Huyện Kinh Môn tích cực vào cuộc

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 08:52, 22/04/2012

Huyện Kinh Môn, nhân dân và chính quyền các xã liên quan đã nhanh chóng tiến hành các bước bồi thường, bàn giao mặt bằng để xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương.


Toàn bộ mặt bằng giai đoạn I Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương đã được bàn giao cho nhà đầu tư


Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương đang được khẩn trương triển khai trên địa bàn các xã Phúc Thành, Quang Trung và Lê Ninh (Kinh Môn). Với 2 tổ máy, tổng công suất 1.200 MW, sản lượng khoảng 7,8 tỷ kWđiện/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ 258 triệu USD, đây là nhà máy nhiệt điện dùng than có công suất lớn hơn Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trên địa bàn Hải Dương. Chính vì vậy, UBND tỉnh cùng với huyện Kinh Môn, nhân dân và chính quyền các xã liên quan đã nhanh chóng tiến hành các bước bồi thường, bàn giao mặt bằng để xây dựng nhà máy.

Đồng chí Nguyễn Thị Bên, Bí thư Huyện ủy Kinh Môn cho biết, huyện quyết tâm có "đất sạch" để bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng đúng tiến độ. Ngay khi dự án được triển khai, UBND huyện đã tổ chức họp dân, thông báo chi tiết nội dung và các bước triển khai cụ thể trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như hiệu quả và ý nghĩa kinh tế- xã hội của dự án để nhân dân hiểu và ủng hộ. Toàn bộ hệ thống chính trị của huyện, các xã có liên quan đến dự án đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền đền bù và bàn giao đất cho chủ đầu tư. Huyện xác định cụ thể, chi tiết các loại đất, diện tích, tài sản trên đất. Khi có tiền đền bù, huyện mở tài khoản cho người dân ở các ngân hàng trên địa bàn và trực tiếp chuyển tiền đền bù vào tài khoản cho người dân. Đối với những hộ chưa nhận tiền, huyện vẫn chủ động mở tài khoản gửi tiền để khi người dân đồng ý nhận tiền, huyện sẽ chuyển tiền một cách nhanh chóng. Trong quá trình giải phóng mặt bằng dự án, các hộ dân có diện tích trồng dâu ngoài bãi thuộc xã Quang Trung yêu cầu giá hỗ trợ cao vượt quy định của UBND tỉnh. Huyện đã tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân, đồng thời tổ chức các cuộc họp với Đảng ủy, HĐND, UBND và nhân dân từng xã liên quan lấy ý kiến về việc hỗ trợ. Sau khi có nghị quyết của các cuộc họp, xác định đây là đất công điền huyện đã giải thích rõ cho dân và thống nhất trích quỹ hỗ trợ của xã để các thôn xây dựng cơ sở hạ tầng. Do đó, nhân dân đã đồng thuận ủng hộ. UBND huyện làm đầu mối, chủ động trong tất cả các việc liên quan đến giải phóng mặt bằng; yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn đã trúng thầu san lấp mặt bằng dự án cùng phối hợp vận động nhân dân nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng. UBND huyện còn yêu cầu khi các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thực hiện san lấp, cần ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ, hỗ trợ cho những gia đình khó khăn hoặc hỗ trợ công sức phá dỡ, di chuyển các công trình của người dân mất đất đến nơi ở mới.

Theo lãnh đạo Công ty CP Đông Hải 27-7 (Kinh Môn), một trong những đơn vị trúng thầu san lấp mặt bằng dự án, doanh nghiệp đã tích cực phối hợp với các lực lượng chuyên môn của huyện, chính quyền cơ sở để có mặt bằng thực hiện san lấp đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Doanh nghiệp hỗ trợ thêm 300 nghìn/sào dâu, nâng tổng mức hỗ trợ lên gần 500 nghìn/sào; hỗ trợ khoảng 800 triệu đồng cho thôn Xạ Sơn (Quang Trung) nâng cấp đường giao thông và xây nhà văn hóa. Để người dân thực sự an tâm khi giao đất cho dự án, ngoài tiền hỗ trợ theo quy định, UBND huyện còn yêu cầu chủ đầu tư dự án cam kết sử dụng lao động địa phương, tạo việc làm ổn định cho người trong độ tuổi lao động. Các phương án đào tạo nghề, tái định cư, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi cũng được xây dựng cụ thể, chi tiết, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Cuối tháng 2- 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường khu nhà máy chính với số tiền gần 189 tỷ đồng. Trong đó, bồi thường, hỗ trợ cho các gia đình trên 168 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ tiền đất và công trình công cộng cho UBND xã Phúc Thành, Quang Trung số tiền 20 tỷ đồng. Hiện nay, mặt bằng giai đoạn I của dự án đã được bàn giao cho chủ dự án.

Đại diện chủ đầu tư, lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Jaks Hải Dương khẳng định, doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện đúng, đủ các cam kết về tiến độ dự án, cũng như các cam kết trong giấy chứng nhận đầu tư và các hợp đồng đã ký. Tập đoàn Jaks đã nộp khoản tiền hơn 20 triệu USD bảo lãnh ngân hàng theo hợp đồng đã ký, đồng thời cũng đã nhận bàn giao lô đất đầu tiên để có thể triển khai rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng... Trong tháng 6-2012, tập đoàn hoàn tất việc thu xếp vốn và chính thức xây dựng nhà máy. Dự kiến quý IV-2016, tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương sẽ đi vào hoạt động và tổ máy số 2 sẽ hoàn thành trong quý II-2017.

Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương đã và đang được quan tâm lớn từ dư luận. Tất nhiên, tới khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động còn cả một quãng đường dài và khối lượng công việc lớn, nhưng thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng giai đoạn I là bước khởi đầu tích cực.

Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương xâydựng trên diện tích hơn 300 ha. Trong đó, nhà máy chính và khu vực phụ trợ đượcxây dựng trên diện tích 100 ha; khu vực cầu cảng than và các phụ trợ khác 40ha; diện tích còn lại là bãi chứa tro xỉ, khu tập kết tổ hợp thiết bị, nhiênliệu... Bãi thải xỉ nằm ở bên kia dãy núi An Phụ, thuộc thôn Tiên Xá (xã LêNinh) và một phần xã Phúc Thành. Khí thải được kiểm soát và xử lý bằng hệ thốnglọc bụi tĩnh điện; nước thải được thu gom và xử lý để tái sử dụng tối đa theocông nghệ hiện đại...



THÀNH LONG