Hoa vừng dại

Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:29, 29/04/2012



 Minh họa:  Văn Hà


Từ cánh rừng Hoài Nghĩa, theo đường mòn tới chân quả đồi cuối cùng là đến gò Ông Táo. Gò Ông Táo như một bán đảo thoi xuống tận khu ruộng bậc thang của cánh đồng ấp Hoài Ân. Trên bề mặt rộng bằng phẳng của nó, các loài cây trái sum suê đan quyện thành những tầng vòm, đua nhau vươn lên cao đón ánh nắng mặt trời. Giữa gò còn sót lại một cây dừa già cao ngất, thân cây nham nhở, hằn sâu vết găm xé của mảnh bom đạn. Cách gốc dừa vài chục mét, một bà lão dáng người cao đậm, mái tóc bạc trắng búi gọn ra phía sau, gương mặt  trắng trẻo phúc hậu loáng thoáng những nốt tàn nhang. Bên cạnh là người thiếu phụ đã đứng tuổi, khuôn mặt cũng hao hao giống bà. Mái tóc màu hạt dẻ của chị cắt ngắn ngang vai, uốn thành những nếp sóng nâu óng ả. Nhìn kiểu cách ăn mặc sang trọng của hai người, không ai nghĩ họ là người miền quê sơn cước này. Hai người quỳ gối trước ngôi mộ xây cổ kính rêu phong với mâm lễ đầy đủ các loại bánh trái, hoa quả, khói nhang nghi ngút. Họ cùng chắp tay trước ngực, cung kính vái lạy. Như sực nhớ ra điều gì, bà lão đứng bật dậy, vội vã chạy lại phía sau ngôi mộ. Bà ngó nghiêng một hồi rồi cúi xuống, đôi bàn tay nhẹ nhàng vạch đám cây vừng dại mọc cao ngang ngực. Bà bỗng giật mình sững lại, ngay trước mặt bà một phiến đá xanh rêu mốc mác nhô lên khỏi mô đất đỏ cao lùm lùm phủ trắng hoa vừng dại. Bàng hoàng, chuếnh choáng, bà vội ngồi xụp xuống kêu lên: “Trời ơi! Anh Việt Phương. Anh vẫn còn nằm ở đây ư?”. Nghe tiếng kêu của bà, người thiếu phụ hốt hoảng chạy tới: “Má, má sao vậy?”. Chị quỳ xuống định nâng mẹ dậy. Bà lão xua tay, lắc đầu: “Không sao! Má.. má có sao đâu!”. Bà ngước đôi mắt rưng rưng ngấn lệ nhìn con gái. “Thuỳ Trang! Con có còn nhớ chú Việt Phương ngày xưa từng nằm hầm bí mật nhà má con mình không?”. Thuỳ Trang nhìn mẹ ngạc nhiên: “Sao tự nhiên má lại nghĩ tới chú Việt Phương? Con chỉ nhớ mang máng thôi ạ!”. Bà lão gật đầu. “Ừ! ngày ấy con mới lên bảy, tám tuổi, có lẽ cũng chỉ nhớ mang máng”. Thuỳ Trang tò mò: “Thế thì sao hả má?”. Bà lão đưa bàn tay run run chỉ xuống phiến đá trên mô đất: “Chú Việt Phương vẫn đang nằm đây con ạ! - Thuỳ Trang tròn mắt - Chú Việt Phương  hy sinh rồi hả má?”. Bà lão gật đầu: “Dấu tích ngôi mộ chú ấy còn đây. Ngày xưa chính tay má và chú Ba Huỳnh chôn cất cho chú ngay cái đêm chú hy sinh mà. Những cây hoa vừng dại má trồng ngụy trang trên ngôi mộ bấy nhiêu năm vẫn tồn tại, che chở nắng mưa cho chú”. Bà thở dài, giọng chùng xuống buồn não: “Vậy mà thấm thoắt gần bốn mươi năm rồi còn gì?”. Thuỳ Trang lặng lẽ ngồi xuống cạnh mẹ. Cơn gió chiều từ cánh đồng ào tới lướt nhẹ trên mặt gò, khẽ lay động đám cây vừng dại. Những cánh hoa nhỏ li ti, trắng như những sợi bông thoát khỏi đài hoa bay theo gió phát tán khắp nơi, vương trên mái tóc, trên vai áo hai mẹ con. Hương hoa vừng phảng phất hăng hăng, ngai ngái. Mùi hương đặc trưng loài hoa dại của miền quê sơn cước. Giây phút xúc động, thiêng liêng trào dâng trong lòng người mẹ. Ký ức xa vắng một thời chiến tranh như những thước phim sống động cứ lần lượt hiện về trong trí nhớ của bà.

