"Mái nhà chung" của người khiếm thị Nam Sách

Việc tử tế - Ngày đăng : 14:15, 24/04/2012

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi tới thăm lớp học nâng cao nghề tẩm quất cổ truyền theo phương pháp đông y của Hội Người mù Nam Sách.



Hội Người mù Nam Sách tặng ra-đi-ô cho hội viên mới


Trong điều kiện phòng học chật chội nhưng không khí học tập của các học viên vẫn sôi nổi. Anh Nguyễn Văn Min, Tổ trưởng Tổ dịch vụ tẩm quất của HNM huyện cho biết: Lớp học này rất thiết thực với các thành viên trong tổ tẩm quất, giúp anh chị em nâng cao kỹ năng xoa bóp, bấm huyệt theo phương pháp đông y. Hằng năm, Huyện hội đều quan tâm mở lớp học nâng cao tay nghề cho các anh chị em trong tổ dịch vụ tẩm quất để chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn. Đến nay, qua 11 năm hoạt động, tuy có chưa đầy 10 thành viên, nhưng trung bình mỗi năm, tổ dịch vụ tẩm quất phục vụ trên 6.000 lượt khách. Chỉ tính trong năm 2011 và 3 tháng đầu năm nay, tổ đã đón trên 8.000 lượt khách, đạt doanh thu 220 triệu đồng, lương bình quân của mỗi thành viên trong tổ đạt từ 1 - 1,3 triệu đồng/tháng. Mặc dù điều kiện sinh hoạt cũng như làm việc của cả tổ còn gặp rất nhiều khó khăn, địa điểm hoạt động thường xuyên phải thay đổi và phải đi thuê, tiền điện, nước khá cao nhưng lòng nhiệt tình cộng với sự tin tưởng của khách hàng đã là động lực giúp anh chị em gắn bó với công việc.

Từ năm 2011 đến nay, tổ dịch vụ tăm tre HNM huyện Nam Sách đã xuất ra thị trường hàng trăm nghìn gói tăm tre đạt doanh thu trên 150 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 7 lao động với mức lương bình quân gần 1 triệu đồng/tháng. Hiện tại, hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 24 hội viên vay 140 triệu đồng để phát triển sản xuất. Được giúp vốn, nhiều hội viên đã vươn lên cùng với gia đình làm kinh tế giỏi, điển hình như các hội viên Đặng Thị Huế ở xã Minh Tân, Nguyễn Thị Mùa ở xã Nam Hồng, Vũ Đình Long ở xã Quốc Tuấn.

Các hoạt động tình nghĩa cũng được hội đẩy mạnh. Thông qua xây dựng nguồn quỹ, hội đã tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi hội viên và thân nhân gia đình hội viên lúc khó khăn hoạn nạn, tặng quà cho 100% số cán bộ, hội viên vào dịp Tết; tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào ngày Tết dương lịch, các ngày lễ 30-4, 1-5, Giỗ tổ Hùng Vương hay nhân dịp Quốc khánh 2-9; tặng quà cho hội viên là thương binh dịp 27-7... Đặc biệt, HNM huyện Nam Sách là một trong số ít HNM cấp huyện trong tỉnh đã hoàn thành việc "xoá đói" thông tin cho hội viên. Hội đã tặng ra-đi-ô cho 100% số hội viên, phát hành được một bản tin nội bộ, cấp phát hàng chục lượt báo chữ nổi, báo băng đến tận chi hội và hội viên. Hằng năm, hội đều tổ chức mở lớp học phục hồi chức năng, lớp học chữ nổi Brai cho hội viên. Hiện có gần 30% số hội viên của hội biết sử dụng chữ nổi Brai. Hội còn thường xuyên phối hợp với HNM tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã, các trường học tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên. Hội cũng thường xuyên tuyên truyền cho hội viên về đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phát động phong trào thi đua trong toàn hội thực hiện cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hoà nhập cộng đồng” của Bộ Chính trị và Trung ương HNM Việt Nam gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Hữu Tình, Chủ tịch HNM huyện Nam Sách cho biết: Thông qua những hoạt động tích cực, hội đã góp phần động viên tinh thần, nghị lực vươn lên của hội viên, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức hội trong đời sống xã hội. Từ chỗ ban đầu chỉ có vài chục hội viên, đến nay HNM Nam Sách đã thu hút 184 hội viên tham gia sinh hoạt. Bên cạnh sự chung tay góp sức của toàn xã hội, hội thực sự trở thành "mái nhà chung" của những người khiếm thị trong huyện.

MINH HẠNH