chơi vườn trẻ/Bố mẹ cũng lon ton/Hoa phượng cười tươi thế/Rực đỏ lời ve con/Nếu mà không có bé/Bố mẹ ứ được xem/Chú khỉ ngồi nhai kẹo/Ai trông cũng phát thèm”. Còn đây là loài hoa rất giản dị, khiêm nhường, hoa xuyến chi, nhưng màu lại trắng muốt, đẹp một cách tự nhiên: “Chẳng đánh phấn thoa son/Hồn nhiên cười với nắng/Mặt trời ngó xuống xem/Tưởng nhầm đàn bướm trắng/Không màu mè rực rỡ/Hoa trăng trắng nhu mì/Bạn nào ngang qua đó/Cũng bần thần bước đi”. Lời thơ giản dị, chân chất mà sâu lắng, không giáo lý mà lại hàm chứa sự giáo dục sâu xa.

Đọc thơ viết cho thiếu nhi của Hoài Khánh, nhiều khi dẫu là người lớn vẫn thấy ở đó sự trẻ trung, hồn nhiên đến say lòng. Đây là một trong nhiều ví dụ về thơ anh viết cho thiếu nhi, nhưng không hẳn chỉ có thiếu nhi thích: “Từ làng chài vào lớp/Đường nằm trong khoang thuyền/Bầy trẻ thơ đi học/Ngồi trên sóng chơi vơi”. Còn đây là “Ngày đông ở làng”, nếu không in vào ở tập thơ cho thiếu nhi hẳn ít ai bảo là thơ viết cho thiếu nhi: “Thập thò hoa cải đơm ngồng/Điếu cày ngủ nghiêng mặt ruộng/Bếp hồng lửa nhen khoai nướng/Ấm lòng bầy trẻ đến trường”. Khó có cách nào nói lên tình yêu thương mẹ cha ở một em nhỏ khi mẹ đi chợ xa gặp trời mưa, em ở nhà đứng ngồi không yên, nghe tiếng ếch kêu cũng sốt ruột vì lo mẹ ướt: “Lộp bà lộp bộp/Cơn mưa ập về/Mẹ em đi chợ/Chẳng cầm nón che/Này chú ếch con/Đừng kêu ồm ộp/Mưa vẫn lộp bộp/Gõ trên mái nhà/Em chẳng đi ra/Mà sao mắt ướt”(Trông mưa). Thơ giản dị mà đằm sâu, ấm áp, lại rất kín, chỉ một câu bốn chữ “Mà sao mắt ướt” mà người đọc đã như thấy em bé đang tựa cửa nhìn ra trời mưa nước mắt lưng tròng. Vẫn kiệm lời và hợp ngôn ngữ trẻ thơ, nhưng ở bài “Điện về làng đảo” nhà thơ lại đặc tả sự đổi thay của quê hương qua cái nhìn rất hồn nhiên của trẻ thơ: “Đường điện về đảo/Bầy dê cũng mừng/Cuồng cẳng tưng tưng/Be be khắp xóm/Sóng xa luống cuống/Nhún nhảy dập dờn/Những chùm hoa muống/Như vừa tím hơn”. Nói tới ngôn ngữ trẻ thơ thì Hoài Khánh khá thành công. Trong tập thơ này, đọc bài nào cũng gặp cách nói, cách nghĩ rất trẻ thơ của anh. Trong “Đường ở đảo”, đọc từ câu mở đầu: “Lon ton quanh vách núi/Bỗng trốn vào thung chơi”, đến câu cuối: “Những con chữ khó nhọc/Dắt biển lên với trời” thì đúng trẻ thơ trăm phần trăm, vì chỉ trẻ thơ mới có cách nói hồn nhiên, ngộ nghĩnh, sống động lại giàu hình ảnh như thế.

Trong khi chăm lo cho thơ mình đến với lứa tuổi thiếu nhi một cách dễ dàng và gần gũi, Hoài Khánh cũng chăm chút từng câu thơ, khổ thơ để có sự giản dị, sâu lắng, khoáng đạt và gợi mở, bớt đi sự gò bó, khuôn phép, giáo huấn. Trong tập thơ hầu như bài nào cũng có câu thơ, khổ thơ hay, còn nhìn toàn tập “Dắt biển lên trời” là bước tiến trong thơ viết cho thiếu nhi của Hoài Khánh.

CAO NĂM