Sau đợt Tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân 1968, bộ đội chủ lực miền Nam Trung Bộ tạm rời thành phố, thị xã và vùng đồng bằng rút về cứ trên rừng củng cố lực lượng. Vùng quê Hoài Ân, Hoài Nhơn (Bình Định) bấy giờ trở thành vùng giáp ranh giữa rừng núi và đồng bằng. Dù là ấp chiến lược thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, Hoài Ân vẫn có những cơ sở bí mật của ta nằm vùng làm công tác địch vận, thu gom  lương thực, thực phẩm để đêm đêm bộ đội giải phóng từ trên cứ xuống bí mật vận chuyển lên. Ngày ấy, nữ du kích Hai Loan được tổ chức giao nhiệm vụ đón nhận một cán bộ giải phóng nằm vùng về ở tại nhà mình. Giữa một đêm mưa gió, trời tối mịt mùng, Hai Loan lên tận cửa rừng đón người cán bộ. Suốt chặng đường đồi gập ghềnh lầy lội, hai người không thể nhìn rõ mặt nhau, đôi bàn tay của họ đan ngón vào nhau, giữ cho nhau khỏi trượt ngã và mò mẫm lần bước trong đêm lặng. Cảm giác nóng ấm truyền sang nhau từ đôi bàn tay khác giới, xa lạ khiến cả hai người cùng lúng túng. Giây phút ấy nhanh chóng qua đi, họ phải tập trung tinh thần cho cuộc hạ sơn. Phía trước họ là cả một chặng đường đầy gian nan nguy hiểm. Loan dắt tay anh băng qua những đoạn đường thường có quân nguỵ phục kích. Xuống đến gò Ông Táo, họ tắt qua cánh đồng nhỏ để lọt vào trong ấp.

Hai Loan đưa khách về đến nhà đã hai giờ sáng. Đứa con gái nhỏ của cô đang ngủ say. Họ cởi bỏ áo mưa dưới ánh sáng vàng vọt yếu ớt của cây đèn dầu khêu nhỏ. Lúc ấy anh cán bộ và Hai Loan mới nhận rõ mặt nhau. Hai Loan thoáng chút ngượng ngùng khi thấy gương mặt anh còn rất trẻ, có lẽ chỉ bằng tuổi Loan. Là chủ nhà nên Loan chủ động: “Anh có lạnh lắm không?”. Cô chỉ tay vào gian buồng bên: “Anh phải đi thay bộ đồ mới kẻo bị cảm. Đêm nay anh ở trên nhà nghỉ ngơi cho thoải mái. Em đã bố trí hầm bí mật cho anh ngay trong nhà này thôi. À quên, em tên Hai Loan. Còn anh tên chi để gọi cho tiện?”. Anh cười thật duyên: “Anh  là Việt Phương!”. Hai Loan kêu lên: “Chu cha, đàn ông mà tên như con gái vậy, đẹp quá hì!”.

