40 lao động Việt ở Nga kêu cứu

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:39, 01/05/2012

Làm việc quần quật 12-14 giờ/ngày, luôn chịu đói,...đó là tình cảnh của gần 40 lao động nghèo Việt Nam tại TP Ekaterinbua, tỉnh Xvetlov ( Nga).

Người thân của hàng chục lao động tại xã Đại Cương, Kim Bảng, Hà Nam hoang mang lo lắng - Ảnh: Gia Phong

Những lao động này liên tục điện thoại cho người thân ở Việt Nam nhờ gửi đơn cầu cứu khắp nơi, khắc khoải từng giờ từng phút chờ đợi được giải cứu.

“Đói quặn ruột”

Ông Nguyễn Văn Bàng, anh trai của lao động Nguyễn Văn Thi (xã Đại Cương, Kim Bảng, Hà Nam), cho biết tháng 10-2011, Công ty Hoa Việt (có trụ sở tại thành phố Ekaterinbua, Liên bang Nga) cử người đại diện là ông Nguyễn Văn Nam (trú tại Kim Bảng, Hà Nam) về tuyển lao động để đưa đi Nga làm nghề giày da cho Công ty giày da L.E.O. Pard, tại thành phố Ekaterinbua, hứa hẹn mức lương 400-500 USD/tháng, chưa kể tiền thưởng, làm thêm.

Chúng tôi đã liên lạc trực tiếp với lao động Nguyễn Văn Thi và Trịnh Đình Quỳnh (thường trú xã Đại Cương), hai trong số gần 40 lao động đang kêu cứu tại Nga. Quỳnh và Thi cho biết ngay sau khi xuống sân bay (3-1-2012), toàn bộ lao động được đưa lên xe đến một công xưởng giày da và may mặc mà không được chủ cho biết nơi làm việc và công ty tên gì. Các anh tự tìm hiểu mới biết mình ở thành phố Ekaterinbua, thủ phủ tỉnh Xvetlov, cách thủ đô Matxcơva khoảng 2.000km về hướng đông bắc.

Về tình hình hiện tại, Trịnh Đình Quỳnh uất ức: “Có bữa ăn chỉ có khoai tây luộc, đói quặn ruột. Anh em đều phải làm quần quật 12-14 tiếng mỗi ngày, từ 8g sáng đến tận 10g đêm. Làm liên tục không được nghỉ, mệt, đói và rét quá nên có nhiều lúc anh em ngất lịm đi. Mệt cũng không được nghỉ, đám đốc công quản lý lại quát tháo: Người khác không ốm, sao mày ốm!”.

Anh Nguyễn Văn Thi cũng than rằng “sống như nô lệ” và “anh em biết bị lừa nên giờ chỉ muốn về, kể cả chấp nhận Hoa Việt không trả lương, không trả tiền đặt cọc cũng được”. Chấp nhận xuống nước như vậy để mong được giải thoát nhưng vẫn không ăn thua.

Để được đi Nga, người lao động phải đóng lệ phí 1.500 USD và đặt cọc trước 20 triệu đồng cho Công ty Hoa Việt. Gia đình ông Bàng và gia đình 13 người khác (chủ yếu ở hai huyện Kim Bảng và Duy Tiên, Hà Nam) đã vay mượn, thậm chí cầm cố tài sản. “Cứ tưởng cháu sang đó ba năm, với lương gần chục triệu đồng/tháng thì khi về sẽ có chút vốn làm ăn. Nào ngờ vừa sang đến nơi, cháu điện về nói không như những gì họ đã hứa và ký kết trong hợp đồng” - bà Nguyễn Thị Doanh, mẹ lao động Đỗ Văn Thỏa, tấm tức.

Đại diện các gia đình cho biết từ khi sang làm, phía chủ lao động chỉ tạm ứng mỗi tháng 1.000 rúp để tiêu vặt (hơn 600.000 đồng). Ngoài ra, không lao động nào nhận được bất kỳ đồng lương nào trong bốn tháng nay (kể từ tháng 1-2012).