Anh vào buồng thay đồ. Bên ngoài, Loan cũng ý tứ lau mặt, sửa sang lại mái tóc rồi pha ấm trà nóng ngồi chờ. Anh quay ra. Trước mắt Loan, anh lạ lẫm khác thường. Làn da trắng nổi bật trong bộ bà ba đen, gương mặt tươi tắn sáng sủa,thanh tú như một chàng thư sinh. Loan đưa chén trà cho anh nhưng lúng túng không dám nhìn thẳng vào mặt anh. Việt Phương đỡ lấy chén trà từ tay Loan: “Cảm ơn em đã vất vả vì anh!”. Loan cười bẽn lẽn: “Đâu có, em vì cách mạng chứ đâu phải chỉ vì anh. Nói vậy thôi, em  lo anh đi đường xa... bị mệt...”. Trong ánh đèn mờ ảo tranh tối tranh sáng, Việt Phương ý tứ quan sát ba gian nhà tranh vách đất bài trí đơn sơ. Ngoài chiếc chõng tre anh và Loan đang ngồi, phía gian bên có cái giường tre nơi cháu nhỏ đang ngủ. Bên đối diện là cửa thông vào căn buồng anh vừa thay quần áo... Nét mặt Việt Phương vẻ ái ngại. Anh dò hỏi:
- Nhà Loan có mấy người?
- Dạ, chỉ có hai mẹ con em thôi ạ!
- Thế... anh ấy đâu?
- Nhà em vô quân giải phóng mấy năm rồi. Nghe nói chiến dịch đầu xuân Mậu Thân đơn vị anh ấy đánh vào Đà Nẵng, giờ vẫn chưa có tin tức chi hết. Mẹ con em cứ mong hoài. Còn anh, ở tỉnh mô ngoài nớ? Vô chiến trường lâu chưa? Có mấy cháu rồi ạ!

Việt Phương nhấp ngụm trà nóng. Đôi lông mày anh hơi nhíu lại, mắt dõi vào bóng đêm thăm thẳm. Câu hỏi của Loan bất chợt ùa vào tâm trí, khơi dậy trong anh nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết. Nỗi nhớ mà bấy lâu nay đã tạm lắng quên đi, nhường chỗ cho mọi công việc bận rộn nơi chiến trường… Anh cất giọng trầm trầm, chậm rãi: Ở ngoài Bắc anh đã có một gia đình rất hạnh phúc. Vợ anh chắc cũng chạc tuổi em thôi. Anh vào chiến trường năm 1965, khi cháu trai đầu lòng của anh chưa đầy một tuổi. Quê anh xa lắm, mãi tận Hải Hưng, một miền quê rất đẹp của vùng châu thổ sông Hồng. Nơi ấy có những cánh đồng lúa, đồng màu thẳng cánh cò bay, những làng quê trù phú và những người nông dân cần cù, lam lũ... Anh hằng mong chiến tranh nhanh chấm dứt để lại trở về đoàn tụ với gia đình trên quê hương yêu dấu...

Hai Loan không rành về địa lý nên chưa hình dung nổi quê anh. Cô bị cuốn hút vào câu chuyện của anh bởi những lời văn diễn đạt lưu loát, trầm bổng, say sưa như  người thầy giáo đứng trước bục giảng bài mà Loan là học sinh háo hức lắng nghe như nuốt lấy từng lời...

Con nhỏ bỗng thức giấc, thấy có ánh sáng đèn, lại nghe tiếng người rì rầm. Nó mắt nhắm mắt mở nhìn qua mùng, liền bật dậy, tụt phắt xuống đất lao tới, reo lên sung sướng: “A! Ba đã về! Má... má..!”. Việt Phương ngước nhìn lên, bắt gặp ánh mắt con nhỏ, anh gật đầu, nở nụ cười âu yếm với nó. Con nhỏ chột dạ, tròn mắt sững sờ khi nhận ra người đàn ông kia không phải là ba Hai Long của mình. Mắc cỡ, nó vội ôm chầm lấy mẹ... Hai Loan ôm con vào lòng: “Đây là chú Việt Phương, cán bộ giải phóng như ba Long con đó! Cháu là Thuỳ Trang!” - Loan vuốt nhẹ đôi má bầu bĩnh của Thuỳ Trang - “Từ nay chú Việt Phương sẽ ở nhà mình. Hai má con mình phải chăm sóc, che chở cho chú nghe con?”. Nghe má nói chú là quân giải phóng giống ba Long, Thuỳ Trang thích lắm, gật đầu lia lịa...

*  *  *


... Việt Phương hoạt động dưới sự che chở của mẹ con Hai Loan đã hơn một năm. Ban ngày anh nằm dưới hầm bí mật trong buồng, đêm đêm thoát lên khỏi hầm. Hai Loan làm giao liên đưa anh đến các cơ sở làm việc. Một đêm, sau khi giải quyết xong công việc trên đường trở về, bất chợt Việt Phương và Hai Loan gặp bọn lính ngụy đi tuần tiễu. Hai Loan chỉ kịp kéo anh đổ xuống, đè sấp lên anh. Hai người  nép mình trong lùm cây hoa vừng dại bên rệ đường, hồi hộp, nín thở dưới ánh đèn pin loang loáng của địch. Phút căng thẳng, hiểm nguy trôi qua. Tiếng giầy đinh nghiến lạo xạo trên mặt đường cát sỏi xa dần. Cho đến khi nghe tiếng chó sủa rộn lên phía đầu ấp, Hai Loan vẫn nằm đè trên người Phương. Giữa hương thơm nồng ngai ngái của  hoa vừng dại, Việt Phương kịp cảm nhận hơi thở gấp gáp thơm tho mùi con gái của Loan phả lên mặt anh. Đôi cánh tay tròn lẳn của cô vẫn đang ghì chặt lấy cổ anh. Bộ ngực căng mềm của Loan tỳ áp vào vai, vào lưng anh. Mỗi điểm tiếp xúc trên thân thể Loan như một mạch điện ào ạt dẫn chuyền sang Phương. Toàn thân anh rạo rực bồi hồi, trái tim yêu đột ngột bừng lên rung cảm, nhịp đập xốn xao. Anh chìm đi trong đê mê. Không kiềm chế nổi khát vọng, Phương lật nhanh người lại, ôm ghì chặt lấy thân thể nóng hổi của Loan. Trong hơi thở hổn hển dập dồn, đôi làn môi vội vã tìm nhau, gắn chặt nồng nàn… Phút đắm đuối, hai tâm hồn muốn được hoà quyện làm một. Phương mở bừng mắt, anh muốn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp yêu kiều thuần khiết của Loan dưới ánh trăng hạ tuần giữa miền sơn cước. Những cây hoa vừng dại rung lên, nghiêng ngả. Cánh hoa lả tả rơi… Vài cánh hoa li ti vô tình sa vào mắt Phương. Bất giác anh đưa tay lên dụi, nước mắt chảy ràn rụa. Tác nhân bất thường của dị vật oái oăm ấy lập tức cắt ngang mọi đam mê ham muốn, sự hưng phấn trong Phương nhanh chóng tắt nguội. Lý trí bỗng trỗi dậy, mách bảo anh hãy tỉnh táo dừng lại… phải giữ gìn nhân cách người chiến sĩ giải phóng. Phương bàng hoàng nhận ra mình đang hành động vượt qua giới hạn tình cảm cho phép. Đôi bàn tay anh từ từ buông lỏng. Loan không hiểu tâm trạng Phương. Cô càng ghì xiết vòng tay chặt hơn. Phương nhẹ nhàng gỡ tay Loan. Anh lắc đầu: “Xin lỗi em, anh không thể..!”. Bị ức chế bất ngờ, Loan thất vọng buông Phương ra. Hai người bật ngồi dậy. Loan ôm mặt tức tưởi. Phương nắm đôi bàn tay nhỏ nhắn của Loan thủ thỉ: “Chúng ta đang làm nhiệm vụ… và mỗi người trong chúng ta đều đã có cuộc sống hạnh phúc gia đình riêng tư... Anh không muốn sẽ phải ân hận với người đồng chí của mình. Hãy hiểu, thông cảm cho anh nghe Loan. Chúng mình sẽ sống tốt với nhau như những ngày tháng đã qua…”. Loan hiểu ý Phương. Mọi xúc cảm, khát vọng tình ái trong cô cũng dần tan biến. Loan bình tĩnh trở lại, cô nắm chặt lấy bàn tay cứng cỏi của anh. Hai người dìu nhau bước ra khỏi bụi hoa vừng dại lên mặt đường. Họ sánh vai nhau đi dưới trời  khuya vằng vặc trăng sao, trong lòng thấy vô tư, thanh thản, nhẹ nhàng...