Có khả năng là “đường dây đen”

Theo gia đình của gần 40 lao động, sau khi thấy người thân liên tục cầu cứu và có dấu hiệu bị lừa đảo, đại diện các gia đình đã kéo đến nhà ông Nguyễn Văn Nam (người đứng ra thu tiền cho Công ty Hoa Việt) bắt làm cam kết trả lại tiền và phải đưa người nhà họ về nước có sự chứng kiến của chính quyền xã. Tuy nhiên, trong cam kết, ông Nam không nhắc đến bao giờ sẽ trả lại tiền và sau bao lâu sẽ đưa những lao động này về nước. Theo người nhà những lao động, hộ chiếu của tất cả lao động đều là hộ chiếu du lịch có thời hạn ngắn 3-6 tháng.

Hiện tại, người thân của các lao động đã gửi đơn tố giác Nguyễn Văn Dũng - người đứng tên trong hợp đồng, đại diện Công ty Hoa Việt - đến công an và chính quyền địa phương để trình báo và gửi đơn đến Đại sứ quán Nga tại VN để nhờ can thiệp. Theo ông Đỗ Văn Ký, trưởng Công an xã Đại Cương, sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc, Công an xã Đại Cương đã báo cáo với Công an huyện Kim Bảng để có phương án xử lý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhận định nhiều khả năng đây là “đường dây lừa đảo đưa lao động đi Nga”. Bởi theo quy định, lao động đi lao động ngoài nước phải thông qua các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hoặc lao động đi theo công ty VN nhận thầu công trình bên Nga, hoặc đi theo hợp đồng cá nhân, hay đi theo diện thực tập tu nghiệp. Dù đi theo hình thức nào thì các hợp đồng này đều phải qua Cục Quản lý lao động ngoài nước để thẩm định. “Với trường hợp này, cục sẽ chủ động kiểm tra, xác minh và đề nghị Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao yêu cầu Đại sứ quán VN tại Nga can thiệp, thực hiện chính sách bảo hộ công dân”, ông Quỳnh nói.

GIA PHONG - ĐỨC BÌNH (TT)

Thúc đẩy xuất khẩu lao động qua Nga

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết ông vừa dẫn đầu đoàn đại diện Bộ LĐ-TB&XH sang Nga để tiến hành việc ký kết hiệp định chính thức nhằm thúc đẩy và hợp thức hóa việc xuất khẩu lao động qua thị trường Nga. Theo Thứ trưởng Hòa, dù việc đưa lao động qua Nga làm việc đã có từ lâu nay nhưng chưa được hợp thức hóa bằng các hiệp định chính thức giữa hai bên.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Nga là thị trường có nhiều tiềm năng và nhu cầu lao động trong các lĩnh vực may mặc, xây dựng và công nhân nhà máy. Việc đưa lao động qua Nga đã tiến hành từ lâu nhưng chủ yếu là việc hợp tác giữa các doanh nghiệp VN và Nga. Hiện tại Nga có hàng chục ngàn lao động VN làm việc chủ yếu trong lĩnh vực may, phần lớn làm cho các xưởng may đen (tên gọi các xưởng may chui của người Việt ở Nga).

Trong đó, số ít đi bằng đường xuất khẩu lao động, đa số được đưa qua bằng các con đường không chính thức như du lịch, thăm thân nhân... khiến người lao động gặp rủi ro cao. Việc tiến tới ký hiệp định sẽ đẩy mạnh hợp tác chính thống trong việc xuất khẩu lao động qua Nga, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng như việc kiểm soát và phát triển thị trường này. Theo Bộ LĐ-TB&XH, thu nhập bình quân đầu người tại Nga hiện nay là 1.000 USD/tháng/người.

HỒ VĂN - ĐỨC BÌNH