*  *  *


Dưới ánh trăng hạ tuần mờ ảo, thấp thoáng ẩn hiện con đường đồi như con trăn bạc khổng lồ trườn mình về phía cánh rừng Hoài Nghĩa. Tổ ba người Việt Phương, Ba Huỳnh, Hai Loan dẫn đường, hộ tống cho đại đội vận tải gùi lương thực từ ấp Hoài Ân lên cứ. Đoàn người lặng lẽ đi giữa đêm thanh vắng, cả miền đồi rừng đang trong giấc ngủ say. Đoành..! Đoành!.. Đoành..! Bỗng từng tràng tiểu liên AR15 của bọn biệt kích thám báo ngụy phục kích từ hai bên sườn đồi xả chéo cánh sẻ vào đội hình đại đội vận tải. Theo phản xạ, tất cả nằm rạp xuống đường tránh đạn và bắn trả quyết liệt. Tình huống quá bất ngờ, bằng mọi giá phải cầm chân địch, bảo vệ được hàng hoá, tránh thương vong cho các chiến sĩ vận tải. Việt Phương quyết định lệnh cho Hai Loan dẫn đường đưa đội vận tải chạy tắt vào rừng theo phương án dự phòng. Việt Phương và Ba Huỳnh tiếp tục nổ súng chống trả, kéo địch về phía mình, đánh lạc hướng cho chúng đuổi theo hai anh chạy ngược về phía ấp Hoài Ân. Đến gò Ông Táo, Việt Phương bỗng giật người, đứng khựng lại, hẫng hụt, chênh chao. Từ trước ngực anh, một dòng máu xối trào nóng hổi. Toàn thân  anh tê dại. Đầu óc quay cuồng, anh đổ khuỵu xuống, khẩu AK buông khỏi tay. Từ phía sau, Ba Huỳnh không còn nghe tiếng súng của Việt Phương. Đoán có sự chẳng lành, Ba Huỳnh lướt tới chỗ Phương. Phương đang nằm bất động, người mềm nhũn. Anh đã trút hơi thở cuối cùng... Là người thông thuộc địa hình, Ba Huỳnh vác Phương chạy tới một căn hầm bí mật trong gò. Thấy tiếng súng chống trả im bặt đột ngột, bọn biệt kích thám báo nghi ngờ bị nhử tới ổ phục kích của quân giải phóng. Chúng vội quay lại, tiếp tục truy đuổi đội vận tải. Lúc này Hai Loan đã dẫn đội vận tải theo con đường bí mật khác thoát lên rừng...

Gần sáng, Hai Loan mới trở về đến gò Ông Táo. Ba Huỳnh đợi cô ở đấy, anh cho biết Việt Phương đã hy sinh. Hai Loan lặng người, choáng váng. Cô ôm chặt Ba Huỳnh, đấm vào vai anh thùm thụp: “Tại sao? Sao lại thế? Trời ơi! Anh Phương hy sinh là lỗi tại em… Em không lường hết... Anh Phương ơi!”. Ba Huỳnh vỗ vỗ vai hai Loan: “Loan đừng buồn nữa. Không còn thời gian đâu để kể lể, ân hận… Anh em mình phải khẩn trương mai táng cho Phương trước khi trời sáng kẻo địch phát hiện”. Hai Loan nuốt nước mắt, cùng Ba Huỳnh đưa Việt Phương đến mai táng ngay sau ngôi mộ cụ cố nhà Loan trên gò. Loan kiếm được phiến đá xanh đặt lên làm bia và đánh những khóm cây hoa vừng dại trồng nguỵ trang cẩn thận cho ngôi mộ. Công việc xong xuôi thì trời đã tang tảng sáng...

Thuỳ Trang thấy mẹ buồn buồn, lại không thấy chú Việt Phương ăn cơm tối cùng hai mẹ con như trước. Nó tò mò hỏi: “Má, chú Phương đi mô lâu về vậy?”. Hai Loan nén lòng mỉm cười: “Con có nhớ chú không? Chú phải đi nhận nhiệm vụ mới gấp lắm. Má quên, chú gửi lời chào con và hẹn sẽ trở về thăm má con mình”. Lòng con trẻ ngây thơ, thật thà đến dễ tin. Thuỳ Trang tin lời má nói. Nó chờ mãi vẫn không thấy chú Việt Phương trở về...

*  *  *


Cho đến bây giờ, sau gần bốn mươi năm, Thuỳ Trang mới được biết sự thật chú Việt Phương đã hy sinh từ ngày ấy. Chị thực sự xúc động. Sống mũi cay xè, những giọt nước mắt tràn đầy bờ mi lăn dài trên má. Bà Hai Loan nhận biết tấm lòng con gái. Bà quay sang Thuỳ Trang ân hận: “Má xin lỗi vì đã giấu con về cái chết dũng cảm của chú Việt Phương. Hồi ấy má cũng định sẽ nói cho con hay nhưng sự việc xảy ra với má con mình quá bất ngờ”. Bà bồi hồi kể:

- Chôn cất chú Việt Phương được ít ngày, chú Ba Huỳnh và mấy người nữa cũng hy sinh trong một trận đánh tập kích đồn Hoài Nhơn. Má đang buồn bởi sự tổn thất, mất mát đồng đội thì ba Hai Long của con đột ngột trở về trong trang phục sĩ quan ngụy Sài Gòn cùng với chiếc xe nhà binh. Ba Long yêu cầu hai má con lên xe ngay, không cần đem theo bất cứ thứ gì. Xe đưa má con mình về Quy Nhơn. Ở đó, hai má con được sinh hoạt theo chế độ vợ con sĩ quan quân đội Sài Gòn. Má buồn lắm. Buồn vì phải xa quê hương, xa đồng đội. Má luôn miệng mắng nhiếc ba Long con đã quay đầu phản bội cách mạng. Ba Long không giận má. Ông chỉ cười xuê xoa... Cho đến năm 1974, ba Long đưa má con mình xuống chuyến tàu biển theo đoàn người tuỳ nghi di tản sang Mỹ... Rồi như con đã biết, ba Hai Long vẫn là người của cách mạng. Bấy nhiêu năm xa cách, nay má con mới có dịp trở về thăm lại quê hương. Hôm nay ra gò Ông Táo thắp hương cụ cố, may mắn được gặp lại chú Việt Phương. Bà Loan chìa tay. Con đưa cho má cái sắc.
- Dạ, đây ạ! Thuỳ Trang  đưa sắc cho mẹ.

Bà Hai Loan mở sắc, lấy ra tấm ảnh đen trắng đã bạc màu: Má vẫn giữ được tấm ảnh chú Việt Phương từ ngày ấy. Đằng sau có ghi địa chỉ quê chú ngoài Bắc. Chắc gia đình ngoài ấy đang mong tin chú lắm. Má tính, má con mình sẽ hoãn sang Mỹ ít ngày. Má muốn làm trọn nghĩa tình của mình với người đã khuất...


Truyện ngắn của
ĐỖ TUẤN TƠN